PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với tác giả những cuốn sách nổi tiếng viết về Đà Lạt.

Chỉ trong 9 năm, anh đã có 6 tập sách viết về Đà Lạt, trong đó có bộ ba biên khảo công phu, dày dặn và đầy tâm huyết (Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ). Độc giả cho rằng chỉ có “si mê Đà Lạt” mới làm được điều đó. Anh nghĩ gì về nhận định này?

Tôi nghĩ rằng Đà Lạt là đứa con được sinh ra từ tình yêu, sự chinh phục và khát vọng về những giá trị đô thị lý tưởng. Thế nên để đi vào Đà Lạt, không thể bỏ qua khía cạnh này; không thể đi vào tâm hồn thành phố hay để thành phố đi vào mình nếu thiếu trái tim đồng điệu sâu xa. Nhưng đôi khi ta rất dễ xao lãng, lạc lối trong sự duy cảm, nội suy, nhất là khi làm công việc đòi hỏi thuần lý như biên khảo. Cho nên, lúc viết về Đà Lạt, tôi tìm cách phân tách mình rạch ròi: bên này là hệ thống cấu trúc, kỷ luật và phương pháp tri thức mà khảo cứu cần; bên kia là văn chương, sự bay bổng cùng những suy tư hướng nội mà văn chương cần. Qua 6 tác phẩm, nếu độc giả tinh ý sẽ nhận ra sự phân tách rạch ròi đó. Với tôi, Đà Lạt có khi là người tình, nhưng lắm khi là đối tượng khảo sát. Và nhiều khi, là cả hai.

Cây bút Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ việc sưu tầm tư liệu về Đà Lạt

Tập sách đầu tiên anh viết về Đà Lạt có chủ đề: Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (xuất bản năm 2014, tái bản 7 lần), đó là cuốn sách dễ đọc. Nhưng bộ ba biên khảo Đà Lạt, một thời hương xa (2016, tái bản 7 lần), Đà Lạt, bên dưới sương mù (2019, tái bản 3 lần) và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (2020, tái bản 2 lần)... có thể gây ngạc nhiên trong bối cảnh dòng sách biên khảo, nhất là biên khảo về một địa phương, thường gặp khó trong phát hành…

Tôi chỉ thấy rõ trang viết của mình và thường mơ màng vô cùng trong vấn đề bán sách (việc này đã có nhà xuất bản và công ty sách giữ bản quyền lo). Thậm chí, đôi khi tôi có nhu cầu tặng sách cho bạn bè, còn không biết đặt mua sách mình ở nhà sách nào để được ưu đãi nhất. Nhưng anh đã hỏi thì tôi cũng chia sẻ thành thật điều tôi nghĩ: có lẽ bởi bản thân Đà Lạt là một kho tàng mà nhiều người muốn tìm hiểu. Họ muốn hiểu để yêu hơn, hiểu để đắm chìm trong ký ức hay nuối tiếc. Hoặc cũng có thể là hiểu để tự cắt nghĩa cho tình yêu của mình với thành phố đó.

Anh có thể chia sẻ quá trình làm tài liệu về Đà Lạt, phương pháp lưu trữ, nghiên cứu… trong tư cách người viết độc lập?

Tôi không được đào tạo qua trường lớp, cũng không làm việc trong các tổ chức nghiên cứu của nhà nước. Tất cả những gì tôi có là nhờ đọc và học hỏi từ trào lưu biên khảo lịch sử mới, tạm gọi là vi lịch sử (micro history) và chịu ảnh hưởng bởi phương pháp tư duy phức hợp. Tôi dành phần lớn thời gian vào các kho tài liệu ở những trung tâm lưu trữ quốc gia tại TP.HCM, Đà Lạt để tìm tài liệu gốc, la cà trong giới sưu tầm sách báo cũ để tìm kiếm các trước tác, tài liệu báo chí và lần tìm các nhân chứng để nghe thuật lại những sự kiện. Tôi tiếp cận, hoài nghi, đối chiếu, tìm ra đường dây các câu chuyện phủ bụi thời gian; làm từng chút một, từng việc một, một cách hệ thống và chuyên cần trước khi tìm giọng văn thể hiện hay giai điệu, chủ âm cho các cuốn sách. Khi làm những việc đó, tôi đặt mình vào một dòng chảy có tính hướng tâm và thoát ly, không thuộc về những tính toán của đời sống bên ngoài. Làm như phải thi hành một “bản án” mà Đà Lạt đã dành riêng cho tôi.

