Những nữ chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân 8.1945:

Nguyễn Thị Bích Liên - người đội viên vào vùng kinh tế mới

20/10/2023 07:24 GMT+7

Cứ tưởng xa quê hương sẽ không còn ai biết đến mình nữa, ngờ đâu năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đầu tiên ghé thăm và động viên mẹ con bà. Bất ngờ nữa là vợ chồng Thượng tướng Đàm Quang Trung tìm đến thăm. "Niềm sung sướng không sao kể xiết. Tôi và Hồng Nhung ôm nhau nức nở cười ra nước mắt, ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp", bà Nguyễn Thị Bích Liên xúc động kể.

Chỉ dẫn cho tôi về danh tính từng người trong tấm ảnh lịch sử, ông Vũ Minh Trực nói: "Người không rõ mặt, bị lấp phía sau mẹ tôi, theo chú Doanh Hằng cho biết đấy là bà Ngọc Bích. Sau này bà đi vào vùng kinh tế mới trong Tây nguyên nên mất liên lạc".

Bất chợt trong trí nhớ của tôi thoáng hiện về một nữ chiến sĩ Đội Việt Nam giải phóng quân được đọc trong một ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Tôi trao đổi với nhà báo Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Ông Trác xác nhận ngay đó là bà Nguyễn Thị Bích Liên, ở thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Nguyễn Thị Bích Liên - người đội viên vào vùng kinh tế mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bích Liên tại Lâm Đồng

Tư liệu nhà báo Trần Ngọc Trác

Năm 1992, thấy bà Liên chưa được hưởng chính sách người có công, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc VN Hoàng Quốc Việt yêu cầu bà kê khai lý lịch, Thượng tướng Đàm Quang Trung chứng thực, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác nhận, bà được Nhà nước tặng thưởng huân chương, nhận trợ cấp hằng tháng. Tỉnh Lâm Đồng xây tặng bà ngôi nhà tình nghĩa để an dưỡng tuổi già.

Tôi hỏi thêm, muốn liên hệ với thân nhân của bà Bích Liên. Nhà báo Trần Ngọc Trác cư trú tại TP.Đà Lạt nên ông hẹn có dịp xuống Nam Ban sẽ tìm lại gia đình bà. Ông Trác gửi vào email cho tôi bài viết của ông về bà Nguyễn Thị Bích Liên có nhan đề: Gặp người nữ chiến sĩ năm xưa. Bài viết cung cấp thông tin: "Một ngày tháng 10.1983, tôi gặp bà và bắt đầu từ lá thư của ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) gửi cho một người phụ nữ - từng là nữ đồng chí hoạt động trong những ngày cuối năm 1944 tại Chợ Chu, H.Định Hóa vào lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. (…) Bà Nguyễn Thị Bích Liên đã chuyển cho tôi bức thư và một tấm ảnh chụp chung với ông Phạm Văn Đồng khi ông đến thăm gia đình bà ở thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà sau này".

Không chờ nhà báo Trần Ngọc Trác phản hồi, tôi liên hệ ông Trần Phú Trường - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban - kết nối giúp với gia đình bà Nguyễn Thị Bích Liên. Từ những thông tin thu thập được, gương mặt bà Bích Liên dần sáng rõ: Gia đình bà là cơ sở cách mạng. Anh trai của bà (bí danh Hồng Quân) thoát ly gia nhập bộ đội. Được tin quân giải phóng về H.Định Hóa, trong đó có cả 2 đội viên nữ là Nguyễn Thị Thanh và Lê Minh Cầm khiến cả thị trấn Chợ Chu xôn xao bàn tán. Năm 1996, bà Bích Liên kể lại với một phóng viên quân đội: "Từ đó tôi ngồi đâu, làm gì cũng bàn chuyện trốn nhà đi bộ đội giải phóng".

Nhưng phải đến lần thứ hai đi tìm, bà mới được gặp quân giải phóng. Hai ông Lê Giản và Võ Nguyên Giáp nghe tin có một số chị em đi tìm để gia nhập quân giải phóng nên đồng ý thu nạp vào đội. Một thời gian sau, họ được cử đi học lớp Quân chính kháng Nhật đầu tiên tại châu Tự Do (Sơn Dương, Tuyên Quang). Tại đây, bà Bích Liên được tập quân sự, học cương lĩnh mặt trận Việt Minh...

Tên ban đầu của bà là Bạch Thái được đổi thành Ngọc Bích để dễ hoạt động. Do kẻ địch truy tìm cán bộ Ngọc Bích, các đồng chí lãnh đạo đã đặt tên mới cho bà là Bích Liên. Tên gọi Bích Liên đã theo suốt cuộc đời bà.

Bà Bích Liên nhớ về những ngày đầu tiên vào Hà Nội (8.1945): "Kỷ niệm mà chúng tôi nhớ mãi đó là một rừng người ào ào tràn xuống lòng đường, ven đường, đứng chật trên ban công nhà mình để được xem cho rõ quân giải phóng. Suốt các nẻo đường, nhân dân hô vang khẩu hiệu do tự đáy lòng mình bộc bạch ra: Quân giải phóng muôn năm! Nữ giải phóng quân muôn năm...".

Bà theo Chi đội trưởng Lâm Kính về đóng ở trại Bảo An Binh (40 Hàng Bài, Hà Nội). "Bà con Hà Nội vây quanh nơi chúng tôi ở để xem chị em chúng tôi hình dạng ra sao, người hay tiên thánh mà giỏi thế. Thật ra chúng tôi cũng giống như các chị em thôi", bà Bích Liên tâm tình.

Hà Nội những ngày sau lễ độc lập, các đảng phái đối lập quấy phá chính quyền cách mạng rất dữ dội. Bà Bích Liên được cử sang làm đội viên đội trinh sát thành Hoàng Diệu dưới sự chỉ huy của ông Lê Giản. Sau "Tuần lễ vàng" ở Hà Nội thành công, ông Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính - phân công bà Liên cùng bà Đường Thị Ân (vợ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chu Văn Tấn) về Thái Nguyên công tác.

Tháng 12.1966, chồng bà Bích Liên (chính trị viên đại đội chủ lực của tỉnh Thái Nguyên) qua đời. Mới sinh con út chưa tròn 10 tháng tuổi, một mình bà gánh vác gia đình 8 miệng ăn vô cùng vất vả. Năm 1977, bà Bích Liên tình nguyện đưa cả gia đình vào thị trấn nông trường Nam Ban, H.Đức Trọng (nay là H.Lâm Hà) xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.