Nguyễn Quang Dũng: Vì tình một đêm mà nguy hại đến bộ phim thì không đáng

16/11/2017 14:48 GMT+7

Trong cuộc trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ bức xúc trước vấn nạn rò rỉ phim mà Cô Ba Sài Gòn đang gặp phải. Anh cũng trải lòng về việc làm phim remake, vốn bị hiểu nhầm không có giá trị nghệ thuật.

Không đoàn phim nào muốn phim bị quay lén để được PR
* Chào đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Là người trong nghề, anh đánh giá thế nào về vụ livestream lén làm rò rỉ 30 phút phim Cô Ba Sài Gòn?
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Về việc livestream hay là quay lén phim đang chiếu rạp thì tôi nghĩ đó là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Nhiều bạn trẻ họ không ý thức, nhiều khi họ không cố ý vì nghĩ là livestream cho bạn bè coi thử hay là khoe mình đi coi phim vậy thôi. Nhưng bạn nghĩ đi, đầu tư cho một bộ phim vốn không phải là nhỏ. Mà nhà sản xuất nhiều khi người ta còn phải đi vay mượn, thế chấp ngân hàng để đầu tư. Nhưng sự thật thì không chỉ dừng ở số tiền đầu tư, một bộ phim thành công thì nó còn có lãi nữa. Vì vậy nếu bạn vi phạm bản quyền bộ phim đó thì sự mất mát nó còn nhiều hơn kinh phí làm phim nữa. Bạn tưởng tượng bộ phim như cái nhà vậy, người ta vào nhà bạn ăn trộm thì bạn nghĩ sao? Nhiều người cho rằng nên giơ cao đánh khẽ vì lý do nào đó nhưng luật pháp thì không phải như vậy. Không thể nói lần đầu hay lần cuối gì cả. Luật phải xử lý nghiêm để còn làm gương, người dân họ sẽ nhìn vào đó để ý thức hơn nữa.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong ảnh hậu trường làm phim Dạ cổ hoài lang Ảnh: ĐPCC
* Đầu năm nay phim Dạ cổ hoài lang của anh gặp phải sự cố là bức ảnh thờ trong phim. Anh giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Tất nhiên khi mình biết là mình phải cố gắng khắc phục ngay. Thật ra khi bộ phim nào ra rạp và được khán giả góp ý sai sót, phía nhà phát hành và nhà sản xuất cũng tạo điều kiện cho chúng tôi sửa chữa sai lầm. Và với Dạ cổ hoài lang thì chỉ trong vài ngày là đã khắc phục được. Tôi cũng cảm ơn nhà đầu tư phim vì họ hiểu cho chúng tôi rằng đó thật sự là một tai nạn. Phải nói đó là một sai sót lớn, lại diễn ra khi phim đang chiếu thì rất khó khăn cho chúng tôi để sửa sai.
* Có vẻ công chúng vì quá ngán ngẩm với chiêu trò nên họ cảnh giác cao độ. Nhiều người thậm chí còn cho rằng các sự cố chỉ là chiêu trò PR để bán vé phim. Anh thấy sao?
- Phim Siêu nhân X ngày xưa của tôi cũng bị phát tán trộm. Nhiều người nghĩ đoàn phim đang quảng cáo hay PR gì đó. Nhưng không có đoàn phim nào dùng cái chiêu PR như vậy cả. Không có ai muốn quảng cáo cho phim mình bằng cách tung nó hoặc bị tung nó lên mạng như vậy hết. Tôi mong pháp luật, cơ quan chức năng cũng như chính khán giả, công chúng có cái nhìn và hành động khách quan hơn, sát sao hơn để có thể bảo vệ tài sản cũng như chính quyền lợi của nhà làm phim và người yêu điện ảnh.
* Ngô Thanh Vân từng nói không với dòng phim remake và cho rằng: "Chất liệu văn hóa Việt còn nhiều, sao ta phải remake kịch bản nước ngoài". Được biết anh đang remake bộ phim Tháng năm rực rỡ từ kịch bản Hàn Quốc, anh nghĩ gì về xu hướng remake phim hiện nay?
