Nhà báo vẽ về nghề… không nghỉ hưu

04/03/2022 06:22 GMT+7

Cây bút phóng sự Huỳnh Dũng Nhân vẫn tiếp tục lao động sau cơn đột quỵ đã khiến ông bị liệt nửa người trái. Ông nói nghề báo mà ông theo đuổi bao năm là một nghề không nghỉ hưu.

Tựa giường vẽ bạn

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tóc dài bạc trắng, mặc chiếc áo đỏ đến dự triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo của cây phóng sự Huỳnh Dũng Nhân tại Bảo tàng Báo chí, Hà Nội. “Tôi chơi chiếc áo đỏ giữa mùa đông giá rét để tương ứng với năng lượng sống của bạn tôi”, ông Nguyên nói. Các tác phẩm trong triển lãm khai mạc ngày 3.3 này của ông Nhân gồm những tác phẩm ông vẽ sau khi bị đột quỵ, liệt nửa người bên trái. Ông Nhân cũng là một trong những giám khảo của cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ sau cơn đột quỵ 3 tháng ông đã không thể tự ngồi dậy được. Nhưng 3 tháng tiếp theo, khi có thể dựa lưng để ngồi, dù rất mỏi, ông bắt đầu hoạt động tay phải nhiều hơn. Rồi ông vẽ. “Lúc đầu tôi ngồi dựa rồi vẽ. Khi khỏe hơn tôi ngồi hẳn vào bàn rồi vẽ, vẽ trên giấy A4”, ông Nhân kể. Những bức vẽ của ông đều là vẽ bạn bè đồng nghiệp, phần lớn bằng trí nhớ, bằng những tình cảm lâu nay ông dành cho họ.

Những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm

T.N

Những ngày vẽ sau lần đột quỵ đó, cũng là những ngày Covid-19 đang hoành hành. Vì vậy, họa phẩm đơn giản nhất là giấy A4 có khi cũng thiếu. “Tôi ở nhà thậm chí còn không có giấy A4, cách ly không đi đâu được mà mua. Tôi vẽ cả mặt sau của tranh con gái, cứ con gái vẽ xong tôi lấy mặt trái tranh vẽ tiếp. Mấy học trò làm báo biết vậy tiếp tế màu, tiếp tế giấy chứ giãn cách có lúc tôi không còn tờ giấy nào”, ông Nhân kể giọng hào hứng.

Trong số các chân dung ông Nhân vẽ, có tới 4 chân dung nhà báo của Báo Thanh Niên. Ông cho biết: “Riêng kỷ niệm với Báo Thanh Niên là thế này, ở đây tôi có vẽ Ngọc Toàn, Lê Diệu Hiền, Trần Đăng rồi Lê Công Sơn. Đấy đều là những người có kỷ niệm. Lê Diệu Hiền là học trò tôi ở Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Ngọc Toàn là sinh viên lớp ở miền Trung, Quy Nhơn. Ngọc Toàn là người giỏi đấy, cũng siêng lắm. Tôi nhớ bài thi anh Toàn được 9 điểm. Trần Đăng từng là đồng nghiệp ở Báo Lao Động. Vẽ 3 người này vì là tình cảm nhiều nhất. Học cùng, làm cùng, có nhiều việc làm cùng trong nghề báo. Ngọc Toàn là một trong những người học trò cũ rất tình nghĩa. Học xong và lúc nào cũng nhớ thầy. Lê Công Sơn lại là người đưa tin hoạt động của nhà báo rất nhiệt tình, dù thế hệ nhà báo khác mình”.

Bên cạnh chân dung, một số bức cổ động chống dịch của ông Nhân cũng được trưng bày tại triển lãm. Vì là tranh cổ động chống dịch, có thể thấy chất thời sự mạnh mẽ ở đó. Ông Nhân vẽ TP.HCM đón bộ đội chống dịch, với những hàng quân kèm khẩu hiệu “Thắng dịch mới về”, cùng hình ảnh người dân chào đón họ. Chất thời sự đòi hỏi ông phải vẽ nhanh, lao động “ép” sức hơn. Đặc biệt, nhà thiết kế Minh Hạnh đã sử dụng những bức cổ động này để in lên áo dài. Những chiếc áo dài vì thế mà trở nên thú vị, ý nghĩa.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi giao lưu về triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo

Lương Duy Tiến

“… Sợi tóc cũng không bao giờ chịu nằm”

Cũng tại buổi khai mạc triển lãm Nhà báo vẽ nhà báo, tập thơ Một chút riêng tư (NXB Hội Nhà văn) của Huỳnh Dũng Nhân được giới thiệu. Trong đó, có những bài thơ ông sáng tác trong dịch, kèm theo các chân dung nhà báo ông vẽ. “Bạn tôi có cái may là tuy tai biến nhưng nội lực cơ thể tốt, đầu óc vẫn tốt. Tập thơ đọc rất xúc động vì những lời gan ruột. Tôi thích nhất bài thơ lục bát về việc hôm nay vợ dặn thế này, thế này…”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. Tác phẩm ông Nguyên nhắc đến là bài Hôm nay vợ đi vắng với những câu: “Mùa dịch vợ ra khỏi nhà/Dặn dò như thể sắp xa cả đời/Cách ly đã mấy tháng trời/Bên nhau ngó mặt riết rồi thành quen…”. Nhịp điệu lục bát khiến cho bài thơ trở nên dễ quen thân. Thêm vào đó, sự yêu thương, mong mỏi gần nhau trong mùa dịch của một người từng trải cũng khiến tác phẩm có phong vị đặc biệt.

Ông Nhân chia sẻ: “Mình chỉ hy vọng qua cuộc này (triển lãm và ra mắt sách - PV) để nói rằng nghề báo của chúng ta là nghề không nghỉ hưu. Lúc nào cũng làm việc này việc kia nên cảm giác lúc nào cũng thanh niên là vì vậy. Dù bệnh thì cũng vẫn thế, viết, vẽ. Điều này rất đúng với tinh thần của người làm báo”.

NSND Nguyễn Hà Bắc, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, đã vẽ một bức chân dung ông Huỳnh Dũng Nhân để mang tặng nhân khai mạc triển lãm, cũng là ngày sinh nhật 68 tuổi của ông Nhân. Là anh em thân thiết, ông Hà Bắc dõi theo mọi cột mốc cuộc đời của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong đó có cả những ngày đột quỵ rồi đứng dậy từ giường bệnh để vẽ. Ông Bắc nói: “Tôi nhìn nhận anh Nhân là người bất khuất. Vì thế, tôi vẽ tóc anh ấy dựng ngược lên. Một người mà đến sợi tóc cũng không bao giờ chịu nằm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.