Nguyễn Văn Chiêm là ai mà có tên đường ở Sài Gòn từ năm 1955 đến nay?

08/04/2020 11:45 GMT+7

Chỉ dài khoảng 100m, nối từ đường Hai Bà Trưng đến Phạm Ngọc Thạch nhưng đường Nguyễn Văn Chiêm được nhiều người biết đến vì gần trung tâm TP.HCM và có từ thời xa xưa của Sài Gòn. Đặc biệt, nhân vật này gây nhiều tò mò.

Thời Pháp thuộc ở Sài Gòn lúc đầu con đường này mang tên Square, năm 1915 đổi là đường Mac Pourpe và từ 19.10.1955 chính quyền Sài Gòn mới đổi là đường Nguyễn Văn Chiêm tồn tại mãi cho đến ngày nay.
Tên đường là Nguyễn Văn Chiêm nhưng thực ra tên chính xác của ông này là Nguyễn Văn Chim. Theo cuốn Sài Gòn Chợ Lớn đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí (1925 – 1945) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa xuất bản cho biết: “Nguyễn Văn Chim xuất thân nhà nghèo, sinh vào khoảng cuối thập niên 1890. Lúc đầu làm công việc lượm banh ở các sân quần vợt. Sau đó nhờ có ý chí vượt lên số phận và trở thành cây vợt có tiếng. Mặc dù có tiếng tăm nhưng Chim là người khiêm tốn, điềm đạm”. Cũng như bóng đá, môn thể thao quần vợt phổ biến ở Sài Gòn khởi đầu tại các câu lạc bộ người Pháp, Cercle Sportif Saigonnais, rồi mới được một số người trong giới thượng lưu của Việt Nam quan tâm.

Sân quần vợt xưa của Sài Gòn (nay nằm trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động)

Ảnh: T.L

"Cặp đôi" quán quân quần vợt Đông Dương Chim - Giao

Chỉ trong vòng vài năm đã có nhiều hội thể thao quần vợt được thành lập ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Vũng Tàu và các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Lúc đầu, Cercle Sportif Annamite chỉ chú trọng nhiều vào môn đá banh nhưng không lâu môn quần vợt cũng được lưu tâm và là môn thể thao mang lại cho Cercle Sportif Annamite nhiều tiếng tăm, nhất là trong thời gian ông Triệu Văn Yên làm chủ tịch và là ông bầu của hai cây vợt Chim - Giao.
Vào cùng thời kỳ nổi danh của Chim ở Sài Gòn, còn có một người bạn đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn tên Giao rực sáng khi cả hai đều là quán quân của Đông Dương. Giữa họ có nhiều câu chuyện tình cảm trong thi đấu thật cảm động. Sách đã dẫn kể lại: “Có lần vào năm 1934, ở Viễn Đông vận động hội tổ chức ở Manila (Phi Luật Tân), trong môn quần vợt, khi loại hết các tay vợt có số má khác ở Viễn Đông, Chim và Giao gặp nhau ở trận chung kết đánh đơn. Đối đầu nhau không đành, Chim đã nhường chức vô địch cho Giao. Lúc đó, Chim đã nhiều tuổi, độ non 40, trong khi Giao là cây vợt thiếu niên cường tráng. Thật ra nếu đánh thì có lẽ Chim thắng”.

Sân quần vợt của Cercle Sportif Saigonnais - nơi tổ chức giải vô địch Nam Kỳ từ năm 1925 đến 1975