- Bây giờ hướng mà làm phim remake là một giải pháp cần cho lúc này. Vì thị trường đang thiếu, mọi thứ thì phát triển, một năm ra quá trời phim thì nhân lực không đủ. Và remake là hợp lý nhưng nếu một vài năm nữa thì có thể người ta sẽ ngán và lúc đó người ta sẽ cần một hướng đi mới.
Việt Nam hoàn toàn có thể làm lại những bộ phim cũ mà ăn khách như Ván bài lật ngửa, làm mới nó lại theo cách của mình. Tôi nghĩ đó là một cách hay và đứng về mặt đời sống của người làm nghề thì remake cũng tốt. Vì nếu một bộ phim, một tác phẩm văn học hay một bài hát nào đó nó được nhiều nguồn làm lại thì người sáng tác họ sẽ tận thu. Thí dụ Em chưa 18 mà được Thái Lan, Hàn Quốc mua lại thì mình được tận thu thêm nữa. Chuyện đó là rất tốt cho người kinh doanh. Còn tồn tại thì không nói trước vì người ta chán thì tự động nhà sản xuất ngừng thôi.
* Có thông tin cho rằng làm phim remake chi phí rẻ hơn so với sáng tạo kịch bản gốc, bởi chỉ cần chuyển ngữ thôi, có đúng không?
- Không hề rẻ hơn (cười). Vì khi làm lại sản phẩm đó phải được biên tập làm sao mà phù hợp với cái thị trường và bối cảnh hiện tại nữa. Và với thị trường, hoàn cảnh của Việt Nam thì điều đó nó còn khó hơn nhiều. Và thật ra tiền trả cho một kịch bản làm lại nó đắt hơn cái kịch bản mình tự viết nhiều. Nhưng do giờ mình không viết kịp, không có nguồn kịch bản nên mình phải làm lại thôi.
Tuy nhiên nói remake là không sáng tạo thì cũng là sai, trên lý thuyết là sai. Cả Hollywood nhiều tiền và nhiều nhân lực người ta cũng remake phim và từng trao giải Oscar Phim hay nhất cho The Departed (2006), vốn là bộ phim mua lại kịch bản Vô gian đạo của Hồng Kông. 
Thanh Hằng từng tham gia 5 phim với Dũng ''khùng'' Ảnh: NVCC
Tôi tiếc tài năng của Tăng Thanh Hà
* Ở điện ảnh Việt Nam, anh thấy ai đủ chuẩn minh tinh chưa?
- Tôi nghĩ có chứ. Vì minh tinh thực chất là diễn viên nào mà khiến khán giả họ tin tưởng, nghe tên là tới mua vé thì người đó họ là ngôi sao, là minh tinh rồi. Họ quyết định phần lớn thành công của bộ phim. Như thời kỳ phim “mì ăn liền” thì có Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh... Hay gần đây là Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn, Hoài Linh… Họ là những gương mặt mà khán giả tin tưởng mua vé.
* Có phim nào của anh tạo ra minh tinh chưa?
- Thật ra tôi quan trọng nội dung, câu chuyện của bộ phim hơn. Tất nhiên là cũng có những diễn viên qua đó họ được khán giả yêu quý, nhớ mặt đặt tên. Nhiều ngôi sao được khán giả công nhận vai trò diễn xuất từ phim của tôi.
* Thanh Hằng, "nàng thơ" của Nguyễn Quang Dũng, phim mới nhất của cô ấy đóng không phải là phim của anh. Anh thấy sao về điều này?
- Điều đó thì tốt thôi, Thanh Hằng là một người khó tính và đã nhận cái gì là rất tập trung. Tôi nghĩ cô ấy làm với người khác là một hướng “đổi gió” thú vị cho khán giả.
