Chiều 4.7, khoảng 30 người dân có mặt tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Hà Nội, đề nghị sớm được thi hành án trong vụ án liên quan đến Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Đây chỉ là số ít trong hơn 6.600 nhà đầu tư mua phải 9 lô trái phiếu riêng lẻ - được phát hành dựa trên các hành vi gian dối của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm.
Hồi tháng 3 vừa qua, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Đỗ Anh Dũng 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo còn phải bồi thường toàn bộ hơn 8.600 tỉ đồng cho các bị hại.
Sau sơ thẩm, ông Dũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ mở trong thời gian tới. Riêng phần trách nhiệm dân sự, hiện cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành bằng việc trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã bỏ ra để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Ông Nguyễn Huy Hoàng (trú tại Hà Nội), một trong số nhà đầu tư cho biết, tháng 10.2023, thời điểm vụ án Tân Hoàng Minh chưa được đưa ra xét xử, vợ chồng ông cùng nhiều bị hại đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan này khẳng định sẽ giải quyết khẩn trương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nhận lại tiền, sau khi có phán quyết của tòa.
Đến 20.5, gần 2 tháng kể từ thời điểm TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm, Cục THADS TP.Hà Nội bắt đầu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thi hành án của các nhà đầu tư.
"Lãnh đạo Cục THADS TP.Hà Nội thông báo rằng việc đối chiếu, trả tiền cho bị hại sẽ được thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", tức là ai đến trước làm trước. Thời gian nhận tiền không quá 15 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ", ông Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian 15 ngày rất lâu, vợ chồng ông Hoàng cùng nhiều nhà đầu tư khác vẫn "chưa nhận được tiền hoặc bất cứ một thông báo nào về việc khi nào sẽ nhận được tiền".
Cho rằng việc thi hành án chậm trễ, các nhà đầu tư đồng loạt làm đơn đề nghị được sớm thi hành án. Đây cũng chính là lý do họ đến Cục THADS TP.Hà Nội để trực tiếp nêu kiến nghị vào chiều 4.7.
Các bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Minh (trái) và hàng ngàn nhà đầu tư tại phiên tòa xét xử hồi tháng 3.2024
PHÚC BÌNH
Trả tiền "không theo một thứ tự nào"?
Theo bà Trương Thị Thúy Hằng (trú tại Hà Nội), vì quá "nóng ruột" với tiến độ thi hành án, các nhà đầu tư chia thành nhiều nhóm để cùng trao đổi thông tin, tìm kiếm giải pháp.
Nhóm của bà Hằng có gần 100 người, số tiền mỗi nhà đầu tư bỏ ra mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều vài tỉ đồng. Cập nhật tới thời điểm hiện tại, cả nhóm mới có hơn chục người được trả tiền, số còn lại đang mong ngóng từng ngày.
Đáng nói, không chỉ chậm thi hành, nội dung nữa khiến các nhà đầu tư bức xúc đó là việc thi hành "không theo một thứ tự nào"; người có số thứ tự nộp hồ sơ trước tới nay chưa thấy tiền đâu, nhưng có người số thứ tự sau thì tiền đã về tài khoản.
Bà Hằng dẫn chứng một cụ ông trong nhóm đã hơn 80 tuổi, đang phải nằm viện điều trị bệnh nặng, rất cần lấy lại tiền để trang trải viện phí. Cụ ông nộp hồ sơ đề nghị thi hành án hôm 20.5, tức là nhóm sớm nhất, với số thứ tự 20, nhưng đến nay vẫn phải "dài cổ" chờ tiền.
"Rất thông cảm với áp lực của cơ quan THADS, nhưng chúng tôi đề nghị quá trình thi hành án phải minh bạch, rõ ràng. Việc trả tiền cho nhà đầu tư cần đúng thời hạn và đúng thứ tự, không thể người nộp hồ sơ sau lại được nhận tiền trước người nộp hồ sơ sớm như vậy", bà Hằng nói.
