Nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên vừa nhận giải thưởng ‘Nobel xanh’ là ai?”

16/06/2021 19:03 GMT+7

Nguyễn Văn Thái là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam có tên trong danh sách nhận Goldman Environmental Prize 2021, giải thưởng được ví như Nobel xanh của thế giới .

Hôm nay, 16.6, cuộc họp báo chính thức công bố về giải thưởng Goldman và chúc mừng anh Nguyễn Văn Thái, nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng "Nobel xanh" diễn ra tại Hà Nội. Trong bối cảnh dịch Covid-19, buổi họp báo được phát sóng trực tuyến để lan tỏa rộng hơn thông tin tới công chúng.
Anh Nguyễn Văn Thái, 39 tuổi, trú huyện Nho Quan, Ninh Bình, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam Save Vietnam’s Wildlife và là Phó Chủ tịch Hội chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới.
Anh là 1 trong 6 người trên thế giới vinh dự nhận giải thưởng này và là đại diện duy nhất đến từ châu Á. Đặc biệt, anh là nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên và người Việt Nam thứ hai nhận giải trong lịch sử hơn 30 năm của giải thưởng Goldman. Người Việt Nam đầu tiên nhận giải là chị Ngụy Thị Khanh, Giám đốc của GreenID, vào năm 2018.

Anh Thái đam mê công tác bảo tồn động vật

Ảnh Save Vietnam’s wildlife

"Tôi muốn nhắc đến những đồng nghiệp của tôi"

Trong buổi họp báo về giải thưởng tại Hà Nội ngày 16.6 , anh Nguyễn Văn Thái nói: “Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào vì là người Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực bảo tồn được nhận giải thưởng này. Đây không chỉ là giải thưởng được trao riêng cho tôi, mà còn là cố gắng của cả tập thể, nhiều người đã đồng hành với tôi, những người làm công tác bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam”.
“Tôi rất xúc động vì được nhận giải thưởng danh giá này. Tôi cũng rất bất ngờ, vì cách xét giải hay đề cử đều rất bí mật, tôi không hề biết gì cho tới ngày tôi nhận được điện thoại là mình được trao giải”, anh Thái bộc bạch.
Anh Thái cho biết, trong giây phút này, anh thật sự cảm kích và muốn nhắc đến 64 đồng nghiệp, nhân viên của trung tâm đã ngày đêm đồng hành cùng anh.

Anh Thái cứu hộ tê tê

Ảnh Save Vietnam’s wildlife

“64 nhân viên làm việc rất vất vả, bản thân tôi vẫn đang làm và chứng kiến các bạn ấy ngày đêm cứu hộ đồng vật, hỗ trợ các trung tâm cứu hộ khắp cả nước. Không chỉ tham gia cứu hộ động vật, các bạn còn tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Có những chuyến đi rừng 7-10 ngày mà những ngày cuối cùng thì đồ ăn mang theo đã mốc hết, không còn gì ăn. Các bạn luôn đóng góp thầm lặng…”, anh Thái nói.

Truyền cảm hứng cho nhiều người yêu thiên nhiên hơn

Theo người bảo tồn Việt Nam đầu tiên vừa nhận được giải “Nobel xanh”, anh rất vui, khi quá trình mọi người cùng tiến hành khảo sát, phỏng vấn trực tiếp người dân, để Save Vietnam’s Wildlife có những phản biện, đóng góp chính sách, để công tác bảo tồn ở Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa.  
“Việc nhận được giải thưởng Goldman không chỉ là vinh dự, mà còn truyền cảm hứng để nhiều người Việt Nam hơn cùng yêu thiên nhiên, yêu động vậy hoang dã, yêu sự nghiệp bảo vệ rừng. Bởi tôi hiểu rằng, việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã không chỉ cần một cá nhân nào đóng góp mà còn cần sự chung sức của cả cộng đồng”, chàng trai quê Ninh Bình bày tỏ.
Anh Thái là kỹ sư ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường ĐH Lâm nghiệp và tốt nghiệp thạc sĩ quản lý môi trường, ĐH quốc gia Úc. Anh thành lập trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam Save Vietnam’s Wildlife vào năm 2014.

Anh Thái có nhiều sáng kiến trong bảo tồn tê tê

Ảnh Save Vietnam’s Wildlife

Theo trang web chính thức về giải thưởng Goldman, từ năm 2014 đến năm 2020, trung tâm của anh Thái đã cứu hộ 1.540 cá thể tê tê từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Anh Thái cũng thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ rừng đầu tiên tại Việt Nam, trên cơ sở đồng quản lý giữa tổ chức Phi lợi nhuận và cơ quan nhà nước.
Từ tháng 6.2018 - 12.2020, kết hợp với Kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát, nhóm chuyên trách bảo vệ rừng đã tịch thu và gỡ bỏ 9.701 bẫy thú, tháo dỡ và thiêu hủy 775 lán trại đóng bất hợp pháp, tịch thu 78 khẩu súng và bắt giữ 558 kẻ săn trộm, làm giảm đáng kể các hoạt động săn bắt và vào rừng trái phép tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Dùng máy bay không người lái giám sát tê tê

Để bảo tồn tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới bất chấp lệnh cấm buôn bán quốc tế, anh Thái đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giáo dục bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Bình và thành lập Trung tâm phục hồi chức năng cho tê tê châu Á đầu tiên của Việt Nam.
Save Vietnam’s Wildlife là tổ chức đầu tiên trên thế giới triển khai giám sát số lượng tê tê được thả bằng công nghệ máy bay không người lái. Ngoài ra, anh Thái đã mở rộng phạm vi hoạt động của trung tâm cứu hộ để cứu thêm các loài thú ăn thịt, linh trưởng và rùa.
Trang web chính thức của giải thưởng Goldman viết về anh Thái: “Nguyễn Văn Thái cũng đã nghiên cứu các chiến lược bảo tồn toàn cầu và làm việc với cơ quan quản lý Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species, CITES) vào năm 2016 để để đưa 8 loài tê tê từ Phụ lục II lên Phụ Lục I thuộc Công ước…Từ năm 2014 đến năm 2020, các báo cáo từ Save Vietnam’s Wildlife cho thấy các hoạt động săn trộm và vào rừng bất hợp pháp tại vườn quốc gia Pù Mát đã giảm 80% kể từ khi nhóm chuyên trách bảo vệ rừng được thành lập và đi vào hoạt động…”.
Giải thưởng tôn vinh các cá nhân hoạt động về môi trường
Giải thưởng Goldman Environmental Prize được sáng lập năm 1990, bởi Richard N.Goldman và phu nhân.
Thông tin từ trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - Save Vietnam’s Wildlife cho biết, đây là giải thưởng tôn vinh các cá nhân hoạt động về môi trường ở cấp cơ sở, đến từ 6 khu vực địa lý trên thế giới: châu Phi, châu Á, châu Âu, các quần đảo và quốc đảo, Bắc Mỹ và Nam - Trung Mỹ.
Đây được ví như giải "Nobel xanh" bởi sự cạnh tranh gắt gao. Mỗi năm, giải thưởng chỉ trao cho 6 cá nhân xuất sắc nhất, phản ánh tác động mạnh mẽ mà một người có thể làm với nhiều người, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất. Tính đến nay, giải thưởng đã trao cho hơn 200 cá nhân, đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.