* Có thời gian anh với Thanh Hằng bị đồn là một cặp, vậy liệu có phải đôi bên gặp trục trặc mà cô ấy đóng phim của người khác?
- Thì đã nói là lời đồn mà, là người ta đồn thôi. Tôi đâu có bao giờ tránh khỏi và cũng không giải thích làm gì cho mệt (cười).
* Anh thấy lời đồn nào về mình là phi lý nhất?
- Tôi nghĩ các lời đồn là điều có căn cứ, nguyên do hết chứ không phải không không người ta đồn. Có thể họ nhìn góc độ này hay góc độ kia nên nghĩ vậy. Tôi cũng chưa gặp phải lời đồn nào quá ác ý, quá nghiêm trọng. Mà người ta quan tâm nên mới nghĩ nhiều. Sống trong môi trường này thì phải chịu và bỏ ngoài tai để sống cho thoải mái. Nên thôi ai đồn thì đồn, mình cũng đừng quá quan trọng.
* Là người quen, Nguyễn Quang Dũng mời Thanh Hằng đóng phim thì có "cân đo đong đếm" chuyện cát-sê không?
- Khâu đó bên nhà sản xuất họ làm việc. Cái gì cũng thuận ý thì hợp tác mới vui vẻ. Mà đâu phải cứ thân là lợi dụng người ta.
* Người ta nói rằng Nguyễn Quang Dũng là cái tên mà diễn viên nào dù giải nghệ hay khác lĩnh vực cũng vì anh mà trở lại. Anh có làm điều đó với các "ca khó" như Tăng Thanh Hà hay Mỹ Tâm không?
- Không phải sự hợp tác nào sau đó cũng mang lại sự gắn kết hơn. Cũng có nhiều người nói sao tôi không đảm nhận vai trò đạo diễn MV cho các sản phẩm của Mỹ Tâm, lúc trước tôi làm nhiều MV ca nhạc lắm mà. Cái thời đó qua rồi, giờ tôi làm điện ảnh thôi. Với đâu phải thân là cùng gu thẩm mỹ với nhau. Nhiều khi hợp tác xong lại mất cả bạn (cười). 
Về Tăng Thanh Hà, tôi cũng tiếc cho tài năng của cô ấy. Tuy nhiên từ khi cộng tác trong Mỹ nhân kế, tôi đã nhận thấy Hà Tăng thiên về gia đình. Cô ấy đam mê kinh doanh và tập trung cho tổ ấm thì mình tôn trọng. Không phải cứ quen thì gọi ai họ cũng trở lại. Họ chỉ quay về khi cảm thấy sự quay lại đó có cái lợi gì. Không phải là tiền bạc, khi ở thời điểm thích hợp họ nhớ nghề, khi họ cần tên tuổi hay dự án hay muốn trở lại với khán giả. Nếu có kịch bản thích hợp tôi sẽ mời Hà Tăng. 
Hai người đẹp Thanh Hằng (áo đỏ), Tăng Thanh Hà và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng Ảnh: FBNV
Điện ảnh Việt Nam cũng có scandal tình ái
* Gần đây Hollywood rộ lên các vụ lạm dụng, quấy rối tình dục các nữ diễn viên. Theo anh, ở Việt Nam có thực trạng này không?
- Tôi nghĩ rằng ở Hollywood có vì có quá nhiều diễn viên, quá nhiều tài năng phải cạnh tranh với nhau. Tôi nghĩ ở Việt Nam xác suất này nó không nhiều đâu.
Ở Việt Nam làm một bộ phim thì mục tiêu thành công nó quan trọng hơn. Làm một bộ phim tốn nhiều tiền lắm nên không thể vì một, hai lợi ích nhỏ mà liều vậy đâu. Mình nghĩ một xác suất nhỏ như tình ái đi, thì vì "một đêm" mà nguy hại cho bộ phim với người có suy nghĩ họ không làm vậy đâu. Nó không đáng để làm như vậy. Nhưng ở xã hội thì cũng như ở văn phòng thôi, ở một môi trường mà có quá nhiều người tài năng và sự cạnh tranh khốc liệt thì việc đó diễn ra nhiều hơn. Thí dụ như ra đường xe mà đông quá thì khả năng đụng xe và chạy ẩu nhiều hơn.