Vẫn theo các nhà đầu tư, họ từng "như ngồi trên đống lửa" khi vụ án Tân Hoàng Minh bị khởi tố. Nhiều người không quên những ngày tháng phải đi "gõ cửa" khắp nơi vì lo sợ mất tài sản. Những tưởng sau khi bản án tuyên, họ sẽ sớm được nhận lại tiền, nhưng nay lại phải tiếp tục đội đơn đi kiến nghị.
"Vì sao đã quá 15 ngày mà chúng tôi chưa nhận được tiền. Vì sao việc thi hành án không thực hiện theo đúng thứ tự đã nộp hồ sơ?", bà Hằng cho biết đây là 2 câu hỏi mà bà cùng nhiều nhà đầu tư khác muốn có câu trả lời từ phía Cục THADS TP.Hà Nội.
Số lượng bị hại lớn nên cần nhiều thời gian
Tại phòng tiếp dân của Cục THADS TP.Hà Nội, chiều 4.7, ông Lê Văn Tập, một trong những chấp hành viên thụ lý thi hành án vụ Tân Hoàng Minh, cho biết cơ quan này đang tích cực thi hành bản án của TAND TP.Hà Nội.
Do số lượng bị hại rất lớn, lên tới hơn 6.600 người, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thi hành án, Cục THADS TP.Hà Nội ban hành quyết định thi hành án theo từng đợt. Trong đó có các đợt 24.5, 3.6 và 10.6.
Với đợt 24.5, đến thời điểm tiếp các nhà đầu tư, Cục THADS TP.Hà Nội đã trả được tiền cho khoảng 1.000 người. Dự kiến đợt 3.6 sẽ bắt đầu trả từ tuần tới, đợt 10.6 khoảng giữa tháng 7.2024…
Chia sẻ trước bức xúc của các nhà đầu tư, ông Tập cho biết, để thi hành phần án dân sự sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ rà soát, đối chiếu thông tin (nhân thân, số tiền được thi hành án, số tài khoản…), viết ủy nhiệm chi với từng người, chuyển cho kho bạc… Quy trình này đòi hỏi phải chặt chẽ, không có sai sót, nên cần nhiều thời gian.
Với số lượng bị hại lớn như đã đề cập, kể từ khi bắt đầu triển khai thi hành án vụ Tân Hoàng Minh, cán bộ Cục THADS TP.Hà Nội thường xuyên "đi sớm về muộn", làm việc hết công suất. Trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, các chấp hành viên sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công việc, hoàn thành việc trả tiền cho các nhà đầu tư theo đúng quy định.
Để nắm rõ hơn về tiến độ THADS vụ Tân Hoàng Minh, PV Báo Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Cục THADS TP.Hà Nội. Sau khi tiếp nhận phản ánh, đại diện cơ quan này cho biết sẽ sắp xếp và thông tin cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Lợi thế THADS không phải vụ án nào cũng có
Theo luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, với số lượng bị hại lên tới hơn 6.600 người, khối lượng công việc phải THADS trong vụ Tân Hoàng Minh là rất lớn, đồng nghĩa thời gian thi hành án cũng kéo dài tương ứng.
Tuy nhiên, đây cũng là vụ án có lợi thế THADS không phải vụ nào cũng có. Thông thường, việc THADS nếu gặp khó khăn sẽ nằm ở khâu rà soát, xác minh tính pháp lý của tài sản đảm bảo thi hành án. Còn vụ án Tân Hoàng Minh, tổng số tiền tạm giữ và các bị cáo nộp là hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục toàn bộ số tiền các bị hại đã bỏ ra mua trái phiếu.
Như vậy, tiền thi hành án đã có, đã nằm trong tài khoản, việc còn lại là thực hiện trả cho nhà đầu tư. Lợi thế này sẽ là cơ sở để cơ quan THADS sớm hoàn tất việc thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án.
Bình luận (0)