LO GIẤY PHÉP CON ĐỂ "HÀNH LÀ CHÍNH"
Bà Vy Thùy Hương, một giáo viên (GV) cấp THCS ở TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), có gần 30 năm đứng lớp, chia sẻ: Khi đọc thông tin trên báo chí về việc Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào luật Nhà giáo quy định GV sẽ phải có chứng chỉ nghề nghiệp, bà và đồng nghiệp rất hoang mang vì Bộ GD-ĐT không kèm theo các giải thích như: GV đã đi dạy học có cần làm gì để được cấp chứng chỉ nữa hay không, cơ quan nào cấp?…
Cũng theo bà Hương, bà là "nạn nhân" của các loại chứng chỉ, mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đi học và thi cấp chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp GV… Mới đây các bộ, ngành thấy không cần thiết và quá hình thức, tốn kém nên mới quyết định bãi bỏ. "Vậy mà nay lại nghe thông tin GV phải có chứng chỉ nghề nghiệp mà không có thông tin cụ thể gì, GV không lo lắng mới lạ", bà Hương nói.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN, cũng cho rằng: Lẽ ra cơ quan xây dựng luật Nhà giáo khi đưa ra một quy định mới, chính sách mới tác động lớn đến đội ngũ GV như chứng chỉ nghề nghiệp thì cần nêu rõ đối tượng áp dụng, vì sao phải bổ sung quy định, dự kiến về tác động của chính sách khi áp dụng quy định này, cơ quan nào được quyền cấp chứng chỉ nghề nghiệp GV… "Nếu yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ nghề nghiệp như một thủ tục hành chính để… hành GV là chính thì tôi sẽ phản đối tới cùng", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, TS Lâm cũng cho rằng nếu chứng chỉ nghề nghiệp thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng nhà giáo thì sẽ phải trả lời được hàng loạt câu hỏi kèm theo. Các nước có yêu cầu chứng chỉ hành nghề với GV thì thường sẽ giao cho các hiệp hội nghề nghiệp giám sát và cấp chứng chỉ. Khi có chứng chỉ này, GV sẽ phải được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, giảm bớt các báo cáo, sổ sách nặng về hình thức như lâu nay. "Dù vậy, cũng cần hết sức cân nhắc và thận trọng khi áp dụng chứng chỉ nghề nghiệp ở nước ta. Việc nâng cao chất lượng GV là đặc biệt quan trọng, nhưng muốn vậy trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm. Nếu làm được như vậy thì việc GV ra trường rồi lại phải làm thêm các "thủ tục" để được cấp chứng chỉ nghề nghiệp là không cần thiết nữa", ông Lâm nhận định.
Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo?
ĐÂU CẦN CHỨNG CHỈ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA NHÀ GIÁO ?
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu quan điểm: Cơ sở lý luận và thực tiễn cho đề xuất này đều có. Thực tế, nhiều nước đã có chứng chỉ hành nghề nhà giáo.
Tuy nhiên, nếu yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ nghề nghiệp sẽ tác động như thế nào đến xã hội? Hiện chúng ta có gần 1,5 triệu nhà giáo từ mầm non, phổ thông, cao đẳng, dạy nghề và ĐH. "Chuyện này không hề nhỏ!", ông Khang nói và đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề? Cấp nào có thẩm quyền cấp? Sau bao nhiêu năm thì chứng chỉ hết hạn, muốn hành nghề phải làm gì để được cấp lại? Thời gian, công sức và tiền bạc để được cấp chứng chỉ hành nghề?… Chừng ấy câu hỏi tạo nên nỗi lo hữu hình và vô hình. "Nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề! Nỗi lo này không của riêng ai", ông Khang thốt lên.
Ông Khang cũng nhấn mạnh: "Một số GV vi phạm đạo đức nghề nghiệp không phải lý do quan trọng để phải xét cấp chứng chỉ hành nghề đồng loạt cho gần 1,5 triệu người. Không phải có chứng chỉ hành nghề mới xử lý được những GV vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cơ chế hiện nay vẫn đủ để xử lý các trường hợp này".
