Nhà giàu giảm chi tiêu, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản giảm tốc

24/07/2022 14:50 GMT+7

Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy hải sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng đến 2 con số trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng đã ghi nhận dấu hiệu giảm tốc do tình trạng lạm phát ở các thị trường nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu nông lâm thủy sản ghi nhận tăng trưởng đến gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 28 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó vì lạm phát ở các nước nhập khẩu

Công Hân

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng đang gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra thậm chí đã tăng trưởng âm so với tháng trước đó. Cụ thể, thủy sản dù vẫn đạt trên 1 tỉ USD nhưng giảm 5,3%; xuất khẩu cà phê đạt 137.000 tấn và 315 triệu USD giảm 3,5% về lượng và giảm gần 3% về giá trị. Hay như rau quả, trong tháng 6 xuất khẩu đạt 259 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước nhưng tính chung 6 tháng lại giảm đến 17% so với cùng kỳ, tương ứng giảm đến 346 triệu USD.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều tháng 6 đạt 46.500 tấn, trị giá 285 triệu USD, giảm 21% về lượng và giảm 23% về trị giá so với tháng 6.2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 249.000 tấn, tương đương 1,5 tỉ USD, giảm 9% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6 đạt 1,5 tỉ USD, giảm gần 5% so với tháng 6.2021.

Theo các doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm do tác động của xung đột Nga - Ukraine làm chi phí đầu vào tăng cao theo giá xăng, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 tình hình càng khó hơn khi nhiều thị trường quan trọng như: Mỹ, Nhật Bản, EU… đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao đẩy giá hàng hóa tăng nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Cụ thể như tại thị trường Nhật Bản, giá tôm đã được điều chỉnh tăng đến 20% - đây là điều hết sức nhạy cảm với người tiêu dùng Nhật Bản và họ cần ít nhất 3 - 5 tháng để làm quen với mặt bằng giá mới.

Các sản phẩm có giá thành cao nhiều khả năng sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy khả quan và hạt điều thường không nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu của nhiều người tiêu dùng. Hay như đối với các sản phẩm gỗ là mặt hàng không thiết yếu nên người tiêu dùng mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp ngành gỗ tin rằng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc.

Đối với những mặt hàng thiết yếu như gạo và thủy sản cũng chịu tác động mạnh từ lạm phát. Xuất khẩu gạo tuy tăng nhẹ về lượng (16%) và kim ngạch (5%) nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm giảm tới 55 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá thu mua lúa gạo nội địa và thu nhập của người nông dân.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay tuy tăng trưởng gần 40%, đạt giá trị 5,7 tỉ USD. Nhưng với tình hình khó khăn hiện tại, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm chỉ trong khoảng 10 - 12%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.