Nhà giáo cần chính sách đặc thù chứ không phải đặc quyền, đặc lợi

11/10/2024 05:40 GMT+7

Chính sách nào tương xứng với vị thế của nhà giáo một lần nữa lại "nóng" lên sau phản ứng về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Câu hỏi đang được đặt ra là làm thế nào để có chính sách đặc thù cho nhà giáo nhưng không phải là đặc quyền, đặc lợi?

THIẾU CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ NHÀ GIÁO

Đánh giá tác động chính sách trong dự án luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT chỉ ra hàng loạt bất cập liên quan đến chính sách đối với nhà giáo hiện nay. Theo Bộ GD-ĐT, giáo dục không được ưu tiên đầu tư thì việc tuyên ngôn về vị thế, vai trò của nhà giáo không trở thành hiện thực. Thực tiễn cho thấy hiện nay rất nhiều nhà giáo chưa được xã hội coi trọng nghề nghiệp nên còn xảy ra nhiều tình huống nhà giáo bị cản trở hoạt động nghề nghiệp.

Nhà giáo cần chính sách đặc thù chứ không phải đặc quyền, đặc lợi- Ảnh 1.

Khi xây dựng luật Nhà giáo, cần tính đến những chính sách mang tính phổ quát để nâng vị thế của nhà giáo

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng quy định hiện hành chỉ tập trung vào việc cấm nhà giáo thực hiện các hành vi trong hoạt động nghề nghiệp mà chưa có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà trường không được làm đối với nhà giáo. Thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.

Do đó, đã xảy ra tình trạng nhà giáo bị cản trở hoạt động giảng dạy, giáo dục, bị xúc phạm về danh dự, thậm chí bị xâm hại về thân thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý cũng như hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và ảnh hưởng tới tôn nghiêm của nghề nghiệp. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên (GV) né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh (HS), hạn chế trao đổi thông tin với gia đình HS...

Tôi không nghĩ rằng nhà giáo cần và xã hội cần phải cho nhà giáo những ưu đãi quá đặc biệt, đặc thù, bởi mỗi một ngành nghề đều có những khó khăn, vất vả riêng... Quan hệ giữa giáo viên với nhà trường, với phụ huynh cần có sự hài hòa, không nên thiên quá về một bên nào.


Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt (Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách)

Đánh giá của Bộ GD-ĐT nêu: "Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo còn chung chung, chưa thể hiện được đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa xác định rõ quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình giảng dạy, giáo dục phù hợp với vị thế, vai trò của nhà giáo, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng cường phân cấp theo quan điểm của Đảng, Nhà nước (ví dụ như việc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy...).

Quyền lợi của nhà giáo hiện nay còn tương đối hạn chế cả về thu nhập và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác. Mặc dù đây là nghề nghiệp có nhiều nét đặc thù, khác biệt rất nhiều so với các ngành nghề khác trong xã hội, nhưng chế độ, chính sách (mức phụ cấp) vẫn rất thấp và chưa tương xứng với cống hiến của nhà giáo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc của nhà giáo vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu công việc, cả về nơi ở, phòng làm việc, phòng nghỉ ngơi; nhất là đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa.

CẦN CÓ SỰ TÔN TRỌNG VÀ ĐỘC LẬP TRONG NGHỀ NGHIỆP

Chia sẻ với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, giảng viên chính bộ môn Chính sách công, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng nhà giáo rất cần những chính sách đặc thù, nhưng những đề xuất như miễn học phí cho con GV có thể khiến nhà giáo thay vì được đề cao như mong muốn của những người làm luật, thì lại bị hạ thấp vì những so sánh và bình luận ác ý.

Theo tiến sĩ Việt, khi xây dựng luật Nhà giáo, cần tính đến những chính sách mang tính phổ quát, làm sao để nâng vị thế của nhà giáo. Nếu không nhấn mạnh đến tính đặc thù nghề nghiệp, chỉ ký hợp đồng tuyển dụng và coi GV là người lao động như bình thường thì sẽ đi ngược với dự thảo mà luật Nhà giáo đang mong muốn là tôn vinh nhà giáo. Doanh nghiệp bên ngoài khi ký hợp đồng với người lao động thì sẽ phụ thuộc vào doanh thu, sự đánh giá của ông chủ doanh nghiệp; nhưng nhà giáo thì phải có tính độc lập tương đối.

