Làm báo là không được phép đưa lại những thông tin cũ mà báo mình (hoặc báo bạn) đã đưa. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho tôi biết rằng nhà báo cũng có thể nhắc lại thông tin cũ với điều kiện thông tin ấy xuất hiện thêm những tình tiết mới. Nhà báo đưa là đưa tình tiết mới này.
Cái mới, cái lạ trở thành “tiêu chí” không riêng gì trong lĩnh vực báo chí mà còn là bản chất sáng tạo của các hoạt động văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, thi ca văn chương, múa, sân khấu, điện ảnh và nhiếp ảnh, hội hoạ, kiến trúc.
Muốn có một ca khúc mới, người nhạc sĩ không thể lặp lại giai điệu của chính mình hay của nhạc sĩ khác, không thể lặp lại ca từ đã có của chính mình hoặc của nhạc sĩ khác dù là chỉ một câu - trừ trường hợp trích dẫn (như ta trích dẫn trong phê bình, nhận định văn chương). Suy rộng ra, tất cả hoạt động văn hóa nghệ thuật là phải làm ra những sản phẩm tinh thần, trí tuệ mới mẻ.
Điều gì mới mẻ thì luôn luôn tạo ra sự hấp dẫn đối với người khác. Tuần lễ thời trang quốc tế diễn ra tại TPHCM hấp dẫn bởi đây là lần đầu tiên nhà thiết kế tạo ra những mode thời trang cho người phụ nữ… bụng bầu.
Sáng tạo ấy khiến các nhà thiết kế thời trang nước ngoài không tiếc lời khen ngợi. Bóng đá hấp dẫn bởi các đội có thể đá với nhau cả ngàn trận, trăm trận nhưng “kịch bản” thì không trận nào giống y như trận đã có trước.
Tình yêu hấp dẫn bởi lần yêu nào cũng có điều mới mẻ để người ta chiêm nghiệm, nhận ra chính mình và nhận ra đối tượng. Bữa ăn hấp dẫn ngon miệng bởi thức ăn được chế biến mới lạ. Cái mụt măng tươi thì có gì đáng để người ta quan tâm, ca ngợi.
Ấy vậy mà bạn đi về một miền quê, được ai đó cho ăn món gỏi măng tươi luộc thái nhỏ; trộn với mè, rau thơm, thịt ba rọi, tôm tươi… thì đó là một món mới, ngon miệng. Nghệ thuật nấu ăn bình dân tạo ra sự hấp dẫn lạ lùng đến nỗi khiến người ta có thể say đắm những thứ bình thường: “Lỡ lầm vì cá trích de/ Vì rau muống luộc vì mè trộn măng” (ca dao).
Mọi hoạt động của đời sống là nhằm tìm ra những điều mới mẻ nhằm hấp dẫn quần chúng. Yếu tố mới mẻ ấy không cần nhiều, không cần to tát nhưng phải là cái mới đúng nghĩa. Công nghệ chế tạo xe hơi, xe gắn máy cơ bản chỉ là một.
Thế nhưng mỗi lần ra một đời xe hay một dòng xe, người ta lại tạo ra một vài chi tiết mới: đèn tròn, đèn vuông, đèn chiếu hậu lên hay xuống, tem dán phía trước hay thân xe, kiếng chiếu hậu có thể xòe ra hay úp vào…
Công nghiệp chế tạo ti vi hay điện thoại di động cũng vậy. Chỉ cần một giao diện đẹp, một màu sơn, một cải tiến tốc độ truy cập nhanh hơn thì đã đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Những cải tiến mới mẻ như thế khiến người ta phải háo hức… xếp hàng, chờ mua được sản phẩm mới.
Ta có thể bảo thủ, dùng một cái điện thoại lâu đến 20 năm mà vẫn nghe, nói và nhắn tin được. Thế nhưng, ta không được phép cười những người xếp hàng trước siêu thị để chờ được mua một chiếc điện thoại thông minh mới ra đời. Họ yêu cái mới thì họ có quyền bán (hoặc đổi) cái cũ để mua phiên bản mới về sử dụng.
Hãy lấy tâm trạng của ta để “đo” tâm trạng của họ. Nhìn lên ti vi, thấy trận bóng đá có chữ “trực tiếp truyền hình” hay “live” thì chúng ta vẫn dán mắt vào xem. Nếu không thấy các chữ ấy thì dẫu trận bóng là cuộc đấu của hai đội khổng lồ đi nữa cũng có thể khiến ta không muốn coi, không chừng còn tắt ti vi mà đi ngủ. Đọc một tờ báo lúc 5 giờ sáng thì thú vị hơn rất nhiều so với chuyện đọc nó vào 12 giờ trưa.
Chính vì yêu thích cái mới nên người ta lại rất dị ứng với những hoạt động, những sản phẩm sáo mòn, công thức cũ rích. Tôi là người làm báo nên đầu óc lúc nào cũng phải vận động để tìm ra những đề tài mới.