Ảnh: T.L

Chim và Giao (trên) và Triệu Văn Yên trên báo L’Avant-Garde ra ngày 24.7.1929

Ảnh: T.L

Thời điểm này ở Sài Gòn ngoài Chim và Giao còn xuất hiện thêm cặp đôi vợt trẻ là Nữa và Nhánh. Ngày 2.4.1934, nếu như Chim - Giao có trận thư hùng tại Sài Gòn và đúng như dự đoán của mọi người, Chim đã hạ gục Giao với tỉ số 6-4, 6-3 thì Nữa cũng từng có lần đánh thắng Giao, còn Nhánh thì thắng tay vợt Samacq để giành chức vô địch Bắc Kỳ. Tờ Sài Gòn ngày 4.4.1934 có tường thuật chi tiết trận đấu giữa Chim và Giao được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp tìm được, viết: “Mới 3 giờ chiều mà công chúng đã lần lượt đến đông lắm. Chỗ thì 5 người, chỗ thì 10 người , đâu đâu cũng chỉ bàn luận việc Chim bị sa thải. Vừa đúng 4 giờ 15 thì thấy Chim ra sân trước. Cả ngàn người vỗ tay reo mừng. Chim và Giao thử banh qua lại trong 10 phút thì thấy trọng tài là ông Hy leo lên ghế…
Xưa nay chưa có trận ten – nít nào mà sướng con mắt đến thế. Công chúng vỗ tay không nghỉ. Mỗi một khi Chim xì mách (đập mạnh qua sân đối thủ, đập trên cao) hoặc đánh banh bổng là Giao thọc nách, tiếng vỗ tay rùm trời…”.

Nhân vật Nữa cũng là tay vợt nổi tiếng giai đoạn này

Ảnh: T.L

Quảng cáo bán vợt tennis của Lâm Quang Vinh và Chim (Écho Annamite 9.9.1927)

Ảnh: T.L

Đường Nguyễn Văn Chiêm ngày nay

Ảnh: Công Nguyên

Ở Bắc kỳ và Trung kỳ, đi tới đâu Chim và Giao cũng đều được đón tiếp trọng thị như ở Nam kỳ. Tại khắp lục tỉnh, hai tay vợt lừng danh trở thành thần tượng, niềm tự hào của người Việt mọi nơi. Tờ Hà thành ngọ báo ngày 12.9.1929 được ông Nguyễn Đức Hiệp sưu tầm ca ngợi "tận mây xanh", rằng: “Nếu nước Pháp có 4 tay ngự lâm pháo thủ: Lacoste, Cochet, Borotra và Brugnon, Mỹ có Tilden và Hunter thì giờ Đông Dương có Chim và Giao”. Phan Khôi cũng liệt Chim và Giao vào những nhân vật hàng đầu của thể thao Việt Nam. Ông ca ngợi 2 tay vợt không tiếc lời trên báo Phụ nữ Tân Văn ra ngày 25.6.1931.
Năm 1935, Tổng cuộc Thể thao An Nam muốn gởi Chim và Giao đi Mã Lai tranh giải. Giai đoạn này, Chim và Giao trở thành những tay vợt nhà nghề, tên tuổi nổi tiếng Sài Gòn đã vượt ra ngoài biên giới, được đích thân Thống đốc Nam Kỳ Page mời tới tiếp đón trọng thị tại dinh Thống đốc, còn hứa hẹn giúp đỡ và tặng cả cúp kỷ niệm có ghi tên ông. Vì vậy khi sang Mã Lai thi đấu, cặp đôi Chim – Giao không phụ lòng người hâm mộ và kỳ vọng của Thống đốc Nam Kỳ khi chiến thắng giòn giã để giành ngôi vô địch. Tờ Hà thành ngọ báo số ra ngày 16.8.1935 lại hân hoan loan tin: “Chim và Giao đã xuống tàu Proteurs hôm thứ tư 7 Aout về Sài Gòn. Về lần này, Chim – Giao sẽ cùng Nữa so vợt với nhà cựu vô địch hoàn cầu, một ngự lâm pháo thủ về môn ten – nít của Pháp là Henri Cochet sắp đến Sài Gòn”.
Vì quá kiệt xuất trong làng quần vợt nên sau này khi Nguyễn Văn Chim qua đời, ông được dựng tượng và chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi  của Sài Gòn (công viên Lê Văn Tám hiện nay). Tháng 10.1955, tên ông được chính quyền lúc đó lấy đổi tên cho đường Mac Pourpe (trước đó là đường Square).
Tuy nhiên không biết lý do tại sao từ Nguyễn Văn Chim (không có ê) đã được thêm ê để trở thành Nguyễn Văn Chiêm - mà theo nhà văn Lê Văn Nghĩa "hay là những người đặt tên đường ngày xưa nghĩ rằng tên đường là Chim thì… ngại các chị em mắc cỡ khi hẹn hò với người yêu ở con đường này nên đành cho ê vào" - rồi giữ suốt từ đó cho tới nay tại Sài Gòn, trở thành mặc định và không thấy ai bận tâm hay dự định sửa chữa lại cho đúng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.