Nhà đầu tư nhấp nhổm vì giá vàng

17/04/2021 07:10 GMT+7

Giá vàng tăng trong 2 ngày gần đây khiến nhiều nhà đầu tư nhấp nhổm. Thế nhưng theo các chuyên gia, dữ liệu sắp tới chưa đủ để các nhà đầu tư chốt lời hay thoát lỗ.

Vàng tăng giá, người mua vẫn lỗ

Nhìn bảng giá vàng không mấy dịch chuyển, chị Hồng Anh (Q.3, TP.HCM) bực mình cho hay vào giữa tháng 3, giá vàng thế giới giảm (1.730 USD/ounce - PV) nên đã mua 5 lượng vàng với mức 55,6 triệu đồng/lượng. Nay đang cần tiền mua đất nên chị phải bán với giá 55,08 triệu đồng/lượng, lỗ tổng cộng 2,6 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Cũng trong khoảng thời gian này, vàng thế giới đã tăng 38 USD/ounce. Người mua lỗ còn người hưởng lợi khi vàng thế giới tăng giá là giới kinh doanh vàng nguyên liệu. Chỉ trong vòng 3 ngày, giá vàng nguyên liệu “bóng phân”, “bóng đẹp” tăng 1 triệu đồng/lượng, giá mua vào lên 51,59 - 51,69 triệu đồng/lượng và bán ra lên 51,71 - 51,81 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC ngày 16.4 tăng 150.000 đồng/lượng, Eximbank mua vào 55,17 triệu đồng/lượng và bán ra 55,37 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 55,08 triệu đồng/lượng và bán ra 55,45 triệu đồng/lượng... Vàng SJC tăng chậm không theo kịp đà thế giới đã giúp thu ngắn mức cao hơn xuống còn 5,9 triệu đồng/lượng thay vì 7 triệu đồng/lượng hồi tháng 3. Kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng mạnh thêm 30 USD/ounce (tương ứng 840.000 đồng/lượng), lên 1.777 USD/ounce. So với cuối tháng 3, vàng thế giới đã tăng 80 USD/ounce nhưng SJC chỉ tăng 470.000 đồng/lượng.
Vàng tăng nhanh khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,56%. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy sự phục hồi vững chắc đã dấy lên lo ngại lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga cũng đã xúc tác cho đà tăng giá của vàng. Cụ thể, Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga dựa trên thông tin cho thấy rằng nước này “đã can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ” cũng như số lượng các vụ tấn công mạng ngày càng tăng và các “hoạt động xấu” khác. Trong đó, Nhà Trắng ban hành lệnh hành pháp về phong tỏa tài sản liên quan đến “các hoạt động đối ngoại có hại cụ thể” của chính phủ Liên bang Nga.

Các quỹ đầu tư bán 200 tấn vàng

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WCG), các quỹ ETF vàng ở Bắc Mỹ và châu Âu đã chứng kiến dòng chảy bán ra gần 200 tấn trong quý đầu tiên năm 2021. Lượng vàng nắm giữ giảm khoảng 10%, tương đương với đà giảm giá trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, mức giá thấp hơn đã cho phép nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia vào thị trường, hỗ trợ lâu dài hơn cho kim loại quý. 
Lệnh hành pháp trừng phạt Nga bằng các biện pháp tài chính, bao gồm lệnh cấm các tổ chức tài chính Mỹ tham gia vào thị trường sơ cấp đối với đồng rúp cũng như trái phiếu mệnh giá không phải rúp. Đồng thời, việc chính quyền Mỹ thể hiện sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn và sâu rộng đối với Nga cũng đang hỗ trợ vàng tiếp tục gia tăng.

Thanh khoản thấp

Đánh giá đà tăng của vàng lần này, đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay vàng phục hồi nhưng chưa thể tăng mạnh hơn, chỉ có thể tiến lên mức quanh 1.800 USD/ounce là cao nhất. Nguyên nhân là các kênh đầu tư khác trên thị trường quốc tế đang hút vốn như tiền kỹ thuật số, chứng khoán, trong khi các nhà đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư đã bán vàng liên tục. Lạm phát, một yếu tố được xem là hỗ trợ vàng tăng giá, cũng không thể có tác động lớn. Mới đây, Mỹ công bố chỉ số lạm phát tăng 2,6% trong tháng 3 nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ông Jerome Powell cho rằng vẫn trong vòng kiểm soát.

Vàng tăng chưa vững

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), xu hướng vàng hiện nay đang rất khó nhận định. “Sóng” cao nhất lần này nếu đạt được sẽ đụng mức cản tâm lý 1.800 USD/ounce. Thế nhưng vàng sẽ tăng giảm lên xuống, “chạy” theo tin như chỉ số CPI của Mỹ tăng, vắc xin dịch Covid-19 trục trặc trong bối cảnh dịch lại bùng và không kiểm soát được ở một số nước... Nhưng những yếu tố hỗ trợ này vẫn chưa bền vững nên việc nhận định vàng tăng rất khó. Thị trường vàng đang theo dõi và quan sát trước những thông tin căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Yếu tố này có thể sẽ hỗ trợ vàng tăng mạnh, phản ứng “khủng” khiến hơn mức tăng 20 - 30 USD/ounce.
Đặc biệt, dòng vốn đã bị các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hút mạnh nên sự quan tâm đến vàng không được như năm trước. Trong đó, thị trường chứng khoán đang hút rất mạnh sự quan tâm của giới đầu tư, đi đâu cũng nghe bàn luận. Khi nhu cầu vàng trên thị trường yếu, giá vàng miếng SJC có cơ hội rút ngắn khoảng cách cao hơn giá thế giới. Do giá vàng nguyên liệu, vàng nhẫn và nữ trang 4 số 9 biến động lên xuống khá nhịp nhàng so với giá thế giới nên những người có nhu cầu đầu tư cũng chọn sản phẩm này. 
Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng thời gian qua có hiện tượng xuống chậm mà lên nhanh nhưng trong đợt tăng giá lần này, giá vàng miếng SJC lại “khựng”, không tăng theo giá thế giới. Người dân mua vàng trước đây ở mức giá cao nên khi giá xuống mức 54 - 55 triệu đồng/lượng có xu hướng mua vào nhiều hơn bán ra. Đến khi giá tăng như mấy hôm nay, thị trường cũng không ai bán ra. Thanh khoản thị trường vàng hiện đang rất thấp, dòng tiền chuyển dịch vào chứng khoán, bất động sản do thanh khoản tốt hơn. Giá vàng miếng SJC hiện nay phụ thuộc vào cung cầu nên dù thế giới có tăng giảm nhiều đi nữa mà trong nước ít giao dịch, giá cũng “chậm rì”. Trong năm 2020, vàng thăng hoa nên thị trường sôi động, còn từ đầu năm đến nay, giá vàng trái ngược đi xuống làm kim loại quý càng mất thanh khoản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.