img
Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 1.

Anh là "cha đẻ" của nhiều bộ phim đề tài cảnh sát hình sự rất ăn khách như Độc đạo, Biệt dược đen, Mật lệnh hoa sữa…Vì sao anh lại chọn biên kịch nội dung cho một dòng phim "nóng" và khó hơn so với các thể loại khác?

Tôi mê hình sự, trinh thám từ bé, lớn lên cùng Conan và Kindaichi, chìm đắm trong Sherlock Holmes, rồi lại kinh qua các tác phẩm đông tây kim cổ thuộc thể loại này. Viết nội dung hình sự cho phim truyền hình cũng không phải là tôi chọn. Trong lúc sự nghiệp của tôi còn nhiều trắc trở thì cuộc gọi của biên tập viên Trung tâm phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC) đặt hàng một phim hình sự. Sau đó thì như một vòng lặp, ai cũng biết tôi viết hình sự.

Để có chất liệu biên kịch cho dòng phim phản ánh những vấn đề nóng hổi trong đời sống xã hội, chắc chắn không thể chỉ dùng trải nghiệm của bản thân?

Thật ra tôi không tiếp xúc nhiều với giới tội phạm hay công an. Nhưng cái gì mình thích thì sẽ tìm hiểu về nó thôi. Thời bây giờ, chúng ta có nhiều kênh để tiếp xúc với cuộc sống lắm. Chỉ cần một lệnh tìm kiếm, có thể tìm được bất cứ dữ liệu gì. Tất nhiên, thứ chúng ta tìm thấy thường chỉ là thông tin ở mức độ bề mặt. Tôi phải tự bổ sung bằng các nguồn thực tế khác nhau, trong quá trình thực hiện các tác phẩm của mình. Chẳng hạn như làm quen với các anh cảnh sát hình sự, nghe các anh kể chuyện đánh án. Hoặc tìm một vị nào đó từng sa cơ lỡ bước, hỏi han về những thứ liên quan đến giới tội phạm. Tuy chậm nhưng tôi hay các tác giả hình sự khác cũng cứ phải dần dần bù đắp, không thể ngồi một góc mà tán suông được.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 2.

Viết dòng phim này thường không thể thiếu nội dung về giới tội phạm với những góc khuất phức tạp mà người bình thường ít "cập nhật". Vậy để hiểu về tâm lý tội phạm ở tận cùng và sự đen tối của nó, anh phải làm thế nào?

Thú thực tôi cũng không đủ tự tin để đi quá sâu vào nội tâm của những tội phạm đen tối nhất, nên phải dùng những cách khác để bù đắp như các lý giải mang tính vĩ mô hơn, các trải nghiệm và chiêm nghiệm ở góc nhìn tổng quát, ở quy mô xã hội, quy mô quốc tế, thông qua các nghiên cứu về triết học và xã hội học của mình.

Chẳng hạn như khi miêu tả về một gã tội phạm vì tiền mà làm chuyện ác, tôi sẽ lý giải động cơ của đối tượng theo góc nhìn khoa học. Đối tượng sẽ gây án để lấy tiền mua một cái điện thoại xịn chẳng hạn, vậy thì cái nhìn khoa học cho chúng ta biết rằng việc mua điện thoại xịn đó mang lại điều gì cho đối tượng? Tôi lại biết có người sẵn sàng bán thận để mua iPhone. Rõ ràng có sự liên quan ít nhiều giữa hai con người tưởng như chẳng liên quan đó. Thế thì mỗi chúng ta cũng có những liên quan tương tự, vì chúng ta cũng có những ham muốn, những bất mãn, đố kỵ, những yêu ghét tình thù. Dùng góc nhìn của một người bình thường để lý giải góc nhìn của tội phạm theo cách ấy, tuy không tuyệt đối chính xác, nhưng ít nhiều cũng có sự logic và hợp lý.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 3.

Phạm Đình Hải trong vai trò giảng viên, tư vấn biên kịch

Biên kịch phim đề tài cảnh sát hình sự, chắc chắn sẽ chạm đến "vùng cấm". Vậy để thoát khỏi "vùng cấm" đó, anh phải làm thế nào?

Tôi có một may mắn là "vùng cấm" do người khác áp đặt lại hay trùng với "vùng cấm" mà tôi tự đặt ra. Chẳng hạn như chuyện bạo lực, giang hồ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các bạn trẻ, chẳng cần ai cấm thì tôi cũng không cho phép những việc mình làm mang lại hệ lụy không tốt cho xã hội. Tôi luôn sẵn sàng làm việc gấp 10 lần, để nghĩ ra các tình tiết phá án vừa đảm bảo được tính giải trí, đảm bảo được cảm giác chân thật cho khán giả, nhưng lại không ảnh hưởng xấu đến ai. Nếu không làm được việc đó, tôi thà nghỉ viết dù với tôi, nghỉ viết cũng như chết vậy.

