'Nhà giáo phải chịu khó sửa bài cho học trò'

09/03/2019 15:51 GMT+7

Nhà giáo phải chịu khó sửa bài cho học trò, sửa từng lỗi nhỏ và phân tích từng chỗ sai chứ không chỉ quăng một câu: 'chưa đạt, viết lại' hoặc 'không biết cách diễn đạt'…

Sáng nay 9.3, hội thảo khoa học “Lê Trí Viễn - một đời với nghề, một đời với văn” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-NGND Lê Trí Viễn (1918-2018) đã diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thu hút hơn 100 chuyên gia tham dự.



Cách dạy văn đã khác xưa?

Các bài tham luận đề cập đến GS-NGND Lê Trí Viễn xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu phê bình và sáng tạo văn học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu… Trong đó, có những bài viết chất chứa cảm xúc về hình ảnh bình dị nhưng ấn tượng về một người thầy trên bục giảng môn ngữ văn.

PGS-TS La Khắc Hòa, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Tôi mê những bài giảng văn của GS-NGND Lê Trí Viễn bởi ở đó cho thấy cách mà thế hệ chúng tôi đã học văn một thời mà giờ đây, chính những sinh viên ngữ văn ngồi đây trong hội thảo này không hiểu được”.

Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo sáng nay 9.3 - Ảnh Hà Ánh

Ông Hoà lý giải: “Nếu theo dõi chương trình dạy và học ngữ văn hiện nay có thể thấy khá phức tạp và khác xưa. Trước đây, văn chỉ gồm 2 môn cơ bản là lịch sử văn học và giảng văn. Với lịch sử văn học rất đơn giản vì chỉ gồm lịch sử bối cảnh và lịch sử tác giả. Còn phần giảng văn, qua các tác phẩm của GS Lê Trí Viễn suốt từ 1950 đến trước 1980 đã thể hiện rất rõ cách học văn của chúng tôi”.

“Tôi mê những bài giảng văn của GS Lê Trí Viễn trước hết vì tìm thấy ở đó tình yêu lớn lao của ông đối với công việc này”, ông Hòa nói thêm.

"Giảng văn’ hay ‘dạy văn"?

Trong bài tham luận của mình, bà Thuỳ Ngọc Mai Thư, cựu sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm đắc: “Năm 21 tuổi, ông là giáo viên Trường tiểu học Bảo An tại quê nhà. Rồi cứ thế vừa dạy vừa học, ông xuất sắc vượt qua trình độ tú tài rồi trở thành giảng viên, giáo sư ĐH và chuyên gia đầu ngành trong giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam”.

Bà Mai Thư viết tiếp: “Giới sư phạm hiện nay dường như đang loay hoay trong quá trình thay đổi liên tục các phương pháp và nguyên tắc sư phạm. Giáo viên chưa kịp quen với phương pháp này thì nguyên tắc khác đã xuất hiện, phụ huynh lo lắng, học sinh hoang mang. Điều này là hậu quả của việc thực tế giáo viên không có được triết lý giáo dục cho bản thân mình”.

Theo tác giả này, nhìn từ cách dạy văn của nhà giáo Lê Trí Viễn, dùng từ “giảng văn” đúng hơn “dạy văn”. Giảng là truyền đạt những tri thức, bài học cụ thể trong sách để học sinh hiểu, nắm vững và vận dụng được. Dạy hướng đến phương pháp hiểu, nắm vững và biết vận dụng kiến thức đã học vào những hoàn cảnh khác nhau. “Điều cần thiết ở đây là bên cạnh truyền cảm xúc, người dạy cần truyền cả năng lực nghiên cứu cho người học để học tự cầm cuốc đào sâu khi đồng cảm được mạch văn, hiểu được ý thơ”, bà Thư đúc kết.

Bà Thư nói thêm, giảng dạy văn học nếu chỉ chú trọng cảm nhận tác phẩm theo cách người dạy thì chỉ nâng cao năng lực người dạy mà không nâng cao năng lực người học. Ngược lại, nếu quá nặng lý thuyết, giải phẫu tác phẩm bằng lý luận sẽ dẫn đến cả người dạy và người học nhìn một bài thơ như con ếch trên bàn mổ. Do đó, cả 2 phương pháp này cần hòa quyện và soi chiếu lẫn nhau, đòi hỏi nhiều nỗ lực của người giáo viên và người thầy Lê Trí Viễn đã trở thành tấm gương để cả thầy và trò cùng cố gắng…

GS-NGND Lê Trí Viễn (1918-2012), sinh ra tại Quảng Nam. Ông là nhà sư phạm, nhà nghiên cứu ngữ văn hàng dầu, là tác giả của trên 40 công trình nghiên cứu văn học giá trị và được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2012. Ông còn được xem là người đi đầu trong việc xã hội hóa giáo dục khi sáng lập ngôi trường ngoài công lập Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM).

‘Một người thầy nghiêm chỉnh, đúng nghĩa’

Tại hội thảo, PGS-TS Đoàn Thị Thu Vân, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chia sẻ những điều tâm đắc nhất từ người thầy Lê Trí Viễn của mình.

Bắt đầu bài phát biểu, bà Vân nghẹn ngào: “Từ góc độ một người học trò, trong muôn ngàn học trò của thầy, tôi muốn nói về người thầy lớn lao của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bởi chính những điều nhỏ nhặt ấy đã góp phần quan trọng để đào tạo tôi trở thành một giáo viên - chưa dám nói khá giỏi hay yếu kém mà trước hết là giáo viên nghiêm chỉnh, tạm xứng danh là một người thầy đúng nghĩa”.

Lý giải cho nhận định trên, PGS-TS Thu Vân nói đến đức tính cẩn trọng và tỉ mỉ của GS-NGND Lê Trí Viễn đầu tiên. Bà Vân nói, thầy thường nói học hành, nghiên cứu hay giảng dạy mà lúc nào cũng đại khái, không chịu khó kiên trì, tỉ mẩn, sợ mất thời gian thì dù đọc nhiều biết rộng bao nhiêu cũng không thể thành công được. Chịu khó không chỉ là tố chất cần thiết của nhà nghiên cứu mà còn của một nhà giáo chân chính.

“Nhà giáo phải chịu khó sửa bài cho học trò, sửa từng lỗi nhỏ và phân tích từng chỗ sai chứ không chỉ quăng một câu: 'chưa đạt, viết lại' hoặc 'không biết cách diễn đạt'. Bởi nếu thế thì người học có sửa đi sửa lại hàng chục lần cũng chưa chắc đúng vì học không biết bài không đạt ở chỗ nào”, bà Vân diễn ra.

Liên tưởng về kỷ niệm nhờ thầy sửa bài cho mình, PGS-TS Thu Vân cho biết thầy đã chỉnh sửa từng dấu phẩy, chấm phẩy hoặc ngang nối, yêu cầu phải dùng dấu nào cho chính xác và hợp lý nhất…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.