Nhà giáo hay làm thơ để dạy về thơ

19/11/2015 08:05 GMT+7

(TNO) Còn nhớ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, thầy giáo Trần Ngọc Tuấn (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM) đã làm bài thơ vui nói về thay đổi của thi cử.

(TNO) Còn nhớ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, thầy giáo Trần Ngọc Tuấn (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM) đã làm bài thơ vui nói về thay đổi của thi cử.

Trong đó có những câu như:
Ngày xưa tính toán nặng đầu
Ngày nay bấm máy ra câu trả lời!
Ngày xưa điện thoại không dùng
Ngày nay điện thoại... đùng đùng phạm quy!
Trong thực tế, thầy Tuấn rất thích làm thơ và thường viết thơ để chia sẻ, động viên học sinh về học hành, thi cử. Năm ngoái, lúc học sinh của lớp mình chủ nhiệm vùi đầu vào việc ôn tập cho kỳ thi quốc gia, để khích lệ, thầy Tuấn cũng đã đồng cảm với họ:
Ta đã có một thời đèn sách
Nợ công danh, cơm áo, mẹ thầy...
Em cũng có một thời đèn sách
Cho ta thèm đôi chút thơ ngây!

Thầy Tuấn (thứ hai, từ phải sang) cùng học sinh của mình - Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
Đặc biệt, trước lúc "đoàn quân" của mình chuẩn bị " vào "cuộc chiến", thầy Tuấn đã làm một bài văn trấn an tinh thần cho học sinh khá ấn tượng, được chia sẻ trên trang mạng cá nhân:

