Nhà đầu tư Hàn Quốc tham vọng chuyển đổi VinCommerce thành một Amazon khác

06/06/2021 16:30 GMT+7

Một bài báo trên Neikkei Asia ngày 5.6 cho rằng, tập đoàn tư nhân lớn hàng thứ 3 ở Hàn Quốc - SK Group - đang "đặt cược lớn" vào thị trường tiêu dùng 100 triệu dân Việt, sẽ chuyển đổi VinCommerce thành một Amazon khác.

Theo bài báo, tuy bị tụt hậu từ lâu trong việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài so với các đối thủ Samsung và Hyundai, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đang thực hiện một bước đi táo bạo vào thị trường Việt Nam với nỗ lực sẽ bắt kịp bằng cách khai thác sự giàu có của người tiêu dùng trẻ Việt.
SK đã mua cổ phần lớn tại hai tập đoàn kinh doanh Việt Nam, một trong số đó là chuỗi siêu thị VinMart.
Cửa hàng VinMart nằm trong một khu chung cư lớn là biểu tượng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các siêu thị tại Việt Nam. Bài báo cho rằng, khoảng 5 năm trước, các địa điểm mua sắm chính của Việt Nam vẫn là các khu chợ ngoài trời truyền thống. Tuy nhiên, các siêu thị hiện đại đang nhanh chóng mọc lên.
Tháng 4 vừa qua, SK đã đầu tư 410 triệu USD vào VinMart, VinCommerce, để nắm 16,3% cổ phần của công ty. Kế đó, SK đã bổ nhiệm các thành viên vào hội đồng quản trị của VinCommerce và hai bên đang xem xét hợp tác kinh doanh.
Theo Neikkei, VinCommerce, nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, điều hành mạng lưới khoảng 2.300 siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Song vì chiến lược mở rộng đã phản tác dụng, công ty đã thua lỗ lớn. “VinCommerce vẫn vận hành một số lượng lớn các cửa hàng thua lỗ, khiến nhiều người trong ngành tin rằng việc hồi sinh sẽ rất khó khăn. Nhưng dù sao thì SK cũng đã đầu tư”, bài báo nhận xét.
SK hiện là tập đoàn tư nhân lớn thứ ba tại Hàn Quốc, hoạt động kinh doanh mảng hóa dầu và viễn thông tại thị trường nội địa trong khi những tập đoàn đồng hương là Samsung Electronics và Hyundai Motor đã thành danh trên trường quốc tế.
Kazuhiro Momomoto, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản nhận xét, so với các tập đoàn lớn khác, SK đang chậm trễ trong việc mở rộng ra nước ngoài, chẳng hạn như ở Việt Nam và nay họ đã đầu tư mạnh để tạo dựng chỗ đứng tại Việt Nam.
Năm 2018, tập đoàn này đã chi 470 triệu USD để mua cổ phần của công ty mẹ hiện tại của VinCommerce, tập đoàn thực phẩm Masan Group. Năm 2019, SK đầu tư 1 tỉ USD vào Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, nắm 6,1% cổ phần. Vingroup đã chuyển giao phần lớn quyền sở hữu VinCommerce cho Masan trong một thương vụ được công bố vào tháng 12.2019.
Thông qua những khoản đầu tư đó, SK có kế hoạch xây dựng một mạng lưới phân phối và bán hàng từ thượng đến hạ nguồn tại Việt Nam. Trước đó, SK đã ký hợp đồng vốn với Amazon.com và theo bài báo, nhà đầu tư đến từ xứ kim chi đang tìm cách biến VinCommerce thành một “nhà điều hành đa kênh” như Amazon (Mỹ) hoặc Alibaba Group Holding của Trung Quốc, đưa công ty Việt Nam nhanh chóng đạt được lợi nhuận nhờ vào lợi thế dân số 100 triệu người với độ tuổi trung bình là 31, người tiêu dùng trẻ rất ham chi tiêu.
Bài báo này cũng nhận định lợi thế cho SK là nhờ có một số tập đoàn tư nhân Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam trước đó như Lotte, CJ, LG, Samsung - doanh nghiệp đang nắm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.