"Vùng cấm" thường rất "nóng" và trong phim phải có mới phản ánh đúng thực tế và hấp dẫn, thuyết phục người xem. Nếu biên kịch né thì khó đạt đến sự trọn vẹn trong nội dung?

Đúng là không viết về vùng cấm thì khó hấp dẫn, viết về vùng cấm lại gây hại nhiều hơn. Thế nên để trọn vẹn đôi đường, tôi cho rằng không có cách nào khác ngoài làm việc chăm chỉ hơn. Bất cứ cách tiếp cận dễ dãi nào, chủ quan nào, cũng đi ngược với đạo đức nghề nghiệp.

Thế nên thứ mà các tác giả ngày nay thiếu nhất chưa chắc là trải nghiệm, mà là cái tâm với nghề. Trải nghiệm chưa đủ có thể là do khách quan, nhưng thiếu cái tâm với nghề rõ ràng là không đổ cho ai được.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 4.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 5.

Nói đến Phạm Đình Hải, nhiều người cũng tò mò về vai trò biên kịch phim hoạt hình Việt. Vì sao anh lại thích làm khó mình ở dòng phim không "hot" lắm, ít được quan tâm?

Chỉ có trong hoạt hình, tôi mới thỏa sức cho sự tưởng tượng của mình phát triển đến cùng cực vì tôi mê dòng giả tưởng. Và theo kết quả phân tích thị trường của các đơn vị giải trí lớn, hoạt hình là dòng phim rất được chờ đợi. Sở dĩ chúng ta có cảm giác nó ít được quan tâm vì kinh phí làm phim hoạt hình lớn gấp nhiều lần phim có người đóng. Rất may, với sự phát triển của khoa học công nghệ, giá thành một bộ phim hoạt hình càng ngày càng nhẹ đi, có thể khiến những nhà làm phim Việt chạm tay tới.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 6.

Phạm Đình Hải trong buổi giới thiệu phim Độc đạo

Anh có khát vọng đưa phim hoạt hình Việt lên bản đồ thế giới và anh đang làm điều đó như thế nào?

Một tác phẩm hoạt hình của Mỹ có thể được cả thế giới chào đón, nhưng một tác phẩm của châu Âu đã khó khăn hơn rất nhiều. Chưa nói đến những vùng có "xếp hạng" thấp hơn như Đông Á, Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latin… Chúng tôi phải đối diện với hiện thực đó nên niềm khao khát mang văn hóa Việt ra ngoài vô cùng lớn thì cũng phải có những bước đi lý trí, khoa học và chính xác. Hoạt hình là một lối ra, khi ranh giới về mặt nhân chủng học được xóa nhòa.

Được biết anh tốt nghiệp Trường ĐH Xây dựng, từng làm xây dựng và có bệ đỡ là bố làm trong ngành, nhưng lại rẽ hướng trở thành nhà biên kịch, nghe chẳng liên quan gì nhỉ?

Tôi nhận ra rằng việc mình làm tốt nhất cũng đến từ viết lách. Nhưng lúc đấy tôi vẫn không dám theo nghề viết chuyên nghiệp, vì nghề ấy nghèo quá. Tôi cũng thử phát hành các tác phẩm của mình ở nhiều nền tảng khác nhau, xin đi viết đủ thứ để kiếm tiền, nhưng hiệu quả thấp đến mức tuyệt vọng. Rồi tôi đi làm xây dựng mấy năm, nghe nói có nghề gọi là nghề biên kịch, có thể dùng khả năng sáng tác để kiếm tiền khá ổn định. Thế là về nằm vắt tay lên trán để nghĩ. Nghĩ đến mấy tháng rồi bỗng nhiên tôi như "ngộ đạo" và quyết chọn nó.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 7.

Chỉ học một khóa đào tạo của nước ngoài về biên kịch rồi chọn nghề này trong suốt 15 năm với nhiều dấu ấn thành công. Nhưng chắc chắn con đường này không chỉ có hoa hồng?