Anh sinh ra ở Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng lại lớn lên ở vùng thung lũng khắc nghiệt dưới chân đèo Sông Pha (Ninh Thuận). Qua một số tạp bút, truyện ngắn của anh trước đây, người đọc có thể thấy những yếu tố tự truyện. Anh có thể bộc bạch thêm về vùng quê của mình?

Tôi có một tuổi thơ kỳ lạ, hội tụ những điều đẹp đẽ lẫn dư chấn nghiệt ngã của thời cuộc, lịch sử. Điều này có dịp thì tôi sẽ kể trong một cuốn sách khác. Ở đây, tôi sẽ nói vùng quê ấy đã gắn với Đà Lạt thế nào. Tôi bất ngờ nhận ra các điểm mốc trưởng thành của mình tình cờ lặp lại bước chân của bác sĩ Alexandre Yersin và Toàn quyền Paul Doumer khi họ thực hiện chuyến đồng hành khảo sát cao nguyên Langbian cuối tháng 3.1899. Họ đã từ Khánh Hòa đi đến Ninh Chữ (Ninh Thuận) và theo đường bộ đi lên phía núi. Họ nghỉ đêm ở chân núi Krong-Pha (Sông Pha), ở quê nhà tôi, trước khi vượt một vách núi dựng đứng như bức tường thành hoang vu để lên cao nguyên Langbian. Sau chuyến đi, Toàn quyền Paul Doumer đặt bút ký bản Nghị định thành lập Trạm điều dưỡng Langbian vào tháng 11 năm đó, mở ra viễn kiến về một đô thị Đà Lạt về sau.

Vào đúng năm đầu đổi mới, gia đình tôi chuyển từ Khánh Hòa vào vùng thung lũng Ninh Sơn, nơi mà các loài cây rừng đều muốn biến thành gai vì khô cằn và nắng nóng. Trong những lần khám phá rừng núi với bạn bè, tôi được thấy những đoạn đường sắt xuyên rừng bị cắt xẻ, bán sắt vụn và dấu tích phai tàn của một tuyến thiết lộ nối biển và núi trong quá khứ. Hình ảnh đó neo vào tôi những câu hỏi. Có lẽ số phận Đà Lạt đã được “cài đặt” vào tâm trí tôi từ những ký ức đó... để sau này, tôi cũng tìm cách vượt đèo Sông Pha để lên Đà Lạt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên và nhà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông

Nói về thời sinh viên Đại học Đà Lạt, tôi vẫn nhớ hình ảnh một anh sinh viên ngành sư phạm ngữ văn bụi bặm, ốm nhom, đạp chiếc xe đạp cà tàng vượt dốc… đi làm thêm, lấy tin cho các tòa soạn báo...

Vâng, anh đã nhắc lại một hình ảnh gương mẫu có sức lay động nếu ta nói về tinh thần vượt khó kiểu truyền thống. Hình ảnh ấy che đậy cho rất nhiều va vấp khác mà một kẻ vào đời quá sớm không thể tránh khỏi: những cuộc đánh lộn không đâu vào đâu ở bờ hồ Xuân Hương, những cuộc tình vừa đẹp vừa kịch tính khiến người ta khổ sở tới mức không cần thiết, và những cơn say tàn phá sức khỏe để lại di chứng sau này... Nhắc lại, tôi vẫn tự hỏi không biết sao mình sống sót được qua thời kỳ ấy. Tôi có thực sự vượt dốc nghịch cảnh hay không…

Cho đến giờ tôi vẫn chưa lý giải được vì sao các thầy lại cho tôi đậu những môn sáng tác, thi pháp hay mỹ học. Nhiều khi tôi nằm mơ thấy mình đi thi và quên một thứ gì đó, phải chạy bộ về phòng trọ lấy và khi trở lại phòng thi thì mọi người đã thi xong. Quả thực là đã từng xảy ra như vậy. Học, bao giờ nhà trường cũng chỉ dạy một số thứ rất giới hạn mà họ có thể dạy; trong khi viết, tôi cần học từ rất nhiều thứ trên đời rồi từ đó chọn một thứ gì thuộc về mình nhất để thực hành… (cười).