* Trong phim anh thì việc đó có không?
- Tôi nghĩ là một cái trao đổi hay buôn bán với tôi thì tôi không cần. Vì những cái quan hệ khác mình làm ở ngoài phim thì vẫn được. Nó cũng chả đáng. Phim của mình quan trọng hơn nên vì một đêm hay gì đó là không đáng. Nhưng chỉ có cái này thì người ta hay đồn là trong lúc làm việc, đóng phim người ta hay nảy sinh tình cảm với nhau. Giữa mối quan hệ các diễn viên với nhau khi họ làm việc một thời gian dài với nhau nó rất dễ ''bén lửa''. Bản thân mình cũng vậy, nhiều khi mình quá yêu một nhân vật thì ở trong một môi trường sinh hoạt, vượt qua khó khăn này nọ với nhau thì nảy sinh tình cảm là có. Nên tôi nghĩ việc trao đổi tình cảm lấy lợi ích là có nhưng không quá phổ biến. Hoặc nếu có thì nó rơi vào những người mà họ không còn coi trọng nghề hơn.
* Nói như anh thì nghề diễn viên dễ khiến hạnh phúc gia đình lung lay thì phải?
- Diễn viên là những người nhạy cảm. Vì nhạy cảm, mơ mộng nên họ mới có thể nhập vai, làm nghề nên họ dễ phát sinh tình cảm nhưng cũng đến một lúc nào đó thì họ sẽ tỉnh lại thôi. Với người nghệ sĩ biểu diễn thì họ luôn có tình cảm dạt dào thì mới làm nghề được.
* Có bao giờ làm phim điện ảnh nào mà thua lỗ quá khiến anh chán nản chưa?
- Cảm giác đó chỉ diễn ra tức thời thôi, chỉ tồn tài vài ngày, một tuần hay một tháng. Làm nghề này thú vị là mình nghĩ ra cái gì mình thấy hay, mình nghĩ khán giả thích rồi mình làm coi kết quả có như mình nghĩ không. Như đề tài phim teen đó mình thấy hay, nghĩ là làm ra có lời mà thật ra khi ra rạp thì không được như vậy. Làm phim thì thành công hay thất bại lúc chỉ là thời điểm, trong cuộc sống cũng vậy. Quan trọng là thái độ và cách mình đối diện với nó. Nhiều ông đạo diễn nổi tiếng thế giới cũng có lúc thất bại, gặp trục trặc. Hên xui là cái thú vui trong cuộc sống. 
Quan trọng là mình thấy vui vì mình thực hiện được điều mình nghĩ. Phải lạc quan, tận hưởng vậy thì mới làm nghề lâu dài được. Chứ đạo diễn phim mà chỉ trông chờ thành công thì không thể đi được lâu, vì thất bại, thua lỗ cái gì nghỉ rồi.
* Hiện giờ làm phim thì doanh thu ngoài rạp bao nhiêu là lời?
- Thí dụ vốn 10 tỉ đồng thì thì doanh thu phải trên 20 tỉ đồng thì mới có lời. Phải cưa đôi lợi nhuận với nhà phát hành. Ở nước ngoài người ta còn bán lại cho đài HBO hay các App phim trực tuyến nữa. Còn ở Việt nam mình đâu bán được vậy, tại phim ra vài bữa là có bản quay “lậu” rồi. Nên doanh thu ăn thua là giai đoạn chiếu rạp.
* Tính đến hiện tại thì anh là đạo diễn lỗ nhiều hay lời nhiều?
- Tính chung thì là đạo diễn có lời (cười). Phim Dạ cổ hoài lang thì không có lãi nhưng Mỹ nhân kế thì lời tốt. 
* Xin cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.