Nguyên nhân viên tín dụng ngân hàng thuê người đóng giả khách vay tiền

28/05/2021 06:31 GMT+7

Tân thuê người đóng giả làm khách hàng của Tân cần vay tiền đáo nợ ngân hàng để người cho vay tin là thật.

Ngày 27.5, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đối với bị cáo Nguyễn Phước Tân (30 tuổi, nguyên nhân viên tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB tại Vĩnh Long), theo hướng đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì bỏ lọt đồng phạm.
Về hành vi phạm tội của Tân, bản án sơ thẩm nêu từ đầu năm 2018, để có tiền tiêu xài, Tân dùng thủ đoạn nói với một số cá nhân bên ngoài rằng có người cần vay vốn để đáo nợ ngân hàng.
Sau đó, Tân làm giả thông báo đồng ý cấp tín dụng của SCB đối với một số khách hàng, dùng điện thoại di động chụp hình gửi qua ứng dụng Zalo cho các bị hại; hoặc Tân thuê người đóng giả làm khách hàng của Tân cần vay tiền đáo nợ ngân hàng để người cho vay tin là thật. Với thủ đoạn gian dối này, Tân đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 33,7 tỉ đồng của 12 bị hại.
Cuối tháng 4.2021, TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm, tuyên Tân 19 năm tù và buộc bị cáo phải bồi thường 11 bị hại hơn 33,4 tỉ đồng; buộc 6 người liên quan có nghĩa vụ hoàn trả số tiền còn nợ bị cáo nhưng được tạm giữ để đảm bảo thi hành phần nghĩa vụ của bị cáo, đồng thời 6 người này phải có nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm.
Tuy nhiên, qua kiểm sát hồ sơ vụ án, Viện cấp cao 3 nhận định cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt 4 người với vai trò đồng phạm giúp sức, gồm: vợ chồng Nguyễn Chí Hiếu và Trần Thị Đan Thanh, Đặng Thị Minh Thu, Lê Ngọc Mai.
Theo Viện cấp cao 3, những người này đã đóng giả khách hàng cần vay vốn của Tân và ký tên vào hồ sơ vay tiền của những bị hại, tạo điều kiện thuận lợi cho Tân hoàn thành hành vi phạm tội, sau đó được Tân trả tiền thù lao.
Ngoài ra, theo Viện cấp cao 3, án sơ thẩm tuyên buộc những người có nghĩa vụ trả nợ cho bị cáo phải có nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm là không đúng theo quy định của của bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30.12.2016, vì sau khi chiếm đoạt được tiền của những bị hại, bị cáo đã cho các đương sự mượn số tiền này. Do vậy, đây là tiền tang vật của vụ án cần phải thu hồi để hoàn trả cho những bị hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.