Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình rơi nước mắt giỗ đầu nhà văn Lê Văn Nghĩa

24/07/2022 12:11 GMT+7

Sáng 24.7 tại TP.HCM, nhân lần giỗ đầu của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021), gia đình và Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ cùng phối hợp tổ chức chương trình tưởng nhớ ông đầy cảm xúc tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5).

Tưởng nhớ về Anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa, nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM xúc động phát biểu: “Vậy là đã tròn một năm nhà văn Lê Văn Nghĩa rời xa cõi nhân gian. Một năm, đồng nghiệp và bạn bè không còn nhìn thấy ông rong ruổi trên chiếc xe máy cũ để dạo chơi Sài Gòn mỗi buổi chiều, nhưng những trang viết của ông về Sài Gòn thì vẫn vẹn nguyên, nồng ấm và nhớ nhung. Vì thế, hôm nay, tất cả chúng ta lại có một buổi hội ngộ, để nhắc đến nhà văn Lê Văn Nghĩa và để thêm yêu mảnh đất Sài Gòn mà cả cuộc đời 68 năm của ông đã ôm ấp và nâng niu”.

Các tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình

ĐỖ TUẤN

Hình ảnh Anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) sáng nay 24.7

PHƯƠNG HUYỀN

Một chương trình tưởng nhớ ông đầy cảm xúc.

ĐỖ TUẤN

"Nghĩa là người quảng giao, hình như anh có đến gần chục nhóm bạn thường ngồi với nhau"

Một Lê Văn Nghĩa luôn yêu Sài Gòn bao dung và nghĩa tình, ông trải lòng mình qua từng trang viết về mảnh đất phương Nam phóng khoáng, đậm đặc chất Nam Bộ. Cũng theo nhà văn Bích Ngân: “Bên cạnh các truyện dài, nhà văn Lê Văn Nghĩa khai thác thêm vẻ đẹp Sài Gòn qua thể loại tản văn. Những cuốn sách Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề, Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức... được nhà văn Lê Văn Nghĩa chưng cất từ phép cộng của giá trị tài liệu và giá trị nhân chứng, đã dễ dàng thuyết phục được độc giả khó tính nhất khi muốn tìm hiểu về Sài Gòn. Lối viết tản văn sở trường của nhà văn Lê Văn Nghĩa là nhân sự kiện đang diễn ra mà khơi gợi lại những điều chìm khuất trong quá khứ. Ví dụ, khi có hầm vượt sông Sài Gòn thì “Nhớ lại một con phà” để kể chuyện đi lại của người dân Thủ Thiêm trước đây, khi thịt heo tăng giá vì dịch tả lợn châu Phi thì nhắc “Có thời kỳ thịt heo bị cấm bán” vào tháng 11.1961 tại Sài Gòn để ổn định thị trường vì… vùng nuôi heo cần phục hồi sau trận lũ lụt”.

Đứng giữa trời nắng tại ngôi trường đầy kỷ niệm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình say sưa nói về người bạn chí cốt, tri kỷ Lê Văn Nghĩa

quỳnh trân

Ông Lê Hoàng phát biểu tại buổi lễ

QUỲNH TRÂN

Tròn 1 năm nhà văn Lê Văn Nghĩa rời xa cõi tạm nhân gian

BTC

Còn nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương thì có nhiều câu chuyện với nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ông cho biết: “Nhà Nghĩa ở quận 3, nhà tôi ở Phú Nhuận, nhưng có lối đi tắt rất gần. Hẻm nhà anh lịch sự, quen gọi là hẻm Lê Bảo Tịnh, nổi tiếng vì có văn phòng họ đạo Thanh Hóa và ngôi trường do linh mục Thanh Lãng xây dựng. Biết tôi ngại đi xe máy, thỉnh thoảng anh sang chở tôi đi dự họp mặt ở NXB, đi dự đám cưới, ăn tất niên, có buổi tối còn ngẫu hứng đi ăn cháo lòng và trứng vịt lộn. Nhà Nghĩa đẹp, mà xe anh thì cà tàng, yên sau không có nệm, ngồi rất đau mông. Tôi chọc anh, 'ông đi xe này thì gia đình yên tâm, vì chẳng có cô nào thèm ngồi lên yên sau của ông'. Biết ý, lần sau Nghĩa đem theo cái áo mưa lót trên yên. Nghĩa là người quảng giao, hình như anh có đến gần chục nhóm bạn thường ngồi với nhau, 'khi ly khi tô'. Tôi được anh 'kết nạp' làm thành viên của ba nhóm có điểm hẹn khác nhau: một câu lạc bộ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, một nhà hàng ở đường Lê Quý Đôn, một quán ăn trên đường Vườn Chuối. Những lần họp mặt bao giờ Nghĩa cũng đem theo một chai rượu vang chính hiệu”.

Đứng giữa trời nắng tại ngôi trường đầy kỷ niệm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình say sưa nói về người bạn chí cốt, tri kỷ Lê Văn Nghĩa và những năm tháng gắn bó cả một thời thanh xuân: “Tôi từng có một tuổi thơ nghèo cứ nằm mơ một ngày được vào trường Petrus Ký. May mắn sao trong quá trình hoạt động cách mạng tôi gặp nhiều người như Lê Hoàng, Lê Văn Nghĩa và nhiều bạn thân gắn bó với cuộc đời mình cũng có mặt hôm nay tại ngôi trường từng một thời tranh đấu khốc liệt”. Nói về quá trình gắn bó với nhà văn Lê Văn Nghĩa trong quãng thời gian làm tờ tin Tổng đoàn, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình rưng rưng: “Hồi đó, anh Nghĩa vẽ tranh rất đẹp, tôi chỉ chuyên vẽ chữ Tin, kiêm công việc thỉnh thoảng có biên tập bài vở cho tập san còn anh thì say sưa làm họa sĩ. Chúng tôi ăn, ngủ tại chỗ cùng nhau ngay chỗ làm báo. Hồi đó anh Lê Hoàng còn gởi thơ cho tôi đăng mà. Lê Văn Nghĩa là người bạn thân của cuộc đời tôi”, ông Trương Hòa Bình cảm động rơi nước mắt, đôi mắt đỏ hoe.

Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu

Các đại biểu và khách mời đều xúc động nhớ về nhà văn

Các tiết mục văn nghệ đan xen giữa chương trình giao lưu tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa

trần hoàng nhân

Nhân lần giỗ đầu, gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng tặng áo dài và sách cho học sinh trường. Đó là tác phẩm của nhà văn lúc sinh thời do NXB Trẻ ấn hành như Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ. Tác phẩm Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ của cố nhà văn cũng được tái bản trong dịp này. Ngoài ra, bà Mai Thị Hạnh - phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện Quỹ Chia sẻ Sharing cũng đã trao 50 triệu đồng; Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Sài Gòn Time Foundation) trao 15 triệu cho các em học sinh mồ côi trong đại dịch và Quỹ học bổng Bùi Trọng Chương trao 25 suất, trị giá 275 triệu đồng cho học sinh Lê Hồng Phong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.