"Hiện nay, kể cả GV phổ thông cũng như giảng viên ĐH, CĐ, tôi thấy cũng nhiều lời phàn nàn về việc họ phải làm những công việc và chịu những áp lực ngoài chuyên môn quá như các cuộc thi mang tính hình thức, phong trào để cạnh tranh về thành tích của nhà trường về tỷ lệ HS khá giỏi…", ông Việt nêu thực tế và chia sẻ: "Điều mà tôi quan tâm là nhà giáo được độc lập, tự chủ đến đâu trong lớp học của mình".

Nhà giáo cần chính sách đặc thù chứ không phải đặc quyền, đặc lợi- Ảnh 2.

Lương cho nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp ra sao để dù ở khối trường công hay tư thì nhà giáo cũng có thể đàm phán được với cơ sở giáo dục cho mức lương tương xứng của mình

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


GIÁO VIÊN CẦN THU NHẬP CHÍNH ĐÁNG

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: Hiện nay nhiều quan điểm cho rằng giáo dục là một ngành dịch vụ, trong đó nhà giáo là một người cung cấp dịch vụ; do đó vị thế, vai trò của nhà giáo không được đánh giá, coi trọng đúng, coi thường nghề giáo vì ngành nghề này không có thu nhập cao như nhiều ngành nghề khác. Do thu nhập chưa bảo đảm, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, nhiều nhà giáo phải làm thêm công việc khác, thậm chí nhiều nhà giáo phải chuyển việc nên nghề dạy học không được xã hội đánh giá cao, ngành sư phạm cũng không còn sức hút như các ngành nghề khác. Điều đó cũng thể hiện vị thế, vai trò của nhà giáo đang giảm sút trong xã hội, truyền thống "tôn sư trọng đạo" cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, "nghề cao cả" dần mất đi ý nghĩa.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, lương cho nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp ra sao để dù ở khối trường công hay trường tư thì nhà giáo cũng có thể đàm phán được với cơ sở giáo dục cho mức lương tương xứng của mình. Thu nhập đó phải là thu nhập tổng thể, trọn gói là tốt nhất. Tránh việc thu nhập của GV lại phụ thuộc vào việc GV ấy có tham gia vào nhiều các công việc ngoài chuyên môn hay không. Ví dụ, muốn nhà giáo có thu nhập cao hơn thì nhiều cơ sở giáo dục phải "vẽ voi" như: chăm sóc trẻ bán trú, giữ trẻ ngoài giờ, dạy thêm, dạy học các hoạt động giáo dục tự nguyện trong trường… dựa trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh để có thêm thu nhập.

"Tôi không nghĩ rằng nhà giáo cần và xã hội cần phải cho nhà giáo những ưu đãi quá đặc biệt, đặc thù, bởi mỗi một ngành nghề đều có những khó khăn, vất vả riêng. Điều mà GV mong muốn chắc chắn là họ có thu nhập chính đáng, đủ sống với công sức của mình; có sự độc lập tương đối trong nghề nghiệp, trong cơ sở giáo dục mà mình giảng dạy thì mới phát huy được chuyên môn, sở trường của mình. Quan hệ giữa GV với nhà trường, với phụ huynh cần có sự hài hòa, không nên thiên quá về một bên nào", tiến sĩ Việt nói.

Ban soạn thảo nói gì về đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo ?

Lý giải về việc bổ sung những chính sách mới vào dự thảo luật Nhà giáo, trong đó có việc miễn giảm học phí cho con GV, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), cho hay ban soạn thảo muốn nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng cần có chế độ đặc thù với nhà giáo nhưng "đặc quyền, đặc lợi" thì không nên, ông Đức nói: "Ban soạn thảo luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến của đội ngũ nhà giáo, cơ quan chức năng, dư luận xã hội. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện dự án luật Nhà giáo trong thời gian tới để đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo mặt bằng chung trong ngành nghề khác, tránh những bất hợp lý khi so nhà giáo với ngành nghề khác".

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho biết ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm cần đưa vào dự luật quy định về lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, đồng thời giữ một số phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác của nhà giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.