Bằng giọng văn hóm hỉnh, hài hước nhưng không kém phần chân thành, Nguyễn Việt Hà chinh phục độc giả bởi những câu chuyện dí dỏm tưởng chừng rất quen thuộc với từng người con sinh ra và lớn lên trên đất Hà thành.
Dẫu các nhân vật trong tập tản văn xuất thân từ nhiều thành phần, độ tuổi, dẫu là những gã cao bồi già, hay đàn ông viết tạp văn, đàn ông hoài cổ hay đàn ông lao động nghệ thuật…, dẫu tính cách sang hay hèn, bị mọc sừng, hay có tính phản bội, Con giai phố cổ vẫn đậm đà nét đặc sắc riêng cực kỳ độc đáo của một nhóm người tiêu biểu cho lớp thế hệ xưa từng sinh sống ở Hà Nội.
Phải những ai từng sống đủ lâu ở Hà Nội mới thấm thía và như nhận thấy rõ hình bóng mình từ những câu chữ nhởn nhơ của Nguyễn Việt Hà: “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”.
Ngọc Bi
Bình luận (0)