Và do làm nghề báo nên tôi rất quan tâm những gì diễn ra hằng ngày xung quanh mình. Mở ti vi hay cầm lên một tờ báo mà thấy một bài diễn văn hay một lời tuyên bố vẫn đi theo chủ nghĩa công thức sáo mòn là tôi đã thất vọng, không muốn xem. Ấy bởi vì cách nói, cách viết những điều như vậy tôi đã nghe và đọc quen rồi, thậm chí có thể thuộc một số cụm từ; vậy thì xem và đọc mà làm gì nữa?
Đi dự một buổi trình diễn văn nghệ được thực hiện theo kiểu công thức sáo mòn là tôi ra về ngay. Ca khúc có thể rất xưa nhưng kiểu hòa âm, kiểu hát, kiểu múa minh họa, cách dàn dựng sân khấu thì phải mới. Cái tôi đi tìm là cái mới; không tìm ra cái mới thì thà về nhà nằm dài đọc sách… cũ!
Xã hội chúng ta thường nhận định trình độ văn hóa một người qua bằng cấp mà người ấy đạt được. Tiến sĩ là một học vị, một bằng cấp có giá trị cao. Thế nhưng, cách đào tạo tiến sĩ của một “lò đào tạo” mà 1,76 ngày có thể “xuất xưởng” một tiến sĩ thì phải khiến người ta lo ngại về chất lượng của nơi đào tạo và cái văn bằng tiến sĩ của người được đào tạo ấy.
Chưa nói gì đến chuyện sâu xa, chỉ một cách chọn đề tài để làm luận án tiến sĩ thì phải mới, phải lạ, phải là nội dung nghiên cứu chưa có ai làm. Đề tài luận án tiến sĩ gì mà phàm tục và thậm chí là ngô nghê như “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”? Đây là luận án tiến sĩ ngôn ngữ học, xã hội học hay phong tục học?
Muốn làm luận án tiến sĩ, người trình luận án nhất thiết phải giỏi một ngoại ngữ, bên cạnh đó phải biết thêm một ngoại ngữ thứ nhì và phải hiểu thêm một ngoại ngữ thứ ba là cổ ngữ như Latin hay Hán văn.
Tiếng Latin hay Hán văn là để giúp cho người ta cắt nghĩa về từ nguyên - nguồn gốc của chữ. Vừa qua, luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã bằng tiếng Anh” được công nhận nhưng những người hiểu biết tiếng Anh lại công khai nhận xét “Tiếng Anh quá dở”.
Trước hết, luận án này không mới. Chủ tịch xã có thể là người đã tốt nghiệp đại học chính quy, nghĩa là có thể học tiếng Anh 11 năm và học thêm tiếng Anh giao tiếp thì có thể giao tiếp với dân. Nhưng “dân” ở đây là dân nào?
Nếu giao tiếp với anh đi cày, chị đi cấy và người trong xã đến xin chứng nhận giấy tờ thì chủ tịch xã chỉ cần tiếng Việt là đủ. Nếu gặp người nước ngoài - mà chuyện này rất ít khi, thì chủ tịch xã mới nói tiếng Anh giao tiếp. Tôi không bi quan nhưng vẫn tin rằng rất ít chủ tịch xã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Vậy thì cái luận án trên chẳng có ích lợi gì cho khoa học, cho công tác hành chính.
Có một nhà khoa học nói một điều mà chúng ta cảm thấy thú vị, đó là “Có tiến sĩ nông nghiệp mà ra ruộng không phân biệt được cây cỏ lồng vực và cây lúa”. Trời ạ, dân tộc ta đã ngàn năm canh tác cây lúa, dân ta là dân ăn cơm mà có vị tiến sĩ không biết được cây lúa ra sao thì quả là tổn thương cho phẩm giá ngành nông nghiệp!
Nhưng vấn đề ở đây không phải là có người không nhận ra cây lúa với cây cỏ lồng vực. Vấn đề ở đây là chỗ lò đào tạo đã đào tạo như thế nào để có thể có một người được công nhận là tiến sĩ nông nghiệp mà kiến thức lại chết người như vậy.
Cái tư duy sáo mòn, không có gì mới trong việc đào tạo tiến sĩ cộng vào với sự thương mại hóa giáo dục sau đại học đã cho ra đời nhiều tiến - sĩ - không - phải - là - tiến - sĩ. Luận án họ nói chuyện đâu đâu, không có một công trình nghiên cứu nào đem lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước.
Xót xa nhất là tình trạng họ bợ chỗ này một chút, mượn nơi kia một ít, lâu lâu viết một bài trên báo quốc tế để bị các nhà khoa học quốc tế gọi thẳng thừng là đạo văn. Tiến sĩ gì mà không viết ra được một bài báo mới, cứ đi đạo văn mà không biết mắc cỡ?
Bình luận (0)