3 năm để học về sản phẩm, thêm 3 năm kể từ khi chiếc túi sơ cứu đầu tiên ra đời, Nguyễn Thanh Thùy dành gần như toàn bộ lợi nhuận cho các hoạt động phối hợp tổ chức nhiều buổi đào tạo kỹ năng sơ cứu, tặng túi sơ cứu cho giáo viên, học sinh vùng xa, các hội Chữ thập đỏ, đội hỗ trợ sơ cứu…
Đầu tháng 4 vừa qua, Nguyễn Thanh Thùy phối hợp 6 trung tâm đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu uy tín tổ chức buổi huấn luyện miễn phí kỹ năng sơ cứu tại Đường sách TP.HCM, thu hút hàng trăm người tham gia.
Tại sao chị chọn túi sơ cứu để khởi nghiệp?
Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn bị thu hút bởi những hoạt động cộng đồng và thiện nguyện đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Hồi tiểu học, trong cả trăm học sinh, tôi may mắn được trường chọn vào đội kỹ năng sơ cứu nên tôi được tiếp xúc với môn này từ cấp 1.
Khi học tập ở Hà Lan và du lịch qua 45 nước, tôi ý thức rõ về tầm quan trọng của kỹ năng sống, kỹ năng sơ cứu và túi sơ cứu.
Năm 2018, tôi có đi học kỹ năng sơ cứu tại phòng khám Happy Baby của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (tác giả bộ sách Bác sĩ riêng của bé yêu) và thấy rất hữu ích; nhưng học xong thì không có dụng cụ để dùng trong gia đình, khi đi du lịch.
Bác sĩ Huyên Thảo chia sẻ, trong hơn 20 năm làm nghề, chị gặp rất nhiều trường hợp vì xử lý sơ cứu sai mà dẫn đến ảnh hưởng xấu sức khỏe trẻ em. Vì thế, chị rất muốn lan tỏa kỹ năng sơ cứu đến cộng đồng, trước tiên là phụ huynh có con nhỏ. Tôi nói đùa: "Nếu chị dạy sơ cứu thì em sẽ làm túi sơ cứu để cùng chị làm một điều gì đó có ích". Và thế là túi sơ cứu 1Life ra đời.
Túi sơ cứu có thật sự cần thiết không, khi nhà nào cũng có tủ thuốc gia đình, góc phố nào cũng có hiệu thuốc tây, cần thì chạy ra mua cũng nhanh?
Phần lớn nhà nào cũng có tủ thuốc gia đình nhưng lại không có đồ sơ cứu (ngoài bông băng, thuốc đỏ). Nhà thuốc lại không bán nhiều loại dụng cụ sơ cứu, người mua thì không biết dụng cụ sơ cứu có những món gì. Và điều quan trọng hơn, không ai biết rằng 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu cho các trường hợp từ nhẹ đến khẩn cấp. Đến khi chạy ra nhà thuốc mua thì… thường bối rối không biết mua gì, trong khi nạn nhân chịu đau đớn.
Gần đây, một trường mầm non ở Q.Tân Bình (TP.HCM) đã xảy ra tai nạn, cả trường hốt hoảng chạy vào phòng y tế thì túi sơ cứu của trường không có gì sử dụng được, các cô giáo lại không biết nên làm gì để sơ cứu, cuối cùng là cô giáo bị nạn không qua khỏi.
Chưa kể, rất nhiều video sơ cứu sai được chia sẻ rầm rộ trên mạng mà không có một trang chính thức đầy đủ kiến thức và video về sơ cứu chuẩn để tham khảo. Nhiều nơi túi sơ cứu không đủ dụng cụ, đến khi có chuyện xảy ra thì mới mở ra và không có gì dùng được. Bản thân đi du lịch nhưng đi mua túi sơ cứu thì không có nơi bán. Mua túi không nguồn gốc trên mạng thì thừa rất nhiều thứ mà những thứ cần thiết lại không có.
Theo tôi biết trên thị trường cũng đã có sản phẩm sơ cứu rồi, túi sơ cứu của chị có gì đặc biệt hơn?
Một số cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động có bán túi sơ cứu loại to cho nhà xưởng nên không phù hợp với cá nhân và gia đình. Một số trung tâm dạy sơ cứu cũng tự phát triển túi sơ cứu bán cho học viên, nhưng học viên học xong cũng ít mua, nên các trung tâm không đủ kinh phí phát triển tiếp túi sơ cứu. Bên cạnh đó, đa số túi sơ cứu trên thị trường đều thiết kế đơn giản, chưa tạo được trải nghiệm thuận lợi khi sử dụng.
