Nguyên Vũ: ‘Kêu chị Thanh Lam với Tùng Dương hát bolero coi hát được không'

24/10/2017 14:01 GMT+7

Trả lời Thanh Niên , ca sĩ Nguyên Vũ có những chia sẻ thẳng thắn về phát ngôn nhạy cảm gây bão dư luận của Thanh Lam.

* Là một ca sĩ lâu năm trong nghề, đồng thời cũng là một giọng ca hát bolero, anh nhận xét gì về phát ngôn: "Nhiều ca sĩ miền Nam không đi học nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông" mới đây của ca sĩ Thanh Lam?
- Ca sĩ Nguyên Vũ: Theo Vũ, phát ngôn của chị Lam nói đúng thì không đúng hẳn mà sai thì cũng không sai hoàn toàn. Vì nếu chị chỉ nói là có nhiều ca sĩ ngày nay không có học vấn nhưng vẫn có thể nổi tiếng được thì đúng. Nhưng nếu chị nói là không đi học mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông là sai hoàn toàn.
Vũ nghĩ cái học ở đây chị Lam nhắc đến là cái kiến thức về thanh nhạc, nhạc lý chứ không phải là học vấn chữ nghĩa. Nếu chị nói vậy thì lại càng không đúng. Khán giả họ có đôi tai của mình. Nếu truyền thông tung hô nhưng họ nghe không thích họ vẫn bỏ qua thì sao mà ca sĩ đó nổi tiếng được. Nhiều ca sĩ có thể học vấn họ không cao, đôi khi vì lý do nào đó cũng không được theo học về nhạc bài bản nhưng họ vẫn học nhạc bằng nhiều cách khác nên họ cũng có kiến thức về âm nhạc đàng hoàng, đủ để sống với nghề. Vậy là người ta vẫn có học chứ, vấn đề là họ không đến trường lớp thôi.
Có người phải được rèn giũa mới tinh. Nhưng cũng có người có tố chất trời cho, họ xuất thân bình dân nhưng giọng ca hay thì người ta vẫn làm ca sĩ được, trong quá trình đi làm nghề sẽ dạy nghề, không học thì không bao giờ nổi tiếng. Cũng có những gia đình làm nghệ thuật kiểu cha truyền con nối thì nó lại khác nữa.
Mà chị Lam đổ lỗi ca sĩ nổi chỉ là nhờ truyền thông là lại quá sai, bởi người nào được truyền thông quan tâm hẳn họ cũng có sức ảnh hưởng nhất định với công chúng. Họ cũng có một cái tố chất xứng đáng nào đó thì báo chí mới khai thác tin bài được. Chị ấy lại còn chỉ đích danh là ca sĩ trong Nam thì không đúng rồi. Bởi mỗi vùng miền có một đặc trưng và một cái môi trường hình thành và phát triển nghệ thuật riêng.
Thanh Lam và Tùng Dương đều có những phát ngôn về bolero gây tranh cãi
* Nhưng Thanh Lam cho rằng nếu ca sĩ không được đào tạo bài bản thì khó mà tinh thông được nghề hát và khó có thể khai thác phát triển những tinh túy của âm nhạc, nghệ thuật?
- Chưa chắc. Cái đó còn tùy vào cảm quan âm nhạc của mỗi ca sĩ nữa. Nghề hát này còn tùy theo thị hiếu và sở trường của mỗi người nữa. Có người họ chọn cho mình cách hát bác học, phô ra giọng khỏe khoắn, điêu luyện cho những người có kiến thức cao nghe. Nhưng cũng có người chọn cho mình phân khúc khán giả bình dân hơn, họ chỉ hát những giai điệu và ca từ nhẹ nhàng, đơn giản dễ hiểu, khán giả họ có thích thì mình mới có hát. Vậy mà chị Thanh Lam lại nói là muốn nổi tiếng nên hát bolero, làm cho bolero bị bào mòn, biến tướng này nọ. Âm nhạc nào mà lại bị bào mòn? Có ai dám viết một bài nhạc bolero thành một giai điệu khác không hay chị Lam thử hát bolero theo kiểu bác học của chị xem coi có ai nghe không.
* Tuy nhiên, cũng như ca sĩ Tùng Dương, Thanh Lam cho rằng bolero vì được nhiều người hát quá nên không còn giữ được cái đẹp của mình mà trở nên thương mại và thị trường hóa?
- Bolero là âm nhạc đại chúng mà. Người ta có thể mang nó xuống đường phố, trong đêm tiệc vui vẻ người ta cũng có thể hát nhạc này. Không hẳn cứ mang vào khán phòng, ăn mặc sang trọng có dàn nhạc chỉn chu thì đó mới là bolero. Thể loại nhạc này là âm nhạc đại chúng, đại trà. Ngày trước nhiều ca sĩ anh chị hát nhạc dân gian đương đại suốt cả thời gian dài đó, có ai nói gì đâu. Thì bây giờ bolero thịnh hành thì nhiều người hát cũng vậy thôi, có gì đâu mà ý kiến cho buồn lòng nhau.
Chị Lam đi hát có cách của riêng chị, có thể chị đẳng cấp chẳng quan tâm đến tiền nong. Hay chị hát một cách bác học, cá tính để phục vụ đối tượng khán giả khó tính của riêng mình. Cũng có những ca sĩ làm nghề là vì muốn được có cuộc sống tốt đẹp hơn, họ muốn được tồn tại với nghề thì họ phải chạy theo khán giả của mình, chứ họ không thể bắt khán giả phải nghe theo mình. Nhưng mà ca sĩ nào cũng vậy, đẳng cấp hay thị trường thì cũng phải làm việc cật lực, học hỏi từng ngày. Họ muốn hát bài nào cũng phải bỏ công ra học, đầu tư tiết mục rất tốn tài lực chứ không phải không không mà đứng lên hát hò. Một người giọng chuyên opera mà bắt họ hát bolero coi họ có cố đấm ăn xôi được không. Hay kêu chị Thanh Lam với Tùng dương hát bolero coi hát được không? Hát thuần theo kiểu miền Nam nha! Một ca sĩ nhạc dance hay gì đó mà muốn chuyển qua hát trữ tình thì họ cũng phải bỏ công ra học lại chứ không phải khi không mà hát được đâu.
Nói một cách khách quan, khán giả họ trực tiếp trả tiền cho ca sĩ. Bầu show tổ chức show mà không ai đi coi, không ai tài trợ thì cũng đói. Đừng nói kiểu thanh cao là tôi hát được mà tôi không thèm hát, ca sĩ đi hát cũng cần kiếm cơm chứ. Hoạt động nghệ thuật dù thanh cao cũng là một nghề, có thực thì mới vực được đạo. Mà bạn có hát nghe được thì người ta mới bỏ tiền ra mua vé coi.
* Cám ơn ca sĩ Nguyên Vũ!
[VIDEO] Đàm Vĩnh Hưng tiếc cho phát ngôn của Thanh Lam, Vũ Hà: “Thanh Lam sai 90%“
Ca sĩ Thanh Lam lên tiếng về phát ngôn gây tranh cãi

