Tối 16.3 tại Hội Nhà báo TP.HCM, chào mừng Hội Báo toàn quốc 2024 và kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Hội Nhà báo VN (21.4.1950 – 21.4.2024), 99 năm ngày Báo chí Cách mạng VN (21.6.1925 – 21.6.2024), Bảo tàng Báo chí VN phối hợp với Hội Nhà báo TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ ra mắt tác phẩm mới Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - cuộc đời và cây bút của nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành).
Buổi ra giới thiệu tác phẩm mới có sự tham gia của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh: Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Nội, TP.HCM... cùng các đồng nghiệp, văn nghệ sĩ: nhà văn Bích Ngân, Võ Thu Hương, các nhạc sĩ: Phạm Đăng Khương, Quỳnh Hợp, Quỳnh Lệ, nhà báo Nam Bình, Hoài Hương...
Phát biểu chúc mừng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá cao những đóng góp của ông Huỳnh Dũng Nhân đối với sự nghiệp báo chí Việt Nam. "Anh Nhân hay than phiền bị bà xã rầy la nhưng tôi biết chị là người bạn đồng hành thật tuyệt vời, thông cảm sẻ chia với anh rất nhiều trong công việc. Thông qua mạng xã hội, tôi biết mẹ tôi cũng hay động viên, khích lệ anh nhiều trong sáng tác. Tôi cũng rất cảm động cùng mẹ tôi được anh cho xuất hiện vài câu trong tác phẩm mới này", ông Lê Quốc Minh tâm sự.
Nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (1955) là một cây bút khá nổi tiếng của báo chí nước nhà. Tên ông được ghi trong Wikipedia. Ông là cây phóng sự nổi bật của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Vào những năm 1990 -2010 nhiều bạn đọc đi tìm mua báo Lao Động (nơi ông công tác) để được đọc các phóng sự của ông.
Cuốn sách gồm các thể loại (mỗi thể loại 10 bài): phóng sự, thơ, nhạc, họa, ảnh, tản mạn, truyện ngắn, như "kể chuyện" về 70 năm cuộc đời tận hiến cho văn, báo, thi, họa... của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Năm 2015 nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghỉ hưu, song ông vẫn tiếp tục viết, giảng dạy, vẫn tiếp tục cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Cách đây 3 năm ông bị tai biến song đã kiên trì tập luyện, chiến thắng bệnh tật, tập vẽ tranh cổ động và tranh chân dung, tổ chức 3 cuộc triển lãm tranh tại hai bảo tàng ở Hà Nội. Nếu hai lần đi xuyên Việt nổi tiếng của ông trước đây bằng xe máy thì trong khi đang còn bị tai biến, ông đã thực hiện hành trình thứ ba để đi 45 tỉnh thành thăm lại những địa danh và bạn bè, cùng hồi tưởng về những kỷ niệm đặc biệt với cuộc đời cầm bút của mình.
Chia vui với nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi lễ mắt sách Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - cuộc đời và cây bút còn có những tâm sự của các đồng nghiệp thân thiết như: nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong...
"Cây phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân cũng tiến hành trao tặng sách mới cho Hội Nhà báo các tỉnh đã từng gắn bó trên những chặng đường đi và viết của ông. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trân trọng tặng bức chân dung Bác Hồ đọc báo Nhân Dân tận tay Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Vài nét về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Sinh năm 1955. Quê cha: Bến Tre. Quê mẹ: Kiên Giang. Nơi sinh: Thanh Hóa. Lớn lên tại Hà Nội .
Sau 1975 sống và làm việc tại TP.HCM. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyên Ủy viên BCH - Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - Tổng biên tập tạp chí Nghề báo; Giảng viên Báo chí Đại học KHXH và NV TP.HCM và Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
Truyện thiếu nhi: Nối dây cho diều - Những vòng sóng - Kỷ niệm ngày sinh (viết chung); Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn - Lãng mạn cùng cá sấu.
Tập phóng sự: Ăn Tết trong rừng chó sói; Ký sự Xuyên Việt - Tôi đi bán tôi -Những người đi trong gió - Kính thưa Ô Sin -Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng (in chung với Đỗ Doãn Hoàng )
Truyện ngắn : Ba hồi chuông; Ký ức tình (bút danh Kỳ Lâm )
Tản văn: Giọt lệ trên trời; Sao băng
Thơ: Dã quỳ tím; Tự tình với Facebook; Ký ức chao nghiêng; Bỗng lại hờn lại nhớ; Riêng một góc nhìn; Một chút riêng tư; Ngoảnh lại thương yêu; Trường ca Tôi.
Biên soạn: Du lịch Hải Phòng
Hồi ký: Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020); Nguyễn Trọng Trúc - bóng bàn, một đời tôi đam mê (Huỳnh Dũng Nhân chấp bút)
Hồi ký: Huỳnh Dũng Nhân - 40 năm đi, yêu và viết
Giáo trình: Phóng sự - từ giảng đường đến trang viết; Để viết phóng sự thành công
Phóng sự Kính thưa ô sin đã được dựng thành kịch và phim và Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút (2024)
Bình luận (0)