(TNO) Mỹ Sơn là một xã được xếp vào dạng nghèo của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tuy nhiên mấy hôm nay bỗng nhiên thu hút rất nhiều nhà báo từ khắp các tỉnh thành cả nước...
>> Cả xã của Công Phượng đều làm khai sinh lại
>> Công Phượng: 'Nghe cũng hơi mắc cười
>> Bùi Văn Phúc: 'Tôi chẳng biết và chẳng nói gì về tuổi tác của Công Phượng
>> Bùi Văn Phúc gởi đơn yêu cầu báo Thể thao 24h cải chính
|
Tiếp chúng tôi, Chủ tịch xã Mỹ Sơn Đặng Văn Tú nói: “Chỉ trong 3 ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật, chúng tôi đã tiếp hơn 10 đoàn phóng viên từ khắp mọi nơi về đây để hỏi vấn đề tuổi tác của Công Phượng”.
Theo ông Tú, ngày chủ nhật cán bộ xã được nghỉ làm việc, nhưng cứ có phóng viên đến, ông liền đôn đốc cán bộ của địa phương mình tiếp đón và sẵn sàng trưng ra các giấy tờ liên quan đến Công Phượng mà các phóng viên muốn tìm hiểu.
Ông Tú bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho phóng viên bất cứ giấy tờ nào liên quan đến Công Phượng khi được đề nghị. Nhưng nói thật tôi cũng không hiểu vì sao có phóng viên đã được tiếp cận với đầy đủ giấy tờ bản gốc rõ ràng, nhưng lại cố tình viết sai.
Theo quy định pháp luật, bản gốc giấy khai sinh là giấy tờ quan trọng, xác thật nhất đối với mỗi công dân, chúng tôi vẫn còn lưu bản gốc giấy khai sinh Công Phượng năm 1995, chừng đó đã đủ chứng tỏ tuổi thật của Công Phượng, bởi giấy khai sinh này không thể làm giả, vậy mà tôi lên mạng đọc báo vẫn thấy có nhiều bài báo viết Công Phượng gian lận tuổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Công Phượng mà ảnh hưởng đến uy tín của địa phương chúng tôi khi bị quy chụp là khai gian tuổi cho Công Phượng”.
|
Không chỉ ông chủ tịch xã, người dân nơi đây cũng hiếu kỳ và tỏ thái độ khó chịu khi thấy những chiếc taxi chở cánh phóng viên ngược xuôi từ trụ sở xã, đến nhà Công Phượng, ra Trường Mầm non Mỹ Sơn (Tiểu học cũ), hay ngược xuôi đến nhà người này người kia để xác minh.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hòa ở xóm 3 nói: “Chúng tôi cũng chỉ mong báo chí và cơ quan chức năng làm rõ trắng đen, chứ cứ lập lờ, người này nói thế này, người kia nói thế kia, ảnh hưởng đến thằng Phượng sợ rằng hắn không còn đá bóng hay nữa.
Tụi tui đều biết anh em nhà thằng Phượng hồi nhỏ, thằng Khoa anh Công Phượng đã mất sinh cùng năm 1993 với em tôi, chẳng lẽ, Công Phượng cũng được sinh ra cùng năm 1993, nên những nghi ngờ thật vô lý”.
|
Chở chúng tôi từ Vinh về Đô Lương, anh Tân - tài xế taxi nói: “Hôm trước tôi cũng chở hai anh phóng viên về nhà Công Phượng, rồi ra xã Mỹ Sơn, tôi cũng nghe họ bàn tán về cách điều tra tuổi thật của Công Phượng. Tôi cũng là người mê bóng đá, nên cũng thấy điều này thật khó hiểu.
Giả dụ như gia đình Công Phượng vì đi khai sinh muộn hoặc vì muốn con mình cứng cáp rồi mới đi học nên khai sinh trễ hai năm thì có ảnh hưởng chi mô hè. Miễn sao Công Phượng đá bóng giỏi, cống hiến cho bóng đá Việt Nam, cư xử đúng mực, sống đàng hoàng, thì cậu ta sinh năm mô, ngày mô đâu có quan trọng gì, đâu có ảnh hưởng đến ai”.
Tạm quên chuyện tuổi tác của Công Phượng, về Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, có một thực tế chúng tôi ghi nhận được là đam mê bóng đá của các cậu bé nơi đây tăng lên cấp số nhân kể từ lúc Công Phượng nổi tiếng.
|
Nếu trước đây toàn xã chỉ có một sân bóng thì bây giờ, mỗi thôn đều có một sân bóng để các em sau thời gian học hành, chăn trâu có thể quần thảo với quả bóng tròn và ước mơ được đá bóng hay như anh Công Phượng. Các ngày lễ lớn, xã đều tổ chức giải bóng đá liên thôn rất sôi nổi với sự tham gia cổ vũ của mọi người.
Ông Nguyễn Công Năm - bác của Công Phượng nói: “Là ngôi sao được kỳ vọng của bóng đá Việt Nam, nhưng mỗi lần có dịp được về quê, thằng Phượng vẫn luôn xỏ giày ra sân để đá bóng cùng bạn bè, hắn vẫn là thằng Phượng của ngày xưa nên mọi người rất yêu quý”.
Sơn Tùng - Quang Huy
Bình luận (0)