“Sáng tạo” thuật ngữ làm khổ dân
Anh Phi (ngụ Q.Tân Bình) có khu đất rộng hơn 1.300 m2 ở Q.Tân Bình, mới đây lên gặp lãnh đạo quận để làm thủ tục xin tách thửa thì được trả lời khu này là đất hỗn hợp, không thể chuyển mục đích sử dụng đất cũng như tách thửa đất. Lãnh đạo quận còn cho biết, khu đất của anh chỉ có 30% diện tích là đất ở, phần còn lại là các loại đất khác. Quá bất ngờ, anh Phi lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) để hỏi rõ thì cũng được trả lời đó là đất hỗn hợp, trong đó có khoảng 30% diện tích là đất ở. Muốn tách thửa phải được UBND Q.Tân Bình đề xuất lên Sở QH-KT, Sở đồng ý rồi trình UBND TP phê duyệt. Nhưng để được Sở QH-KT đồng ý thì khu đất phải nằm trong quy hoạch cho làm nhà ở, còn ngược lại thì “bó tay”. Vẫn không chịu, anh Phi lên Sở Tài nguyên - Môi trường hỏi thì lại được trả lời, đất của anh có 60% là đất ở. "Mỗi nơi trả lời một kiểu và với các trả lời này, khu đất của tôi bị dính quy hoạch treo, trong khi trên khu đất đó đang tồn tại một căn nhà và một gara xe, xung quanh đều là nhà dân, thậm chí còn có mấy chung cư", anh Phi nói.
Anh Phúc, có khu đất hơn 5.000 m2 ở H.Bình Chánh bị nằm trong quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới, bức xúc cho biết trong sổ đỏ của khu đất chỉ có ghi 100 m2 là đất thổ cư, phần còn lại là đất thổ vườn, không hề có khái niệm đất dân cư xây dựng mới. Nhưng khi anh định chuyển nhượng khu đất, lên UBND huyện xem quy hoạch mới tá hỏa vì đất có thêm chức năng là đất dân cư xây dựng mới. Trong khi tại H.Bình Chánh, đất dân cư xây dựng mới không được làm bất cứ điều gì từ chuyển mục đích, tách thửa, xây dựng... Thế là việc chuyển nhượng của anh Phúc bị ngưng lại.
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản, trong hệ thống luật chỉ có đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp, chứ không có đất hỗn hợp hay đất dân cư xây dựng mới. Đây là một dạng quy hoạch treo, khiến người dân không thể xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa. Việc "sáng tạo" ra các thuật ngữ mới đã làm khổ người dân.
Sẽ sửa quy định
Khi chúng tôi đặt vấn đề này với ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP, ông Liên cũng hoàn toàn bất ngờ, chưa nghe đến thuật ngữ này bao giờ và khẳng định, thực tế tại TP.HCM có nhiều khu đất nằm trong quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới. Điều này đã làm hạn chế một phần quyền lợi của người dân khi có những quận, huyện cho tách sổ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng cũng có nhiều quận huyện không cho.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, TP đang sửa đổi Quyết định 33 về tách thửa, theo đó lần này sẽ gỡ vướng cho đất nông thôn xây dựng mới, đất hỗn hợp theo hướng sẽ được tách thửa. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Quyết định 33 đang trình lãnh đạo UBND TP xem xét thông qua. Nếu sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, đồng thời cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố thì người sử dụng đất được tách thửa theo quy định. Trường hợp theo quy hoạch 1/2.000, thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất hỗn hợp và không có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì UBND quận, huyện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định. Trường hợp sau 5 năm mà không điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất được tách thửa theo quy định.
Theo ông Thắng, trong các dự thảo lần trước, Sở đề xuất chỉ có thửa đất ở thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu, khu dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới hoặc khu dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới thì mới được tách thửa. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện đề nghị trường hợp đất ở thuộc quy hoạch xây dựng mới, đất ở hỗn hợp cũng được giải quyết cho tách thửa để không ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Bởi hiện nay nhiều khu được xem là khu dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp nhưng thực tế đã là khu dân cư hiện hữu, nhà cửa và hạ tầng đầy đủ. Vì vậy, nếu không cho tách thửa sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho người dân.
Bình luận (0)