Sau khi khảo sát, tham khảo túi sơ cứu từ Mỹ, Úc, châu Âu, túi sơ cứu 1Life được thiết kế và "kiểm duyệt" bởi các bác sĩ chuyên môn và đạt tiêu chuẩn trang thiết bị y tế loại A của Bộ Y tế. Túi có đầy đủ dụng cụ sơ cứu để xử lý các tình huống từ cơ bản đến khẩn cấp theo tiêu chuẩn sơ cứu quốc tế, sắp xếp từng nhóm dụng cụ nên dễ tìm kiếm khi cần, có kèm cẩm nang hướng dẫn sơ cứu nhanh, có nhiều bộ phù hợp với nhu cầu sử dụng khác nhau (cho cá nhân, xe máy, du lịch, cho ô tô, văn phòng, cắm trại, cho người chạy bộ)… Đặc biệt có một bộ kit cho trẻ em với sách như một công cụ học tập kỹ năng sơ cứu.
Chị nghĩ sao nếu người khác nhìn vào danh sách đồ trong túi sơ cứu của chị để tự sắm cho rẻ hơn?
Điều đó tốt thôi. Đa phần người Việt không hiểu như thế nào là một túi sơ cứu chuẩn. Tôi công bố danh sách trên website để mọi người có thể tự mua theo. Tuy nhiên, nếu đi mua từng món thì có thể gặp các trở ngại sau: tốn khá nhiều thời gian vì các nhà thuốc không bán đủ các món; một số món rất cần thiết nhưng không phổ biến, khó tìm mua ở VN như nẹp SAM splint để sơ cứu gãy xương, kéo đầu tròn để cắt quần áo khi chấn thương, mặt nạ hồi sức tim phổi; thiếu hướng dẫn sử dụng đúng chuẩn về sơ cấp cứu của thế giới; túi đựng không chia ngăn rõ ràng nên khi cần dùng thì khó tìm đúng món đồ hoặc không biết khi nó hết…
Túi sơ cứu rất cần thiết, nhưng kỹ năng sơ cứu quan trọng hơn chứ?
Trên thế giới, khi tìm hiểu về kỹ năng sinh tồn thì sơ cứu luôn nằm trong top 3. Biết sơ cứu và có túi sơ cứu sẽ có thể cứu mình và cứu người trong nhiều tình huống khẩn cấp. Từ đó, bản thân và cộng đồng ý thức tốt hơn về an toàn và sẵn lòng giúp nhau khi cần.
Ở nhiều nước trên thế giới, trong quy trình đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe, ngoài những yêu cầu lý thuyết, thực hành thì kỹ năng sơ cứu là một phần bắt buộc. Thí dụ, ở Đức, tất cả tài xế phải thực hiện bài kiểm tra sơ cứu và hô hấp nhân tạo trong 45 phút. Ở Thụy Sĩ thì yêu cầu khóa học sơ cứu kéo dài 10 giờ. Ở Nhật, tất cả tài xế đều phải trải qua 3 giờ học sơ cấp cứu. Ở Đan Mạch, hô hấp nhân tạo và sơ cứu là một phần của bài kiểm tra lái xe từ năm 2005, kết quả là tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến bệnh viện sau khi ngừng tim đột ngột tăng từ 8% lên 22%.
Trong khi đó, ở TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 1 triệu lượt người ra đường, ở Hà Nội có gần 8 triệu phương tiện các loại nhưng khi có chuyện gì thì gần như không xe nào có túi sơ cứu để giúp người. Đợi cấp cứu thì mất hơn 30 phút. Nhiều tai nạn giao thông trên đường, mọi người tụ tập rất đông, nhưng không ai biết làm gì để giúp nạn nhân. Nhiều nạn nhân bị khiêng vào lề đường, vô tình gây thêm chấn thương, làm nạn nhân bị nặng hơn dẫn đến liệt.
