Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Tiếp sức mùa thi góp phần thay đổi giáo dục

04/06/2021 07:36 GMT+7

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, là người có nhiều gắn bó trong hành trình 20 năm phát triển của chương trình Tiếp sức mùa thi. Cho đến bây giờ, ấn tượng của ông về chương trình vẫn in đậm trong ký ức.

Ông đã chia sẻ với PV Thanh Niên về đóng góp của chương trình cho những đổi mới trong giáo dục đồng thời nêu lên kỳ vọng đổi mới cho giai đoạn tiếp theo.

Giúp thay đổi về chính sách

Thưa ông, năm nay là năm thứ 20 của chương trình Tiếp sức mùa thi. Ấn tượng của ông từ khi là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho đến khi là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về chương trình này như thế nào?
Với tôi, đây là một chương trình hiệu quả, thiết thực và đầy tính nhân văn. Hoạt động của chương trình đa dạng, phong phú, được cải tiến thường xuyên, phù hợp các giai đoạn đổi mới phương thức thi, tuyển sinh. Trong suốt những tháng năm công tác trong ngành, qua nhiều vị trí, tôi cho rằng đây là chương trình xã hội bền vững và hiệu quả, thiết thực nhất.
Đặc biệt nhất, chương trình đã có tác động sâu rộng, huy động được toàn xã hội tham gia. Xuất phát từ TP.HCM, chương trình đã được mở rộng trên phạm vi cả nước, từ thành phố đến tận vùng sâu vùng xa. Các nghĩa cử cao đẹp, tinh thần vì cộng đồng, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo qua mỗi mùa thi được kịp thời phản ảnh, mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng, góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương đổi mới giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước.
Đồng hành cùng chương trình Tiếp sức mùa thi ở các vị trí khác nhau, tôi cảm nhận được rằng hiệu quả của chương trình không phải chỉ dừng lại đối với thí sinh mà còn tác động tích cực đến hoạch định chính sách thi cử, tuyển sinh của các nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo. Nhờ vào chương trình, những người hoạch định chính sách giáo dục như tôi cũng đã có những quyết sách kịp thời, đúng đắn và hợp lý. Đổi mới thi, tuyển sinh là công việc rất được xã hội quan tâm. Vì vậy nếu quyết sách thiếu thông tin dễ dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ của dư luận, làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo.
Ông có thể minh chứng một số nét nổi bật mà nhờ có Tiếp sức mùa thi, Bộ GD-ĐT lúc ấy đã thay đổi việc tổ chức thi cử?
Những năm đổi mới thi, tuyển sinh, chương trình Tiếp sức mùa thi cần được hiểu theo đúng nghĩa rộng của nó. Đó là không phải chỉ “tiếp sức” cho thí sinh qua các hoạt động hỗ trợ thông tin, cơ sở vật chất mà còn “tiếp sức” cả cho đội ngũ làm công tác thiết kế chính sách, quy chế tuyển sinh ở Bộ GD-ĐT.

Tiếp sức mùa thi không phải chỉ “tiếp sức” cho thí sinh qua các hoạt động hỗ trợ thông tin, cơ sở vật chất mà còn “tiếp sức” cả cho đội ngũ làm công tác thiết kế chính sách, quy chế tuyển sinh ở Bộ GD-ĐT

Lê Thanh

Thực tế kỳ thi 3 chung từ lâu đã quen thuộc với thí sinh và xã hội. Tìm được sự đồng thuận cho những thay đổi kỳ thi này quả là điều không hề dễ. Trong bối cảnh đó, chương trình Tiếp sức mùa thi quả thật là người bạn đồng hành cùng Bộ GD-ĐT, là cầu nối giữa thí sinh và xã hội với cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ thông tin và định hướng dư luận xã hội.
Chủ trương đổi mới tuyển sinh đã có trong Nghị quyết 29, luật hóa bởi luật Giáo dục ĐH 2013 nhưng việc triển khai cụ thể thì ý kiến phản ảnh từ xã hội, từ chương trình Tiếp sức mùa thi rất hữu hiệu.
Ở giai đoạn đỉnh điểm đổi mới thi tuyển sinh từ năm 2015 - 2017, nhiều ý kiến phản ảnh từ chương trình Tiếp sức mùa thi rất có giá trị trong thiết kế quy định tuyển sinh. Nhờ phản hồi từ chương trình trên thực tế về nỗi vất vả của phụ huynh, thí sinh mỗi năm phải thi nhiều đợt, nhiều nơi, Bộ GD-ĐT đã rút xuống còn một đợt thi ở 36 cụm thi đại học, sau đó mở rộng số lượng cụm thi đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước; từ số lượng nguyện vọng hạn chế đến không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký; từ xét tuyển từng trường đến xét tuyển chung với hệ thống lọc ảo…
Việc chuyển từ 36 cụm thi đại học sang tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước trong giai đoạn 2015 - 2017 là một ví dụ rõ nhất. Năm 2015, khi tổ chức 36 cụm thi trong cả nước thì công tác thi, tuyển sinh đã nhẹ nhàng đáng kể so với những năm thi 3 chung. Nhưng thí sinh những tỉnh/thành không có cụm thi vẫn phải vất vả sang tỉnh bạn. Thí sinh ở cạnh cụm thi này nhưng không được thi mà phải đi hàng trăm cây số đến dự thi ở cụm thi chỉ định. Các thanh niên tình nguyện chương trình Tiếp sức mùa thi vẫn phải vất vả theo phụ huynh, thí sinh.
Thông qua chương trình Tiếp sức mùa thi, lúc bấy giờ nhiều ý kiến đặt ra là “tại sao không tổ chức cho một số rất ít thầy giáo đại học di chuyển đến các tỉnh thành để tham gia tổ chức thi mà để số lượng lớn thí sinh phải di chuyển?”. Băn khoăn đó góp phần đổi mới việc tổ chức thi năm 2016 và hình thức này được duy trì cho đến tận bây giờ.

