Nguyên thủ quỹ chi nhánh ngân hàng ACB thụt két tiền tỉ lãnh 20 năm tù

25/08/2017 15:54 GMT+7

Ngày 25.8, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm (lần 2) tuyên Nguyễn Công Thanh (41 tuổi), nguyên Thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Tây Ninh, 20 năm tù về tội 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'.

Cùng tội danh trên, bị cáo Võ Sỹ Lân (49 tuổi, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) Long Hoa) lãnh mức án 9 năm tù và thêm 2 năm tù về tội "che giấu tội phạm", tổng hợp hình phạt 11 năm tù; Trần Kim Thành (45 tuổi, nguyên Trưởng bộ phận ngân quỹ, Kiểm soát viên giao dịch PGD) 6 năm tù và 1 năm tù về tội "che giấu tội phạm", tổng hợp hình phạt 7 năm tù.
Võ Sỹ Lân, nguyên Giám đốc PGD Long Hoa, ngân hàng ACB chi nhánh Tây Ninh ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Trần Kim Thành, nguyên Trưởng bộ phận ngân quỹ, Kiểm soát viên giao dịch PGD Long Hoa, ngân hàng ACB chi nhánh Tây Ninh ẢNH: GIANG PHƯƠNG
HĐXX cũng tuyên 11 hợp đồng trong vụ án đều là hợp đồng khống, tuyên buộc Thanh bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt gồm 13,66 tỉ đồng và 133 lượng vàng SJC (tổng giá trị 18,6 tỉ đồng).
Áp dụng Bộ luật hình sự mới theo hướng có lợi cho bị cáo
Về mức án 20 năm tù đối với Nguyễn Công Thanh tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", trước đó, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đề nghị mức án tù chung thân.
Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cũng đã đề nghị HĐXX xem xét áp dụng theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 (mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù) thay cho Điều 140 BLHS năm 1999 (mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân).
Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận.
Tại phiên tòa, Thanh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Còn hai bị cáo Lân và Thành chỉ nhận tội "che giấu tội phạm", không nhận tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Lân lý giải, ban đầu Viện KSND khởi tố bị cáo tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (Điều 179 Bộ luật hình sự) rồi chuyển sang "che giấu tội phạm" (Điều 140 Bộ luật hình sự) là sai.
Theo bị cáo Lân, ngân hàng phân công cho bị cáo chịu trách nhiệm quản lý chỉ đạo PGD Long Hoa, chỉ là người bán hàng cao cấp, giao dịch khống là được phép thực hiện, khi lập hồ sơ đủ quỹ để phục vụ kiểm tra là có tuy nhiên không có hậu quả xảy ra.
"Còn về số tiền gần 4,5 tỉ đồng (số tiền Thanh chiếm đoạt ở giai đoạn sau, khi Thành và Lân phát hiện nhưng buông lỏng, giúp sức cho Thanh - PV), Viện KSND cáo buộc bị cáo đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt là chưa có cơ sở, do đó việc luận hình bị cáo là sai. Bị cáo không làm sai quy định của ngân hàng", bị cáo Lân nói.
HĐXX nhận định trong quá trình điều tra, việc cơ quan CSĐT phát hiện có dấu hiệu tội phạm khác nên đã thay đổi quyết định khởi tố là hoàn toàn đúng pháp luật.
Đồng thời, văn bản ngân hàng ACB chi nhánh Tây Ninh cũng xác định hành vi lập hợp đồng khống để đối phó của các bị cáo không đúng quy định của ngân hàng và quy định của pháp luật nên đề nghị các bị cáo liên đới bồi thường là có cơ sở.
Do đó, HĐXX nhận định không có cơ sở chấp nhận khiếu nại của Lân.
HĐXX cũng nhận định việc Lân, Thành dùng sổ tiết kiệm của người nhà lập 3 hợp đồng vay thế chấp tài sản nhằm hạ số tiền hụt quỹ, đối phó việc kiểm quỹ tránh bị phát hiện và giúp Thanh chiếm đoạt thêm gần 4,5 tỉ đồng đủ cơ sở kết luận hành vi đồng phạm tội "lạm dụng chiếm đoạt tài sản".
Ngày 14.8.2015, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm (lần 1), tuyên phạt Nguyễn Công Thanh mức án chung thân về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, tuyên phạt Võ Sỹ Lân 12 năm tù và Trần Kim Thành 9 năm tù về 2 tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “che giấu tội phạm”.
Không đồng ý với mức án trên, các bị cáo kháng cáo.
Ngày 8.8.2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm và quyết định hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra xét xử lại với nhận định cấp sơ thẩm xác định hai bị cáo Trần Kim Thành và Võ Sỹ Lân tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.