Nhà chưa có sổ đỏ, đăng ký thường trú được không?

05/02/2025 09:36 GMT+7

Gia đình đang sinh sống tại căn nhà chưa được cấp sổ đỏ, nếu muốn đăng ký thường trú thì có được không, thủ tục gồm những gì?

Mới đây, một công dân ở H.Củ Chi (TP.HCM) phản ánh tới Bộ Công an về việc gia đình đang sinh sống tại căn nhà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ hồng hoặc sổ đỏ).

Người này hỏi rằng, nếu gia đình muốn đăng ký thường trú thì có được không, cần những thủ tục gì?

Nhà chưa có sổ đỏ, đăng ký thường trú được không?- Ảnh 1.

Theo quy định, sổ đỏ là một trong các loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú

ẢNH: T.N

Chưa có sổ đỏ vẫn có thể đăng ký thường trú

Trả lời nội dung trên, Bộ Công an dẫn quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 154/2024. Nghị định này quy định 12 loại giấy tờ, tài liệu có giá trị chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú.

Có thể kể đến như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng/sổ đỏ); giấy phép xây dựng nhà ở; hợp đồng mua bán nhà ở; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở sử dụng ổn định, không có tranh chấp; hợp đồng, văn bản về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được công chứng hoặc chứng thực…

Như vậy, ngoài sổ đỏ (hay còn gọi là sổ hồng) còn có nhiều loại giấy tờ, tài liệu khác chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, theo Bộ Công an.

Trường hợp nhà chưa có sổ đỏ, người dân vẫn có thể đăng ký thường trú nếu có một trong các loại giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 154/2024.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết ngoài việc quy định chi tiết các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, Nghị định 154/2024 còn có điểm mới khi ưu tiên việc khai thác thông tin về chỗ ở hợp pháp trong cơ sở dữ liệu để giải quyết đăng ký cư trú thay vì yêu cầu công dân xuất trình.

Theo đó, khi công dân nộp hồ sơ đăng ký cư trú và cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua VNeID hoặc cơ sở dữ liệu có liên quan.

Trường hợp không khai thác được thông tin, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi cơ quan đăng ký cư trú có yêu cầu.

Đăng ký thường trú gồm những thủ tục gì?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, điều 22 luật Cư trú quy định cụ thể về thủ tục đăng ký thường trú.

Theo đó, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.