(TNO) Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ theo dõi sát sao diễn tiến cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vào ngày 26.10 tới vì đây là dịp Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển kinh tế.
Người dân Trung Quốc dạo bước trong bầu trời mờ mịt khói mù ô nhiễm tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters |
Hãng tin CNBC (Mỹ) ngày 23.10 cho biết các quan chức cấp cao Trung Quốc đang chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể lần thứ 5 (Hội nghị Trung ương 5), kéo dài từ ngày 26 đến 29.10. Đây là một kỳ họp thường niên quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc để bàn về kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Nghị trình kỳ này được cho là sẽ tập trung vào báo cáo dài khoảng 100 trang về các đề xuất phát triển kinh tế chủ đạo cho khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020 của Trung Quốc.
Báo cáo này bao gồm cả các mục tiêu về tính hiệu quả, chẳng hạn như “xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải trước năm 2020”, lẫn các mục tiêu về kinh tế và môi trường.
CNBC nhận định nhà đầu tư toàn cầu sẽ rất quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình ở mức 6,5% trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 tại hội nghị lần này, tức thấp hơn so với mục tiêu 7% đã được đề ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và so với mục tiêu 7,5% trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11.
“Nếu mục tiêu tăng trưởng kỳ này được đặt ở mức 6,5%, điều đó có nghĩa chính phủ Trung Quốc sẽ chịu để kinh tế tăng trưởng chậm lại nhằm rộng chỗ cho cải tổ hệ thống. Trong trường hợp này, chúng tôi dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ bớt đưa ra các biện pháp kích cầu”, theo phân tích của tập đoàn tài chính Deutsche Bank (Đức).
“Còn nếu mục tiêu được thiết lập ở mức 7%, chúng tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phải duy trì tình trạng nới lỏng chính sách và tiếp tục cải cách”, Deutsche Bank bình luận.
Đây là kế hoạch 5 năm lần đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và nó được đưa ra trong bối cảnh kinh tế nước này được dự đoán sẽ suy yếu hơn nữa.
“Kế hoạch lần này thể hiện Trung Quốc sẽ hứng chịu một ‘cú hạ cánh khó khăn’ trong giai đoạn 2016-2020, bị trì trệ hay hồi phục nhờ các biện pháp cải cách lớn”, tập đoàn tài chính Barclays (Anh) nhận định.
“Do đó, tăng trưởng, tái cân bằng, cải tiến, tự do hóa và môi trường sẽ là các vấn đề chủ đạo trong kế hoạch 5 năm kỳ này”, Barclays dự đoán.
Bình luận (0)