Nhà đầu tư rút vốn cổ phần hóa khỏi Hãng phim truyện Việt Nam

20/09/2018 19:45 GMT+7

Ngoài việc để Tổng Công ty vận tải thủy rút vốn trước thời hạn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam .

Ngày 20.9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”. Đây là cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hãng phim truyện Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2014, đến năm 2017 trở thành Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, do Tổng Công ty vận tải thủy (VIVASO) nắm quyền chi phối.
Thanh tra Chính phủ cho biết, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt còn tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để Công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo luật Đấu thầu 2013 về chỉ định thầu được hướng dẫn thực hiện tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền quy định tại điều 107, điều 111 luật Đất đai năm 2003 và điều 170, điều 175 luật Đất đai năm 2013.
Trong quá trình quản lý sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra (30.10.2017), Hãng cũng chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất đối với 2 cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung (riêng phần diện tích nhà Thủy phi cơ đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý); chậm nộp tiền thuê đất đến thời điểm 30.9.2017 số tiền hơn 21,7 tỉ đồng. Đến ngày 10.10.2017, Hãng phim truyện Việt Nam đã nộp số tiền thuê đất tại 3 cơ sở nhà, đất số tiền hơn 14 tỉ đồng.
Tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất, trong đó, bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208 m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 30.12.2015, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch ban hành Quyết định số 4654/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, trong đó chưa phê duyệt phương án sử dụng đất.
Phương án sử dụng đất được thực hiện sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần khi chưa có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất.
Đến thời điểm kiểm tra, Hãng phim truyện Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về sở hữu các cơ sở nhà, đất để làm căn cứ xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cũng theo kết luận thanh tra, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại Công ty còn chưa đúng quy định, dẫn đến xảy ra một số vi phạm như quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (TP Hà Nội) chưa chính xác; việc hạch toán khoản vay nợ dài dạn của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sao thế giới là không đúng.
Bên cạnh đó, số tiền lương trả thiếu cho người lao động và số tiền lương đã chi thanh toán cho người lao động không đi làm chưa được hạch toán; đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp.
Một số chi phí vượt so với chi phí được phê duyệt; hàng năm Công ty chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách hàng; việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng đã được Bộ Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim...
Từ các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Đồng thời, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các qui trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy - CTCP xin rút vốn trước thời hạn; chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo qui định và các đơn vị có liên quan thực hiện các qui trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng qui định của pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất của các đơn vị thuộc Bộ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.