Từ năm 2020, kỹ năng sơ cứu được dạy bắt buộc trong trường công lập ở Anh mỗi năm từ lớp 1 - 12 tùy theo độ khó và kỹ năng tương ứng của trẻ em. Song song với việc làm túi sơ cứu, chúng tôi cũng phát triển kênh video sơ cứu tiếng Việt và Anh. 1Life hợp tác với St.John Ambulance, tổ chức sơ cấp cứu của Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth, gồm các nước như Canada, Anh, Úc, Singapore…), để dùng video tiếng Anh và chia sẻ bộ giáo trình dạy sơ cứu trong trường ở Anh từ lớp 1 - 12. Chúng tôi đang có bộ giáo trình này từ bài giảng, trò chơi, video tại website kynangsocuu.com và sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho tất cả những ai quan tâm. Sắp tới, chúng tôi sẽ Việt hóa toàn bộ giáo trình này để người VN dễ tiếp cận hơn.
Quan điểm của chị về việc đóng góp, chia sẻ với cộng đồng?
Đó là điều đáng khuyến khích, mỗi người có cách chia sẻ với cộng đồng khác nhau tùy theo thời gian và tài chính của bản thân. Việc này không những đem lại lợi ích cho người nhận trợ giúp, mà còn làm cho người đóng góp cảm thấy hạnh phúc hơn, trau dồi kỹ năng mềm và mở rộng các mối quan hệ.
"Doanh nghiệp làm từ thiện, đóng góp cộng đồng chẳng qua là để PR, quảng cáo cho chính họ thôi chứ tốt lành gì", chị nghĩ sao về ý kiến này?
Có rất nhiều cách để PR và quảng cáo, nếu doanh nghiệp chọn hoạt động thiện nguyện để làm thì điều quan trọng đầu tiên là cộng đồng được hưởng lợi từ việc đó.
Bên cạnh đó, hoạt động từ thiện của doanh nghiệp chỉ giúp thương hiệu của họ thân thiện hơn, chứ không trực tiếp thúc đẩy kinh doanh, nên nhìn nhận làm từ thiện để quảng cáo cũng chưa chính xác.
Trên thế giới đã định nghĩa rõ hơn các tiêu chí trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo một từ mới là ESG (Environmental, Social & Governance, tạm dịch là Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Tặng quà, tiền là hình thức từ thiện đơn giản nhất. Hình thức tạo ra các hoạt động thay đổi nhận thức, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội thì khó làm hơn, cần nhiều tài chính, công sức và thời gian hơn. Và tôi đi theo hướng này.
Mong muốn của chị cho cộng đồng là gì? Và chị hiện thực hóa điều đó bằng cách nào?
Tôi muốn xây dựng một cộng đồng an toàn và nhân văn hơn.
Từ nhỏ đến lớn tôi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Khi làm chương trình chụp ảnh cho mọi người Help-Portrait, tầm nhìn cho chương trình là làm sao để mỗi người chủ động tiếp tục chụp ảnh, chia sẻ niềm vui với người có hoàn cảnh khó khăn, truyền cảm hứng cho cộng đồng tiếp tục lan tỏa. Phong trào này vẫn hoạt động hằng năm cho đến bây giờ.
Còn hiện nay, tôi tập trung cho túi sơ cứu và các chương trình huấn luyện kỹ năng sơ cứu.
Ngoài việc tự giới thiệu trên trang web (1life.vn), bạn bè truyền miệng, thay vì bỏ tiền quảng cáo sản phẩm, tôi dùng số tiền đó tổ chức các hoạt động cộng đồng. Cụ thể, tổ chức dạy sơ cứu cho trẻ em vùng xa (ở H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), dạy sơ cứu cho giáo viên, tặng túi sơ cứu cho trường học, giáo viên, xây dựng nhiều video về sơ cứu đúng trên các nền tảng để giúp mọi người nhận thức đúng về sơ cứu (tránh xem những video sơ cứu sai đang tràn lan trên mạng), trang bị đầy đủ túi sơ cứu và kỹ năng sơ cứu cho giáo viên, bảo vệ, xe đưa đón học sinh…
Vừa qua, sự kiện "Chủ động, không chủ quan" học sơ cứu và tìm hiểu túi sơ cứu cho sinh viên TP.HCM rất được mọi người quan tâm. Hy vọng chúng tôi có thể tổ chức nhiều hơn những hoạt động cộng đồng như vậy. Hiện tại chưa có mức cam kết cụ thể nhưng trong 3 năm qua, gần như 100% lợi nhuận chúng tôi đã dành cho các hoạt động cộng đồng đó.
Xin cảm ơn và chúc những điều tử tế chị đang làm sẽ lan tỏa thật xa.
Bình luận (0)