ĐÃ TỪNG ĐỀ XUẤT VÀ NHIỀU Ý KIẾN PHẢN BIỆN
Đề xuất về chứng chỉ nghề nghiệp GV không mới. Năm 2019, tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo luật Giáo dục 2019, ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho rằng chứng chỉ hành nghề dạy học là rất quan trọng, những nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản đã áp dụng cấp chứng chỉ này cho những người thực sự đạt yêu cầu. Ông Tần cho rằng nếu có chứng chỉ hành nghề thì GV vi phạm đạo đức, có hành vi bạo lực với HS sẽ lập tức bị rút chứng chỉ ngay.
Tuy nhiên, đề xuất này tại thời điểm đó cũng đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản biện. PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, nêu quan điểm: Trước hết, phải định nghĩa được hành nghề giảng dạy thế nào thì mới có thể bàn tới chuyện cấp chứng chỉ hành nghề. Ví dụ chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp cho những người làm nghề tự do chứ không phải viên chức, công chức. Muốn cho GV hoạt động theo nghề là đúng, nhưng phải có điều kiện để hoạt động. Tiêu chuẩn chuyên môn có thể ổn định nhưng năng lực hành nghề có thể thay đổi theo chu kỳ, ứng với yêu cầu đổi mới về giáo dục của mỗi quốc gia. Do vậy, cứ 3 - 5 năm phải thi để cấp chứng chỉ hành nghề một lần. GV luôn phải cập nhật, đổi mới và được đánh giá về khả năng thích ứng.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng ở nước ta, nghề giáo cũng có 18 tháng tập sự nhưng gần như 100% là cho qua vì tính hành nghề của ta thấp. Như vậy, cơ sở pháp lý có rồi nhưng không được làm chặt chẽ và đúng mục tiêu. Do vậy, thay vì "đẻ" ra một chứng chỉ nghề nghiệp thì phải có biện pháp để các trường sư phạm thực hiện tốt khâu thực hành, thực tập của sinh viên sư phạm.
Ý kiến
Rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn
Cần có chứng nhận nghề nghiệp vì thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế. Nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy..., quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học. Hơn nữa, giáo dục ĐH là giáo dục rộng, tạo ra nền tảng cho việc học suốt đời mà không hẹp như đào tạo nghề. GV phải có khả năng học suốt đời sau tốt nghiệp ĐH. Trong khung thời gian 4 năm, điều kiện cọ xát thực tế chưa đủ nên họ phải có trải nghiệm để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn...
Ông Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT)
Về lâu dài tạo điều kiện cho tiêu cực
Việc cấp giấy phép hành nghề sư phạm một phần nào đó giúp nâng cao được chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, 4 năm ĐH sư phạm, mỗi sinh viên được đào tạo nhiều kỹ năng, trải qua bao nhiêu giờ kiến tập, thực tập... mới được tốt nghiệp và làm GV. Năm đầu tiên đi dạy, GV vẫn phải thực hiện chế độ tập sự. Vậy có cần thiết phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp không? Hiện nay, luật mới sửa đổi quy định, đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1.7.2020 sẽ ký loại hợp đồng xác định thời hạn. Trong thời gian ký từng năm hợp đồng có thời hạn, nếu GV vi phạm quy chế, không phù hợp yêu cầu vị trí công việc, có thể căn cứ luật Giáo dục để xử lý, ngưng hợp đồng… chứ không nên "đẻ" ra các loại giấy tờ thủ tục phiền hà. Về lâu dài việc cấp chứng chỉ có thể sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực và khó đạt được tiêu chí, mục đích tích cực như ban đầu.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh (GV Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM)
Giấy chứng nhận nghề nghiệp không mang nhiều ý nghĩa
Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, các nhà giáo nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng sẽ được cấp. Giáo dục phải được đổi mới thường xuyên nên quy định này không phản ánh được tính đổi mới này. Giấy chứng nhận có thể được cấp cho GV về hưu nếu có nhu cầu thì lại không mang nhiều ý nghĩa. Hiện nay có nhiều cách thức dạy học như qua online, vậy có cần giấy chứng nhận không? Do đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp không mang nhiều ý nghĩa. Quan trọng là các cơ sở giáo dục tự đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ GV tại cơ sở của mình để qua đó từng bước đáp ứng được sự đổi mới từng ngày trong giáo dục".
Thạc sĩ Trần Văn Toàn (nguyên tổ trưởng tổ toán (Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Bích Thanh - Tuyết Mai
Bình luận (0)