Tôi học khóa biên kịch năm 2010. Ngày đầu tiên nhập học, tôi có đứng lên xin phép thầy cô cho tôi về sớm một chút, bởi vì ngày mai tôi lấy vợ, khiến cả lớp mắt tròn mắt dẹt. Sau đám cưới, tôi và vợ tôi quay lại Hà Nội, hai đứa sống bằng tiền lương 2,5 triệu đồng của vợ và một chút thu nhập rất nhỏ từ những việc khác của tôi. Đến năm 2011 thì tôi tốt nghiệp và vợ chồng có em bé. Suốt năm 2011 đó, tôi luôn tìm mọi cách để tìm kiếm công việc liên quan đến biên kịch. Kết quả là tôi viết 5 kịch bản tiểu phẩm, với giá 500.000 đồng/kịch bản, tổng cộng là 2,5 triệu. Đến năm sau thì con số tăng lên một chút, năm sau nữa lại tăng lên một chút nữa, nhưng trong tình cảnh hai vợ chồng phải nuôi một đứa trẻ ở thành phố thì vẫn cứ thiếu thốn. Đến tầm năm 2018 thì nghề biên kịch của tôi mới tạm gọi là đủ sống, và đến nay mới có thể coi là vững vàng.

Theo anh nói thì nghề biên kịch ở VN cũng dễ kiếm tiền?

Thời các bậc tiền bối, mỗi năm chỉ có vài phim điện ảnh nhà nước, sau đó có thêm mảng truyền hình nhưng cơ hội không dành cho tất cả. Đến thời tôi thì có thêm một số thể loại như sitcom, rồi các kênh phim - nhất là ở phía nam xuất hiện nhiều, nên ngành biên kịch có khởi sắc hơn. Ngoài Bắc thì vẫn chậm, chủ yếu vẫn trông vào mấy kênh truyền hình, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có VFC là làm nhiều phim. Điện ảnh nhà nước thì càng ngày càng ít, cơ hội cho người mới như tôi hầu như không có. Nhưng thời điểm hiện tại, sự bùng nổ của nội dung internet đã mang lại cơ hội cho những biên kịch mới vào nghề, thậm chí là những người chỉ có một chút kỹ năng viết cũng có thể sống tốt bằng nghề biên kịch, chưa cần đến năng khiếu đặc biệt hay đam mê cháy bỏng gì. Cơ hội trong những năm tới còn nhiều hơn nữa, yêu cầu chất lượng cũng cao hơn, và tất nhiên vì thế mà thu nhập cũng sẽ tốt hơn.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 8.

Thường khi một bộ phim lên sóng, người ta sẽ quan tâm đến diễn viên, đạo diễn; còn người viết kịch bản bị "ngó lơ" dù họ có vai trò rất quan trọng. Sự "ở ẩn" này có là thiệt thòi cho những người làm nghề?

Trong giới làm phim ở VN, vai trò của biên kịch vẫn rất thấp, nếu không muốn nói là thấp nhất. Ở các nước có nền truyền hình phát triển, vai trò của biên kịch truyền hình rất cao, thậm chí tôi có thể nói một cách không khoa trương là: Biên kịch là vua. Không có chuyện ý kiến của biên kịch bị xem nhẹ, không có chuyện biên kịch không bảo vệ được nội dung của mình. Nhưng ở ta thì chuyện đó còn khá xa, do ngành phim truyền hình của chúng ta vẫn ở mức sơ khai. Ở góc nhìn ngược lại, tôi cho rằng trình độ biên kịch của VN chưa xứng với vai trò người quan trọng nhất trong giới truyền hình.

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 9.

Trong xu thế mở như hiện nay, mạng xã hội phát triển thì mỗi khi một bộ phim lên sóng, nếu gây tranh cãi về nội dung thì người biên kịch cũng thường bị "réo tên", thậm chí bị chửi bới… Với anh, đây có phải là áp lực?

Áp lực quá ấy chứ, nhưng dần dần thì cũng phải dày mặt ra thôi (cười). Đến thời điểm này, tôi không buồn về những bàn tán trên mạng, điều khiến tôi buồn hơn là việc thói quen đổ lỗi cho biên kịch từ chính những người trong nghề. Cũng không phải vì người ta ghét bỏ gì biên kịch, mà vì biên kịch là khâu đầu tiên nên mỗi chữ chúng tôi viết ra đều ảnh hưởng đến tất cả các khâu sau. Trong quy trình sản xuất phim, biên kịch lại thường là người kết thúc công việc trước khi các bộ phận khác bắt đầu tham gia, và trong một tập thể đang cố gắng nỗ lực, chịu đủ thứ khó khăn bực bội, họ cần một nơi để xả.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà biên kịch Phạm Đình Hải: Không viết về 'vùng cấm' thì khó hấp dẫn- Ảnh 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.