Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ xin rút toàn bộ kháng cáo

20/06/2018 05:16 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, bất ngờ đề nghị HĐXX cho xin rút toàn bộ kháng cáo về cả hình sự và dân sự.

Hôm qua 19.6, TAND cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trong vụ Tập đoàn dầu khí VN (PVN) góp 800 tỉ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Trong phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, bất ngờ đề nghị HĐXX cho xin rút toàn bộ kháng cáo về cả hình sự và dân sự. Trước đó, bị cáo Sơn có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét về mặt nhận thức chủ quan, về nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh thực hiện hành vi góp 100 tỉ đồng vào OceanBank.
Qua đó, cho bị cáo được miễn trách nhiệm dân sự bồi thường 15 tỉ đồng như quyết định của bản án sơ thẩm. Đáng chú ý, đơn kháng cáo của bị cáo Sơn đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận lời khai của bị cáo, buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, phải chịu trách nhiệm về số tiền 180 tỉ đồng mà bị cáo Sơn đã chuyển cho Quỳnh để dùng vào việc chăm sóc khách hàng PVN chứ không phải chỉ là 20 tỉ đồng cho cá nhân bị cáo Quỳnh.
Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, nguyên thành viên HĐTV PVN và 4 bị cáo khác đều là nguyên thành viên HĐTV PVN gồm: Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Vũ Khánh Trường đều giữ nguyên kháng cáo.
Cũng trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài, 1 trong 4 người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Công thương, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương. Theo luật sư Hoài, Văn phòng Chính phủ là cơ quan truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan chủ trương góp vốn, tăng vốn, thoái vốn tại OceanBank nên cần mời đến tòa để làm rõ một số vấn đề liên quan. Bộ Công thương là cơ quan chủ quản đồng ý cho thoái vốn ở OceanBank và đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương là cơ quan có ý kiến trong việc tăng vốn điều lệ lần 3 của PVN. Về đề nghị của luật sư, HĐXX cho biết trong quá trình xét xử nếu cần thiết sẽ triệu tập.
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã triệu tập và xét hỏi đối với một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, gồm các nguyên thành viên HĐQT/HĐTV PVN giai đoạn PVN góp vốn vào OceanBank Phan Thị Hòa và Hoàng Xuân Hùng, để làm rõ về chủ trương, vai trò của các bị cáo trong vụ án.
Theo bản án sơ thẩm, trong giai đoạn 2008 - 2011, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào OceanBank với tổng số tiền
800 tỉ đồng. Số tiền này mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank 0 đồng. Nguyên nhân thiệt hại, theo HĐXX, do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các bị cáo gây ra. Bị cáo Thăng với tư cách Chủ tịch HĐTV PVN, ký thỏa thuận tham gia góp vốn nhưng không thông qua HĐTV khi biết rõ năng lực của OceanBank yếu kém; ký góp vốn khi không được sự đồng ý của Thủ tướng.
Hôm nay (20.6), phiên tòa tiếp tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.