|
Sở dĩ anh Hiệp hỏi tôi câu đó là vì, cách đây 3 năm, hai anh em có kỷ niệm nhớ đời ở đảo Lý Sơn. Dạo ấy là tháng 3 âm lịch, Lý Sơn đang tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nghĩa là gió mùa đông bắc cũng đã vãn, ấy thế mà bất thình lình, trời nổi cơn thịnh nộ. Anh Hiệp ra Lý Sơn làm tập phim về những ngôi mộ gió trong loạt ký sự biển đảo. Anh vội ra đảo và cũng vội trở về trong ngày nên gió cấp 6 vẫn cứ đạp sóng mà vào đất liền. Hai anh em được mấy anh bộ đội biên phòng “ưu tiên” cho ngồi gần cửa ra vào khoang tàu. Mỗi người thủ một chiếc chậu giặt để ... mửa cho dễ. Thôi thì hai nhà báo thi nhau “đối thoại với biển” suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ từ Lý Sơn về Sa Kỳ. Vừa lên bờ, Hiệp nói: “Tôi thề luôn với ông là chả bao giờ đi biển nữa”. Tôi cũng thú nhận với anh là mình đi biển rất kém, vẫn thường “a lô” khi gặp sóng to. Bởi vậy nên khi biết tôi vừa đi Trường Sa về, Hiệp “nể” tôi ra mặt.
Tôi phải dông dài một tí để nói rằng, đi Trường Sa là khao khát của rất nhiều nhà báo nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đi, hoặc nếu có điều kiện (như Trần Tuấn Hiệp) thì lại ... sợ biển. Tôi cũng liều một cú xem sao. Và, sau 25 ngày ăn sóng nói gió với bộ đội, tạt ngang qua 17/21 hòn đảo của quần đảo Trường Sa thì thấy rằng, trong đời làm báo mà không đặt chân lên được Trường Sa (nếu có điều kiện) thì thật là tiếc vậy.
Nhưng đi Trường Sa không phải như đi ... Trường Sơn, càng không phải như đi tham quan du lịch, đến một hòn đảo nào đó vài ba hôm, ăn chơi nhảy múa rồi về, viết được gì đó thì viết. Như tôi đã nói, ngoài cái thú ưa xê dịch của nhà báo ra, đi Trường Sa còn phải có “sức” nữa. Sức ở đây vừa là khỏe mạnh vừa là cơ địa của anh nhà báo ấy liệu có chịu nổi với sóng gió nếu gặp biển động hay không. Chắc khán giả VTV đã “nhẵn mặt” anh Quang Tèo hay pha trò trên tivi lâu nay. To khỏe như con hà mã là vậy, tếu táo luôn mồm là vậy mà đi một chuyến Trường Sa, gặp hôm động biển, Tèo ta nằm bẹp như con gián trong khoang, không hé nửa lời kia đấy!
Sức khỏe hay cơ địa chịu với sóng gió là thứ trời cho, không cố mà được. Vì vậy, nên lượng sức mình mà đi Trường Sa, hễ thấy trong người mà “yếu” thì không nên “ra gió”, nghĩa là lựa chuyến nào đi ngắn ngày nhất, lại rơi đúng mùa không gió bão thì đi, bằng không thì nếu có đưa vàng cũng xin can. Tôi đã lượng hết sức của mình để có một chuyến đi “nhớ đời” hôm tháng 5 vừa rồi, ấy thế mà vẫn xất bất xang bang sau chuyến đi ấy.
Thú thật, cách đây 5-7 năm mà anh nhà báo nào đi Trường Sa thì “thu hoạch” cũng kha khá. Ít ra viết cũng được dăm ba bài, nhưng bây giờ mà đi Trường Sa thì chủ yếu là “đi cho biết”, đừng kỳ vọng vào việc đi để viết báo như trong đất liền. Nếu đi theo dạng cưỡi tàu xem đảo” thì khi lên các đảo chìm, chưa kịp xả cái lai quần cho phủ đôi dép thì trưởng đoàn đã giục trở lại tàu để đi đảo khác. Vì hành trình có 12 ngày, đi-về hết 4 ngày rồi, 8 ngày còn lại thì làm được gì ngoài chuyện ... phát quà, chụp vài tấm ảnh bộ đội tưới rau rồi về. Mà đi dài ngày như chuyến đi của chúng tôi vừa rồi thì ... hết luôn cảm hứng để mà viết báo.
Cũng “kể khó” vậy với đồng nghiệp để ai có ý định đi Trường Sa thì cũng nên chuẩn bị tinh thần. Riêng có điều này thì tôi chia sẻ: Đừng hy vọng là ra Trường Sa sẽ gửi được bài kèm ảnh về tòa soạn nếu như tin, bài ấy nóng sốt cần gửi về nhanh. Trường Sa đã thành thước đo cho lòng kiên nhẫn của các nhà báo nếu anh có việc phải gửi một thông điệp nào đó về tòa soạn hoặc cho bạn bè qua mạng internet từ các đảo ở Trường Sa. Vì vậy, đi Trường Sa, theo kinh nghiệm của bản thân tôi, tốt nhất là bạn nên chụp nhiều ảnh (trừ chụp ảnh súng đạn và lô cốt trên đảo), quan sát từ ông thầy chùa ngồi thiền đến cây ... riềng và lá mơ mà bộ đội ở các đảo chìm trồng để ăn với thịt chó. Đó là những tư liệu mà không dễ gì bạn có được nếu chỉ đi Trường Sa một lần “cho biết”. Hình ảnh (quay phim càng tốt) đó sẽ gợi cho nhà báo “nhớ lại” những gì mình đã trải qua nếu như bạn muốn viết về Trường Sa ở một khía cạnh nào đó.
Sau một tháng trở về đất liền mà giai điệu “không xa đâu Trường Sa ơi” vẫn cứ lởn vởn bên tai. Hai ngày hai đêm mới tới hòn đảo đầu tiên, “gần lắm” thế nào được. Nhưng đã là nhà báo thì nên đi một chuyến.
Trần Đăng
>> Tọa đàm “Nhà báo phải biết tự bảo vệ”
>> “Nhà báo phải biết tự bảo vệ”
>> Báo Thanh Niên đoạt giải nhì cuộc thi “Vào bếp cùng nhà báo”
>> Vụ lâm tặc uy hiếp nhà báo ở Gia Lai: Số gỗ chưa đủ để khởi tố vụ án?
>> Nhà báo của hơn 20 cuộc chiến
Bình luận (0)