Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) ban hành kháng nghị vụ nguyên trụ trì nổ làm "mật vụ", "tình báo" lừa 68 tỉ đồng, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, nguyên trụ trì chùa P.Q. ở Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ Vĩnh Long) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai bị cáo Phạm Văn Cung (áo xanh) và Nguyễn Tuấn Sĩ tại tòa sơ thẩm |
XUÂN PHÚC |
Theo nội dung bản án sơ thẩm, Cung từng là tu sĩ với pháp danh Thích Phước Ngọc. Tháng 9.2008, Cung được Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long bổ nhiệm trụ trì chùa P.Q. Đến tháng 11.2012, Cung là Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương (gọi tắt là cô nhi viện).
Để có tiền trả nợ và tiêu xài, từ năm 2015 - 2020, Cung đánh bóng tên tuổi bằng cách giới thiệu với các bị hại mình làm “mật vụ”, “tình báo” và quen nhiều lãnh đạo cấp cao ở T.Ư. Cung tổ chức các lễ phật, phát quà từ thiện để quay video đăng lên mạng xã hội và chủ động làm quen với doanh nhân nhằm kêu gọi quyên góp, ủng hộ cô nhi viện. Thực chất, Cung đã lừa tiền 4 bị hại, chiếm đoạt 68 tỉ đồng.
TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm và tuyên phạt Cung tù chung thân, Sĩ 3 năm tù về tội danh trên. Còn Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, thư ký giúp việc của Cung) hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Sau khi trừ tiền đã khắc phục, tòa buộc Cung trả lại các bị hại 63 tỉ đồng. Cơ quan công tố đã phong tỏa 4 thửa đất và tài khoản ngân hàng của Cung để đảm bảo việc bồi thường.
Phải thu hồi tiền những người liên quan để trả lại các bị hại
Theo Viện cấp cao 3, tòa sơ thẩm xử phạt các bị cáo tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ. Tuy nhiên, sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, Cung đã chuyển 77 tỉ đồng cho 273 người để trả nợ, thanh toán tiền vật tư sửa chữa chùa, tiền làm đường, xây cầu và tiền sinh hoạt. Có 261 người nhận 75,1 tỉ đồng xác định được nhân thân, lai lịch cụ thể và 12 người nhận 2,6 tỉ đồng không rõ họ tên, địa chỉ.
Tòa sơ thẩm nhận định, những người nhận số tiền này không biết đây là tiền Cung chiếm đoạt của các bị hại, không đồng ý nộp lại. Những người này xác nhận đây là tiền Cung chuyển trả nợ, phí sinh hoạt... Đây là giao dịch dân sự hợp pháp nên quyền định đoạt số tiền thuộc về chủ sở hữu đã nhận. Khoản tiền đó không còn dưới sự quản lý của Cung, không phải là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả lại cho các bị hại.
Viện cấp cao 3 cho rằng, có căn cứ xác định đây là tang vật của vụ án nên cần thu hồi hoàn trả cho bị hại. Bản án sơ thẩm nhận định như trên là không có căn cứ, bởi theo khoản 2, Điều 47 Bộ luật hình sự hiện hành “đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.
Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm vụ nguyên trụ trì nổ làm "mật vụ", "tình báo" lừa 68 tỉ đồng không đưa 261 người này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyết định hình phạt của các bị cáo.
Bình luận (0)