Phiên giao dịch ngày 8.6 vừa khép cửa chiều nay. Chỉ số Vn-Index đã có một pha giảm điểm rất mạnh (mất gần 39 điểm, tương đương 2,86%). Hàng loạt các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua, đặc biệt nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép giảm sàn la liệt.
Ở nhóm ngân hàng giảm sàn có: Sacombank (STB), LienVietPostBank (LPB), Maritime Bank (MSB)… Nhóm dầu khí để lại nhiều tang thương cho nhà đầu tư hơn khi biên dao động rộng, giá lao dốc không phanh. Cá biệt như Oil của PV Oil mất 11,3%; BSR mất 10,2%; PVO mất 10,1%; PVS của PTSC giảm sàn, mất 10% giá; PVB của Bọc ống dầu khí; PVC của PVChem hay PVD của PV Drilling cũng không thoát khỏi thảm cảnh giá sàn.
Ngành thép vốn mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư thời gian qua, nay cũng rơi tự do. HSG của Hoa Sen giảm sàn mất 7%, HPG của Hoà Phát nhẹ hơn nhưng cũng "bay" hơn 7%.
Thị trường rơi mạnh, nhiều mã giảm sàn cũng là điều dễ hiểu, bởi trong suốt 7 tuần vừa qua, Vn-Index đã tăng liên tiếp không ngừng nghỉ. Đáng nói, tình trạng margin (cho vay) tại nhiều công ty chứng khoán đã căng cứng. Số liệu từ Uỷ ban chứng khoán cho thấy, con số tuyệt đối lên tới 112.000 tỉ đồng. Lãnh đạo Uỷ ban cũng đã cảnh báo rủi ro có thể xảy ra khi giá cổ phiếu tăng nóng.
Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư ức chế không phải do thị trường điều chỉnh, thua lỗ, mà do hệ thống giao dịch trên HoSE. Tình trạng đơ, giật... đã nói suốt trong mấy tháng qua nhưng không hề được cải thiện. Kể từ đầu tháng 6 trở lại đây càng diễn ra trầm trọng hơn.
Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày hôm nay, suốt cả buổi sáng, điểm số và khối lượng giao dịch đứng im gần như không nhúc nhích. Giá cổ phiếu thì nhảy nhót loạn xạ, không biết ở mức nào để đặt mua – đặt bán. “Chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là nhắm mắt bán. Cứ đặt giá thị trường khớp được ở đâu thì khớp, chấp nhận thua lỗ để chạy thoát ra được khỏi thảm hoạ này”, anh Tuấn, một nhà đầu tư cho biết.
Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, HoSE đề nghị các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa lệnh. Điều này càng gây phẫn nộ nơi các nhà đầu tư: “Luật chứng khoán quy định được phép sửa, huỷ lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục. Nay viện lý do sợ nghẽn mà không cho nhà đầu tư sửa, huỷ là vi phạm pháp luật”, cakeo1981, một thành viên của diễn đàn chứng khoán f319.com, bức xúc.
|
Đề nghị lãnh đạo HoSE từ chức
Làn sóng phẫn nộ của các nhà đầu tư đang lan rộn, nóng rực khắp nơi. Rất nhiều diễn đàn đã lập ra các topic đề nghị HoSE ngừng giao dịch, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo Uỷban chứng khoán, HoSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích thoả đáng.
“Nếu không quản nổi thì cho ngừng giao dịch vài hôm đến vài tuần để khắc phục. Xong rồi thì hoạt động tiếp, làm ăn kiểu chộp giật như này vừa mất uy tín vừa mất hình ảnh chứng khoán VIệt Nam quá. Trong vụ này, lãnh đạo yếu kém phải quy trách nhiệm và cho nghỉ để làm gương”, chị Mai, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, đề nghị.
Trước đó, vào phiên giao dịch ngày 2.6, HoSE đã phải đóng cửa giao dịch buổi chiều vì quá tải, báo động hệ thống. Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, cho biết hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020. Trong những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỉ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn.
Về hệ thống mới, vẫn theo ông Trà, HoSE đang tích cực phối hợp với FPT để có thể bàn giao hệ thống cho HoSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành.
Song, cách giải thích và thông tin này không thể làm nguội được cái đầu nóng của các nhà đầu tư. Hàng loạt các nhà đầu tư đề nghị ông Lê Hải Trà từ chức do để tình trạng này diễn ra quá lâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam, gián tiếp gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Bình luận (0)