LỜI NHẮN NHỦ ANH EM BINH SĨ!
Hỡi anh em binh sĩ! Cuộc chiến sắp bắt đầu. Đây là trận đánh sinh tử sau cùng, quyết trả nợ cho công lao của mười hai năm đèn sách. Có thể "binh lực" của ta còn khiêm tốn, có thể "chiến địa" kia còn nhiều khó khăn, nhưng với một lòng quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng!
Hỡi anh em! Hào quang không thuộc về người thiếu chí, thành quả không dành cho kẻ nhát gan. Mà quá chủ quan, hoặc quá lo toan cũng khó bước lên bậc đài danh vọng...
Xét tình hình mà thấy: Nếu ngước nhìn lên thì mình chẳng hơn ai, mà cúi nhìn xuống kia còn khối kẻ thua mình. Huống chi đây là kỳ tỉ thí đổi mới lần đầu, lẽ nào Bộ lại đánh đố, mạo hiểm cho con trẻ! SGK đã học, tài liệu kia đã ôn, đề minh họa kia đã thông, và kỳ thi thử cũng vừa đọ sức...
Bởi thế cho nên, anh em không quá lo lắng mà hỏng việc. Đừng thức quá khuya để học ép, học dồn mà mụ mị thần tâm. Lấy nghỉ ngơi làm liều thuốc tinh thần, lấy lạc quan làm lời ca chiến thắng...
Thôi, trống hồi đã điểm, kèn xung trận sắp bắt đầu. Chén rượu mừng xin chờ ngày vinh danh, xướng bảng!
Trong công việc, để có niềm vui dạy văn, thầy Tuấn quan niệm rằng:
Vu vơ mấy chữ, mấy lời
Mà chiu chắt được niềm vui với nghề!
Vì thế, trước hoặc sau các tiết dạy về tác giả, các bài thơ, ông thường viết thơ để cảm nhận, bình phẩm về bài học ấy, rồi đọc và bình luận cho học sinh nghe.
Chẳng hạn, khi dạy xong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương, tác giả đã "xuất khẩu thành thi" một bài lục bát:
Tài cao phận thấp là đây
Tám lần ứng thí, trắng tay... tám lần!
Trách trời ăn ở bất cân
Thơ ngâm không hết, gạo lần chẳng ra
Một ca, một rượu, một trà,
Một ông ngất ngưởng... vai bà năng thêm!
Ngẫm đời còn một chữ duyên
Còn hai chữ nợ, còn phiền lụy nhau
Chút tình nhắn gửi mai sau
Đừng ăn ở bạc làm đau phận người!
...
Trạng nguyên, tiến sĩ đâu rồi
Tú tài còn được cho đời thẩm thơ!
Hai câu cuối, thầy Tuấn cho biết đã lấy ý của nhà thơ Xuân Diệu: "Ông nghè, ông thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một tú tài".
Hoặc như khi dạy đến tác giả Nguyễn Đình Chiểu, thầy cũng có nhận xét bằng thơ Đường luật:
Sáng mắt mà chi phụ đạo nhà,
Thà mù trung hiếu với ông cha.
Con thuyền chở đạo chưa đầy chuyến,
Ngọn bút trừ gian chẳng chịu tà.
Mến nghĩa, xả thân vì chí lớn,
Thù nhà, bất hiệp với lang sa.
Trời Nam sáng mãi tên Đồ Chiểu,
Một ánh sao ngời thế kỷ qua!
Thơ lục bát mộc mạc, dễ làm nhưng khó hay. Thầy Tuấn chọn thể thơ này là muốn dễ lưu vào trí nhớ cho học sinh. Chẳng hạn khi dạy đến tác giả Cao Bá Quát, thầy cũng đã có nhận xét sau:
Chữ rằng nhất đại tài hoa
Một đời bái tạ mai hoa, một đời...
Kiếp sau đâu chịu làm người
Làm cây thông đứng giữa trời đất reo!
Quan trường cám cảnh chiếu lều
Muội đèn chữa lỗi, án bêu nhục hình
Chọc trời khuấy nước động binh
Tru di tam tộc, án tình lụy dây!
Bóng người quân tử còn đây:
Huấn Cao lừng lẫy văn tài thiên lương!
...
Bể dâu, dâu bể khôn lường...
"Thần Siêu, Thánh Quát" văn chương mấy người!
Qua Cao Bá Quát mà thấy được Huấn Cao của Nguyễn Tuân, thấy được Nguyễn Du với anh hùng Từ Hải... Và rất mộc mạc của hồn thơ Nguyễn Bính:
Thôn Đoài còn nhớ thôn Đông
Cây đa bến nước còn mong người về
Cánh cò trắng mượt bờ đê
Van em nỡ phụ lời thề có may!
Sang ngang một chiếc đò đầy
Xót xa bát đĩa tháng ngày mồ côi
Trò chơi tiền lá mồng tơi
Sánh so sao được tiền đời hỡi em
...
Nếp nhà còn một vườn thơ
Hoa chanh vẫn nở giữa bờ chân quê!
Ở lớp 12 có nhiều bài thơ hay. Trong đó, học trò rất thích âm điệu bi tráng của bài Tây Tiến (Quang Dũng). Thầy Tuấn cũng đã lấy lại nhiều hình ảnh để sáng tạo nên bài thơ tặng học sinh mình trong bài Nhớ binh đoàn Tây Tiến:
Sông Mã còn đây Tây Tiến ơi
Mà sao da diết nhớ chơi vơi!
Đèo cao hằn dấu chân anh bước
Đất thấp còn bao xác lấp vùi!
Hà Thành giã biệt buổi ra đi
Hun hút lửa thù khói ngút nghi
Bỏ lại lưng thềm sau nắng, lá...
Với "dáng kiều thơm", bóng kinh kỳ...
Hào hoa Tây Tiến - một đoàn quân
Tráng sĩ trọc đầu vẻ hùm oanh
Nhẹ tựa lông hồng coi cái chết
Chiếu chăn đâu thiết, lá đôi nhành
Khắc mãi trong tim một lời thề
Kinh Kha chẳng hẹn buổi hồi quê
Đường lên Tây Bắc - đường lên thẳng
Sông Mã gầm lên điệu thiết thê!
"Tây Tiến người đi không hẹn ước"
Hùng thiêng sông núi cũng xa rồi
Nhớ hoài chiến dịch mùa xuân ấy
Nhớ mãi binh đoàn Tây Tiến ơi!
Dạy văn cốt ở cảm xúc. Việc làm thơ sẽ sẽ trau dồi tâm hồn để bài dạy có chiều sâu hơn. Mặt khác, trong thực tế của tuổi trẻ ngày nay ít ngườiyêu thơ thì việc chia sẻ của thầy Tuấn về thơ là việc làm có ý nghĩa. 
Về lâu dài, thầy Tuấn sẽ dự định kết cùng với nhiều giáo viên khác có thêm nhiều bài thơ hơn viết về tác phẩm tác giả trong chương trình phổ thông cho đồng nghiệp, học sinh tham khảo!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.