Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được học trò gọi là người thầy với “bàn chân kỳ diệu” |
Ảnh tư liệu |
Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời vào ngày 28.9 ở tuổi 75, sau thời gian chiến đấu với căn bệnh suy thận. Ông được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam ngưỡng qua hình ảnh cậu học trò bị liệt hai tay từ khi mới 4 tuổi nhưng vẫn muốn đến trường, cố công tự tập viết bằng viên gạch kẹp ở ngón chân. Hành trình nghị lực hơn 50 năm ấy đã dừng lại, những những động lực và câu chuyện đáng học tập từ thầy vẫn còn sống mãi.
Từng có cơ hội được gặp nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký khi còn học tiểu học, Lê Thanh Vy (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Trước đó, tôi đã đọc tác phẩm ký Tôi đi học của thầy và cảm thấy rất khâm phục nghị lực ấy. Với tôi, có cơ duyên gặp trực tiếp thầy là một điều rất may mắn”.
Vĩnh biệt "thầy giáo có bàn chân kỳ diệu" Nguyễn Ngọc Ký |
Theo ký ức của Thanh Vy, ngày hôm ấy, học sinh được xếp ngồi ở hai bên để chừa lối đi cho thầy từ cổng vào sân khấu. Lúc đó, thầy Ký mặc vest trang nghiêm, thầy viết và thực hiện cắt giấy thủ công bằng chân rất thành thục.
“Tôi càng khâm phục thầy hơn, vì thầy đã vượt lên trên nghịch cảnh để thay đổi cuộc đời mình. Sau này, ở các lớp lớn hơn, khi viết các bài nghị luận xã hội về gương học tập vượt khó, tôi đều nhắc đến câu chuyện của thầy như một dẫn chứng tiêu biểu về nghị lực sống”, Thanh Vy bày tỏ.
Bài kể chuyện “Bàn chân kỳ diệu”, nói về thầy Nguyễn Ngọc Ký, là một phần trong sách giáo khoa bậc tiểu học |
Ảnh tư liệu |
Cũng từng có cơ hội được gặp gỡ thầy Nguyễn Ngọc Ký, nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Gia Linh của Trường THPT An Mỹ (tỉnh Bình Dương) kể: “Lúc học lớp 4 thì trường có mời thầy về giao lưu với học sinh nên cũng từ lần đó em biết đến thầy. Em từng đọc qua tác phẩm Những tâm hồn dấu yêu và thấy cuốn sách này rất hay vì giúp con người có động lực hơn rất nhiều”.
Nữ sinh này cũng luôn lấy thầy Ký làm dẫn chứng đầu tiên khi viết những bài văn nghị luận về tinh thần vượt khó trong học tập. Đối với Linh, thầy Ký là một người rất mạnh mẽ, một tấm gương sáng mà ai cũng nên học hỏi.
Cùng chung cảm xúc ấy, Lâm Thúy Vy (21 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ: “Tôi biết về câu chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký từ sách giáo khoa hồi tiểu học. Tôi rất ngưỡng mộ thầy Ký vì thầy là một tấm gương sáng, học giỏi vượt khó nên suốt những năm đi học, thầy còn là một dẫn chứng tiêu biểu khi tôi làm nghị luận xã hội”.
Những lẵng hoa gửi đến thầy Nguyễn Ngọc Ký |
Thượng Hải |
Khi hay tin người thầy giáo ấy đã ra đi, Thúy Vy không khỏi bất ngờ và có chút tiếc nuối. “Tôi tin là dù bao nhiêu năm nữa, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn sẽ mãi là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên nói riêng và tất cả người dân Việt Nam nói chung”, Thúy Vy xúc động nói.
Ông Thanh Bình viết lời nhắn gửi đến người bạn quá cố của mình |
Thượng Hải |
Là người bạn thân nhất của thầy Nguyễn Ngọc Ký hơn 60 năm, luật gia, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thanh Bình (75 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay: “Thầy Ký là một tấm gương giàu nghị lực, rất chịu thương chịu khó nên ai cũng nể trọng ông. Không chỉ đáng quý trên hành trình vượt khó, thầy Ký còn là người đầy tài năng vì sáng tác rất nhiều tác phẩm đã khó mà thầy còn thực hiện điều đó bằng chân. Vì thế, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký mãi mãi là tấm gương mà mọi thế hệ trẻ, thanh thiếu niên cho đến sau này vẫn yêu quý và lấy làm hình tượng theo đuổi cho sự mẫu mực”.
Bình luận (0)