Nhà đầu tư Mỹ GE 'rót' 1 tỉ USD vào nhiệt điện khí Long Sơn

22/11/2020 16:03 GMT+7

Nhân chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đến Việt Nam, hai bên đã ký kết thêm dự án nhiệt điện khí Long Sơn. Đây là dự án nhiệt điện khí thứ 4 liên tiếp của Việt Nam có nhà đầu tư Mỹ tham gia.

Doanh nghiệp Mỹ ký kết dự án nhiệt điện khí thứ 4 ở Việt Nam trong 1 tháng quá

Ngày 22.11, cũng là ngày cuối cùng trong chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã gửi đến truyền thông một số thông tin về chuyến thăm.
Theo Đại sứ quán Mỹ, mục đích chuyến thăm không chỉ gói gọn trong  kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, mà còn là để đề cao những nỗ lực chung của hai nước trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông O’Brien và Chủ tịch Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ Kimberly Reed đã chứng kiến lễ ký kết dự án điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) giữa các đại diện của General Electric (GE), GENCO3, Tổng công ty Thái Bình Dương, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2), Mitsubishi và Tập đoàn TTC.
Trong dự án này, GE sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư, với tổng giá trị tham gia là 1 tỉ USD. "Dự án sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế", theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ.

Ông O'Brien chứng kiến lễ ký kết dự án nhiệt điện Long Sơn

Ảnh ĐSQ Mỹ

Như vậy, đây là dự án điện khí thứ 4 có doanh nghiệp Mỹ tham gia tại Việt Nam, và đều là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Cụ thể, trước đây gần 1 tháng, hôm 28.10, Việt Nam và Mỹ cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ của 3 dự án điện khí lớn, 1 dự án kho cảng LNG.
Đó là thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Mỹ trị giá hơn 3 tỉ USD
Dự án có công suất 3.200 MW, được cho là “giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh”. Mục đích của việc ký kết là sử dụng các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trị giá 3 tỉ USD từ Bechtel, General Electric và McDermott, sử dụng công nghệ và kỹ thuật tốt nhất của Mỹ.
Đây là dự án sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ hai là dự án khí hóa lỏng Long An với công suất 3.000 MW, do VinaCapital hợp tác với GE cung ứng các tua bin khí và các thiết bị và dịch vụ liên quan.
Dự án điện khí từ khí hoá lỏng này là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam Việt Nam, có tầm quan trọng chiến lược vì sẽ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.
Thứ ba là biên bản ghi nhớ giữa ExxonMobil, UBND TP.Hải Phòng và Công ty phát điện Nhật Bản JERA để hợp tác phát triển một dự án điện khí tại Hải Phòng.
Thứ tư là thỏa thuận liên doanh giữa Tập đoàn AES và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) nhằm phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với giá trị khoảng 1,4 tỉ USD.
Kho cảng LNG Sơn Mỹ được đặt tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 450 TBtu, có chức năng cung cấp khí cho các nhà máy điện khí mới xây dựng với công suất khoảng 4.500 MW cũng như các nhà máy điện khí khác đang hoạt động và các khách hàng công nghiệp.
Tính chung, các nhà máy điện với công suất 2,2 gigawatt (chưa kể dự án Long Sơn) và kho cảng sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam.

Mỹ xử lý điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam

Điểm lại các hoạt động trong chuyến thăm, Đại sứ quán Mỹ cho biết, ông O’Brien đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch

Ảnh ĐSQ Mỹ

Trong các cuộc gặp này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần vào an ninh quốc tế và tôn trọng thượng tôn pháp luật.
Ông O’Brien cũng ghi nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết. Ông gửi lời chia buồn với Việt Nam về tình hình lũ lụt xảy ra gần đây tại miền Trung Việt Nam, khẳng định với các lãnh đạo Việt Nam rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, thể hiện qua việc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam 2,34 triệu USD nhằm ứng phó với những thiên tai này.
Ông O’Brien hoan nghênh việc Việt Nam trao trả tự do cho công dân Mỹ Michael Nguyễn vì lý do nhân đạo. Ông cũng thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về dự định tổ chức một cơ chế đối thoại mới giữa Mỹ và Việt Nam về thực thi pháp luật quốc tế.
Trong thời gian tại Hà Nội, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien đã công bố việc USAID đóng góp thêm 20 triệu USD vào dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) là nơi lưu giữ và xử lý chất da cam chính trong thời kỳ chiến tranh và là điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Tuyên bố này đưa tổng giá trị tài trợ cho dự án Biên Hòa của USAID cho đến nay lên hơn 110 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.