Giúp điều chỉnh kỹ thuật tuyển sinh là đổi mới phương thức xét tuyển

Cụ thể hơn, ông có thể kể về việc đã tham mưu hoặc ra quyết định thay đổi một vấn đề, một khâu nào đó trong thi cử nhờ tìm hiểu từ Tiếp sức mùa thi không, thưa ông?
Điểm quan trọng nhất mà cá nhân tôi lĩnh hội được qua phối hợp tổ chức các chương trình Tiếp sức mùa thi để điều chỉnh khâu kỹ thuật tuyển sinh là đổi mới phương thức xét tuyển.
Từ năm 2015 trở về trước, thí sinh đăng ký xét tuyển may rủi với 1 - 2 nguyện vọng hạn chế. Nếu chẳng may không trúng tuyển thì dù điểm cao, thí sinh cũng đành ngậm ngùi chờ kỳ thi năm tới. Qua chương trình Tiếp sức mùa thi và Tư vấn mùa thi, thí sinh đã đặt ra bất cập này.
Cần phải sửa đổi quy chế tuyển sinh để làm sao thí sinh có điểm cao không bị trượt. Từ những trăn trở đó, bộ phận xây dựng quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ đã đưa ra quy định cho thí sinh đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời Bộ cho xây dựng chương trình lọc ảo tự động để đảm bảo thí sinh trúng tuyển nguyện vọng cao nhất.
Điều đó làm tôi ấn tượng với chương trình Tiếp sức mùa thi cho đến tận bây giờ.
Nên thay đổi trong thời đại số
Chương trình Tiếp sức mùa thi 20 năm qua do T.Ư Hội Sinh viên, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long khởi xướng là người bạn đồng hành tin cậy của ngành GD-ĐT, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện.
Trong giai đoạn đổi mới GD-ĐT, thông qua các hoạt động của chương trình, Bộ GD-ĐT nắm bắt được nguyện vọng của TS và xã hội để tiếp tục đổi mới kỳ thi, tuyển sinh.
Hiện nay, TS thi tại nơi mình học nên việc hỗ trợ, tiếp sức TS và người nhà đến điểm thi không còn cần thiết như trước. Vì vậy nội dung, hoạt động của chương trình nên chuyển dịch sang mảng tư vấn ngành nghề, tư vấn chính sách thi cử.
Chương trình cũng cần tiếp tục phản ảnh những ý kiến thiết thực của TS, phụ huynh và xã hội về tối ưu hóa công tác tuyển sinh. Thảo luận về tuyển sinh những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, những ngành nghề cần đào tạo nhân lực chất lượng cao; góp phần điều chỉnh cơ cấu ngành nghề cũng là điều cần thiết mà chương trình nên thực hiện.
Khác với trước đây, trong kỷ nguyên số, ngành nghề thay đổi nhanh chóng. Một ngành nghề đang có sức hút mạnh ngày hôm nay có thể biến mất trong mươi, mười lăm năm tới và thay vào đó là những ngành nghề mới. Ngành nghề mới đó là gì thì khó mà dự báo được. Vì vậy việc tư vấn ngành nghề theo phương thức truyền thống lâu nay không còn phù hợp. Thay vào đó là tư vấn tâm lý, giúp TS theo đuổi đam mê, sở trường của mình để phát huy sáng tạo, thích nghi với đòi hỏi của thị trường lao động.
Trong hội nhập quốc tế về GD-ĐT, du học là nhu cầu chính đáng của một bộ phận TS. Vì vậy chương trình Tiếp sức mùa thi trong giai đoạn mới cũng nên mở rộng tư vấn cho TS có nhu cầu du học cũng như phối hợp với một số trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới tham gia các chương trình tư vấn, tiếp sức mùa thi để TS và các trường trong nước trao đổi, nắm bắt thông tin và học tập kinh nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.