Ca sĩ Thanh Lam, ''người đàn bà hát'' lại gây ''bão'' khi có những phát ngôn thẳng thắn và không ngại nhắc tới những đồng nghiệp. Trước phản ứng của cộng đồng mạng, cô thẳng thắn nêu quan điểm.
Theo nữ ca sĩ Hà thành, câu chuyện về chuyên môn của làng nhạc đã được một số cá nhân nhìn theo lăng kính của mình rồi cố tình “đánh tráo khái niệm” sang thành những điều không liên quan đến chuyên môn âm nhạc.
"Thanh Lam chỉ mong mọi người thấu hiểu cái khát vọng của một người nghệ sĩ cho một nền nghệ thuật đương đại của chúng ta. Các ví dụ về con người, địa điểm, chỉ là minh họa cho quan điểm nghệ thuật. Cả gia đình Thanh Lam làm nghệ thuật, bố mẹ Thanh Lam sống và cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc trong công cuộc nối liền hai miền đất nước, các ca khúc ba sáng tác như Màu hoa đỏ hay Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc... Lam đã tập và hát nhiều đến mức mà tinh thần của nó đã đi vào huyết quản. Cả tuổi thơ Thanh Lam sống với các cô chú ở đoàn Bông Sen ở đường Pasteur (TP.HCM), lớn lên mới ra Bắc học. Nay ba đã đi xa gia tài để lại cho mẹ con là những ca khúc thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu quê hương xứ sở. Vậy nên thật đáng buồn khi Lam đang nói về chuyên môn và chất lượng âm nhạc, chúng ta có thể tranh luận hay lắng nghe ý kiến trái chiều về chuyên môn, chỉ chuyên môn của chúng ta mà thôi, Lam chẳng mong ai đụng đến những giá trị thiêng liêng mà mỗi chúng ta đều tôn trọng nhân danh nói chuyện nghệ thuật", Thanh Lam nói.
"Nếu phải đính chính thì Lam muốn nói rằng chúng ta làm âm nhạc để nuôi dưỡng tình yêu, nuôi dưỡng tâm hồn và tôn vinh giá trị cao đẹp. Xin đừng hiểu và nói khác đi để mỗi chúng ta đều bị tổn thương vì những điều mà chúng ta yêu quý, trân trọng", nữ ca sĩ nói.
Anh Thư
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.