Nguyễn Vĩnh Nguyên ký tặng sách cho độc giả Đà Lạt

Anh còn chưa nhắc đến thời gian mất việc ở tờ báo địa phương và phải đi câu cá ở hồ Xuân Hương...

Thời gian đó, mùa mưa năm 2001, tôi thấy đời mình rách nát vì bị Đà Lạt ruồng bỏ. Có lẽ lúc đó tôi quá nhạy cảm và lý tưởng. Những năm hai mươi tuổi, chúng ta thường dành thật nhiều thời giờ để vẫy vùng và ngụp lặn trong ảo tưởng và cả sự phóng đại các cảm xúc thất vọng, bi quan. Rồi cuộc sống sẽ thu dọn lại hết, cắt tỉa những rườm rà xốc nổi để hướng tới những gì thực sự điềm đạm và khắc kỷ. Dần dà, tôi nhận ra sự trục xuất tự nhiên khỏi Đà Lạt thời điểm đó rất có ý nghĩa cho những lần trở lại, sống và đi vào thành phố này ở một khoảng cách khác, chiều kích khác và tinh thần khác.

Anh trở lại trong cuộc gặp gỡ vừa qua rất khác trong tọa đàm Đà Lạt trên trang văn do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức vừa qua. Đà Lạt đón tiếp một nhà văn viết về mình trang trọng gần như chưa có tiền lệ. Cảm xúc của anh thế nào?

Tôi có chút bất ngờ và áp lực vì đó là một chương trình mở đầu, hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt 2022, được kỳ vọng như một “chương trình chiều sâu”. Bỏ qua những chuẩn bị có tính truyền thông quy mô của sự kiện, thì điều mà tôi thấy an ủi nhất là hình như Đà Lạt bắt đầu quan tâm tới tri thức đô thị học.

Được biết, hiện anh phụ trách nội dung cho một công ty xuất bản sách, lại vừa là cây bút đứng mục cho một số tờ báo, tạp chí. Anh thu xếp thời gian thế nào để một lúc làm được nhiều việc như vậy?

Dù là người không ưa sống trong các kịch bản, nhưng tôi lại thường xuyên tìm kiếm một trật tự cuộc sống hợp với nhịp sinh học và tâm lý của bản thân. Tôi đặt công việc vào một hệ thống ổn định, ở đó mỗi phần việc là một sự tận hưởng thay vì áp lực nhọc nhằn (dù có lúc sự tận hưởng cũng đầy thử thách, những lúc như thế thường thì tôi... đi ngủ để mọi căng thẳng tự nó đi qua!). Tôi “biên tập, cắt tỉa”, tiết chế những công việc không cần thiết. Nhờ vậy, tôi làm việc và sống trong sự chủ động, tiết độ của mình. Âm nhạc cũng giúp tôi rất nhiều trong việc tìm thấy sự bình an và niềm hứng thú trong cuộc sống.

Những người yêu Đà Lạt đang mong đợi Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ cho ra đời tiếp những tác phẩm mới về Đà Lạt. Anh có thể nói trước một số việc sẽ làm?

Có thể tôi viết nhiều cuốn sách, nhưng chỉ có một tác phẩm. Tôi đang thử nhìn thành phố từ những bức ảnh riêng tư và bưu ảnh cũ.

Anh mong gì cho Đà Lạt 10 năm, 20 năm, 50 năm sau?

Tôi mong 10 năm sau Đà Lạt là Đà Lạt. 20 năm sau Đà Lạt là Đà Lạt. Và, 50 năm sau, Đà Lạt là Đà Lạt.

Báo Thanh Niên
06.11.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.