Mặc dù vậy, đây cũng là dịp những tâm tư trĩu nặng của nhà giáo về chế độ, chính sách, về yêu cầu đổi mới chưa phù hợp, một lần nữa được chia sẻ.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết kết quả tổng hợp ý kiến của nhà giáo trước sự kiện cho thấy, với giáo dục phổ thông các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: thứ nhất liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên (GV), tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…; nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của GV mầm non; nhóm thứ 3 liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ GV như trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà công vụ…
Thiếu giáo viên nhưng không tuyển được
Cả nước đang thiếu hơn 100.000 GV và không địa phương nào không gặp phải tình trạng này, nhất là các vùng khó khăn. Ông Nguyễn Đức Đường, Hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú tiểu học Niêm Tòng (H.Mèo Vạc, Hà Giang), chia sẻ tâm trạng "ăn bữa nay, lo bữa mai" khi trường ông không có GV tiếng Anh, tin học nào, trong khi đây là môn học bắt buộc từ lớp 3 khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. "Năm học tới, số học sinh phải học tiếng Anh sẽ tăng lên gấp đôi, nhu cầu GV tất nhiên cũng tăng lên gấp đôi. Chúng tôi cũng chỉ tha thiết mong mỏi có biên chế GV tiếng Anh, gần 1.000 học sinh mà không có một GV nào cho môn học mới mẻ này thì về lâu dài là rất bị động", ông Đường cho hay.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, cho biết năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La đề xuất bổ sung 2.688 GV. Theo ông Hoàng, thậm chí có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tuyển đủ, có vị trí không có ứng viên đăng ký dự tuyển, nhất là đối với GV mầm non, tiểu học (ở các môn tin học, ngoại ngữ). Bất cập cũng nảy sinh khi các sinh viên dù được đặt hàng theo Nghị định 116 nhưng việc tuyển dụng GV vẫn phải theo Nghị định 115 của Chính phủ. Do đó, có khả năng dù đặt hàng nhưng địa phương vẫn không tuyển được GV nếu các em thi tuyển trượt. Từ thực tế đó, ông Hoàng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế tuyển dụng đối với các sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng của địa phương theo Nghị định 116.
Mong bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Nhiều GV bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thấu hiểu lo lắng, bức xúc nhất hiện nay với GV là việc thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; xét thế nào thì phù hợp… Bà Phạm Thị Hường, GV Trường THCS Phú Diễn (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ GV hạng 3 lên GV hạng 2: "Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV hạng 2 của mỗi cấp học". Nhưng Hà Nội vẫn "hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng đối với GV mầm non, phổ thông công lập. Các văn bản đều rất chung chung, không chỉ rõ đối tượng viên chức nào thì được xét, đối tượng viên chức nào thì phải thi khiến các trường THPT cũng lúng túng trong việc thực hiện. Điều này đã gây xôn xao dư luận, tạo ra nỗi lo lắng và thất vọng đối với GV THPT, nhất là đối với những người đã cống hiến từ 30 năm trở lên đang hưởng ngạch lương viên chức GV THPT hạng 3 (mã V.07.05.15). Với độ tuổi ngoài 50, nếu thi thăng hạng thì quả là một "cửa ải" khó có thể vượt qua bởi sự hạn chế về ngoại ngữ và tin học so với lớp GV trẻ. Như vậy sẽ tạo ra sự bất công, nhất là những thầy cô có nhiều năm công tác, đóng góp nhiều thành tích cho sự nghiệp giáo dục.
Ông Lê Đức Dương, Trường THPT Cao Bá Quát (H.Gia Lâm, Hà Nội), cũng cho rằng nên bỏ thi và chỉ xét thăng hạng cho GV. "Phân hạng cao thấp là bình thường, không thể đánh đồng tất cả, vì có người giỏi, khá, trung bình... Tuy nhiên, làm thế nào thì lãnh đạo phải nghĩ, để cho GV yên tâm công tác, tránh bất bình đẳng và gây thêm áp lực cho thầy cô giáo vốn đã quá nhiều áp lực trong công việc chuyên môn. Theo tôi, cần căn cứ vào những đóng góp của GV với ngành giáo dục là tiêu chí quan trọng để xét thăng hạng. Thầy cô giáo giỏi thực sự không khó để tìm ra…", ông Dương nói.
Giáo viên mầm non mong được giữ tuổi nghỉ hưu như cũ
Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết bà và các cô giáo mầm non của trường đều rất ủng hộ và chờ đợi đề xuất của Bộ GD-ĐT thời gian qua về việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với GV mầm non. Theo bà Mai, việc này không chỉ quan tâm tới sức khỏe, đặc thù nghề nghiệp của GV mầm non mà còn quan tâm tới tâm lý của trẻ. Thầy cô giáo ngoài 50 tuổi đã không còn nhanh nhẹn để chăm sóc và tạo sự hứng khởi với trẻ như các cô giáo trẻ được nữa. Trong khi chương trình giảng dạy, chăm sóc trẻ mầm non thì được cập nhật khá thường xuyên theo tiến bộ của khoa học về nuôi dưỡng, giáo dục trẻ…
Bà Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Chiềng Mung (H.Mai Sơn, Sơn La), cũng cho rằng trong các cấp giảng dạy, cấp mầm non vất vả hơn. Các GV phải chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ của học sinh, nhưng chế độ lương và trợ cấp thì thấp. Không những vậy, GV ở miền núi còn phải di chuyển đến các điểm trường vùng sâu, vùng xa giảng dạy rất vất vả. "Do công việc đặc thù, tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm, giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm non. Bởi, đối với cấp mầm non khi bước sang tuổi 50 thì sức khỏe yếu, không còn hoạt bát, nhanh nhẹn để chăm sóc và giảng dạy trẻ nhỏ nữa", bà Sen đề xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói gì trước nỗi lòng của giáo viên mầm non
Do đó, nhiều cán bộ quản lý, GV mầm non mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên trì theo đuổi đề xuất đưa nghề GV mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, các cô có thể nghỉ hưu sớm theo khoản 3, điều 169, bộ luật Lao động 2019.
Chương trình "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" sẽ được tổ chức trong một ngày 15.8, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Trong đó, buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, các trường chuyên biệt. Điểm cầu trực tiếp được tổ chức tại Bộ GD-ĐT, điểm cầu trực tuyến kết nối tới 63 sở GD-ĐT và dự kiến tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục (tùy điều kiện cụ thể của địa phương). Buổi chiều, người đứng đầu ngành GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm.
Bình luận (0)