Nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN cần được bổ sung

31/08/2016 06:42 GMT+7

Phát biểu tại Singapore ngày 30.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN cần được bổ sung để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động của khối.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Singapore 3 ngày. Hôm qua 30.8, ngày cuối chuyến thăm, Chủ tịch nước có bài phát biểu quan trọng theo chương trình Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của chính phủ nước chủ nhà, tổ chức.
Singapore Lecture nhằm cung cấp diễn đàn cho các nhà lãnh đạo cấp cao chia sẻ chủ trương, đường lối và tầm nhìn của quốc gia mình trước các vấn đề khu vực và quốc tế với đông đảo cử tọa ở Singapore. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chính khách thứ 38 và là lãnh đạo đầu tiên của VN tham gia chương trình.
Phát biểu trước khoảng 600 cử tọa gồm cán bộ nhà nước, giới ngoại giao, kinh doanh, học giả và báo chí, Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh vai trò của Đông Nam Á trong cục diện địa chính trị và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Nằm giữa lòng Đông Nam Á, Biển Đông đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. “Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực”, Chủ tịch nhìn nhận. Ông cảnh báo: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”.
Chủ tịch Trần Đại Quang cũng khẳng định chủ trương nhất quán của VN trong vấn đề Biển Đông là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển; yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố các bên về ứng xử Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất để đi đến Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)”.

ASEAN và nguyên tắc đồng thuận

Theo Chủ tịch nước, “ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực... ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới”. Ông nhìn nhận thêm: “Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề xuất đẩy mạnh thực hiện 4 nội dung, gọi tắt là CIROP để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, vững vàng trước những khó khăn, thách thức. Đó là: tăng cường gắn kết về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung; đẩy mạnh liên kết về kinh tế, văn hóa - xã hội, khai thác thế mạnh kinh tế, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh của cộng đồng; đề cao trách nhiệm, ý thức cùng chung vận mệnh, trong đó coi trọng thực hiện các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, giữ gìn; và cùng hướng tới người dân, hình thành các cơ chế để người dân các nước ASEAN tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát và thực thi chính sách, lấy phục vụ người dân là mục tiêu tối thượng trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng.
Trong phần hỏi đáp, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ ISEAS - Yusof Ishak đặt vấn đề về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. “VN đã cùng ASEAN kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng những diễn biến tiêu cực gần đây dường như đang làm xói mòn vai trò trung tâm của khối”, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói và đề nghị Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết quan điểm của VN về vấn đề này. Mặc dù không nêu cụ thể những “diễn biến tiêu cực”, cử tọa quan tâm đến tình hình khu vực đều hiểu đó là việc ASEAN không ra được thông cáo chung sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông hay Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Vientiane hồi cuối tháng 7 suýt không ra được tuyên bố chung, do thiếu vắng sự đồng thuận của cả 10 thành viên.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “ASEAN là một cấu trúc có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến khu vực” và “nguyên tắc đồng thuận đã được quy định rất rõ trong Hiến chương ASEAN”. Dù nhìn nhận nguyên tắc này đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, Chủ tịch Trần Đại Quang khẳng định: “Đối với những vấn đề mới nảy sinh, để đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả trong các hoạt động của ASEAN, chúng tôi cho rằng có thể xem xét bổ sung một số quy định trên những cơ sở nguyên tắc đồng thuận”.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trần Đại Quang ý nhị nhắc rằng Singapore là quốc gia khởi nguồn của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, VN và Singapore cùng có lợi ích rất căn bản trong việc xây dựng ASEAN vững mạnh và hệ thống đối tác tin cậy, duy trì trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc xem xét bổ sung nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN cũng được nhiều lãnh đạo và các nhà ngoại giao Singapore đề cập trong thời gian gần đây.
Sáng qua 30.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi ăn sáng, làm việc với Phó thủ tướng điều phối các vấn đề an ninh Singapore Teo Chee Hean. Dự kiến, ông Teo sẽ thăm chính thức VN và tham dự kỷ niệm 20 năm thành lập khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) tại tỉnh Bình Dương trong tháng 9.
Sau Singapore Lecture, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp cựu Thủ tướng và hiện là Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore Goh Chok Tong. Tại cuộc hội đàm, ông Goh thông báo Thủ tướng Lý Hiển Long đang xây dựng cơ chế hợp tác nhằm phát triển hơn nữa nền tảng quan hệ 2 nước, qua đó góp phần tăng cường liên kết trong Cộng đồng ASEAN. Singapore cũng đã lập quỹ hỗ trợ VN phát triển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Singapore đang nỗ lực trở thành trung tâm ở phía nam của ASEAN và tin tưởng VN hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò trung tâm của khu vực phía bắc ASEAN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.