Trong bản án phúc thẩm của TADN Cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra quan điểm phần kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng và hành vi tham ô chiếm đoạt 49 tỉ đồng. Theo đó, HĐXX phúc thẩm thấy rằng, đây là nội dung được tranh luận gay gắt và chiếm nhiều thời gian nhất trong phiên tòa.
Xem xét nội dung đơn kháng cáo và phần tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nhận định, không phải các bị cáo kháng cáo kêu oan mà cho rằng cấp sơ thẩm xét xử không đúng tội danh. Tại tòa, các bị cáo nhiều lần cho rằng, nếu các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái thì cả 2 bị cáo đều không kháng cáo. Trong khi đó, đại diện VKSND cấp cao khẳng định các bị cáo tham ô tài sản, chiếm đoạt 49 tỉ đồng là đúng.
Đánh giá về bản chất hành vi của bị cáo, HĐXX phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm là không oan cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, có chăng chỉ là phạm tội nào mà thôi. “Không có lúc nào Nguyễn Xuân Sơn không có chức vụ quyền hạn. Câu hỏi tiếp là Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt không?. Thực tế Nguyễn Xuân Sơn có nhận tiền từ OceanBank. Cấp sơ thẩm đang quy kết Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 264 tỉ đồng và 69 tỉ đồng từ Công ty BSC. Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 264 tỉ đồng từ Hà Văn Thắm để chi cho PVN (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - phóng viên). Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt số tiền này. Việc Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo về hành vi này là không đúng”, HĐXX đưa ra quan điểm và khẳng định không ai có thể phủ nhận được vai trò của Nguyễn Xuân Sơn tại PVN.
Theo HĐXX, các bị cáo cùng lúc bị quy kết nhiều tội danh, nhưng cũng thừa nhận hành vi và hậu quả. HĐXX cho rằng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm. Hơn nữa, bị cáo Sơn và gia đình bị cáo có nhiều thành tích, là gia đình có công với cách mạng.
Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn hiện đã nộp 5 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Hiện nay, bị cáo còn nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thể hiện ý chí muốn khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo cũng thể hiện mong muốn được khắc phục hậu quả cho bị cáo. Kiến nghị cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội cần phân định tài sản để bố, mẹ, vợ Nguyễn Xuân Sơn để họ có thể dùng tài sản này khắc phục hậu quả cho bị cáo. Kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Trước đó, tại phiên toà ngày 2.5, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cho biết một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỉ đồng để cứu bị cáo này thoát án tử hình.
Theo luật sư, gia đình bị cáo Sơn sẽ lo 5 tỉ đồng, còn vị doanh nhân kia sẵn sàng chi 32 tỉ đồng để đủ khắc phục 3/4 số tiền 49 tỉ đồng mà cựu Tổng giám đốc Oceanbank bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, theo các luật sư, việc bồi thường 3/4 số tiền tham ô là chưa đủ để xem xét chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân.
Khoản c điều 40 bộ luật Hình sự 2015 về khung hình phạt tử hình quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị áp dụng án tử hình.
Như vậy, ông Sơn chỉ được xem xét chuyển từ án tử hình sang tù chung thân nếu nộp lại tài sản chiếm đoạt, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn. Bên cạnh đó, theo kiến nghị của HĐXX thì Chánh án TAND tối cao sẽ xem xét về trường hợp này.
Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, HĐXX phúc thẩm thấy rằng, dù áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cũng không thể thấp hơn mức án chung thân cấp sơ thẩm đã tuyên dành cho bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy hành vi chi lãi ngoài thực hiện trong bối cảnh thị trường tài chính không ổn định, nhiều ngân hàng cũng thực hiện hành vi tương tự. Về nhân thân, bị cáo có nhân thân rất tốt, có nhiều thành tích, thành khẩn khai báo. Đề nghị các cơ quan chức năng khi tiếp nhận bản án cần xem xét giảm xuống tù có thời hạn cho bị cáo.
Bình luận (0)