Theo Bloomberg, các sản phẩm được quảng cáo là tốt cho sức khỏe và có chất lượng cao đang có nhu cầu cao. Xu hướng tiêu thụ sản phẩm loại này hiện thúc đẩy một số thương vụ như việc hãng Haier mua lại một mảng kinh doanh của công ty General Electric. Từ sữa cho đến cà phê, từ ngữ thông dụng nhất của các doanh nghiệp muốn tiếp thị sản phẩm đến 1,4 tỉ người tiêu dùng Trung Quốc là “cao cấp”.
Giữa lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại cản trở tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp như Kweichow Moutai, Danone và Starbucks đang định vị để hút khách ở những phân khúc hiếm khi sẵn sàng tăng trưởng nhanh: các sản phẩm được gắn mác là tốt cho sức khỏe, có chất lượng cao hơn và tuyệt hơn những món hàng cơ bản.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang thực hiện các quyết định mua hàng dựa trên cảm giác mà sản phẩm đem đến cho họ. Với tài sản tăng lên, người tiêu dùng đang rất thích các sản phẩm đem lại trải nghiệm cao cấp, mạnh mẽ. Nhu cầu hàng hóa cao cấp, thường có giá đắt hơn 20% so với mức trung bình, đang đi lên vì mỗi năm có 11 triệu hộ gia đình Trung Quốc vượt ngưỡng thu nhập trung bình để đến mức giàu có. Một hộ gia đình giàu ở Đại lục có thu nhập từ 136.000 nhân dân tệ, tương đương 19.800 USD trở lên mỗi năm.
Dưới đây là năm biểu đồ thể hiện sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng khi người Trung Quốc giàu lên.
Doanh số xe SUV tăng, xe giá rẻ giảm
|
Doanh số ô tô SUV và xe bán tải được dự kiến vượt doanh số xe sedan lần đầu trong năm nay. Thu nhập tăng, giá dầu rẻ hơn cùng chính sách về dân số của chính phủ Trung Quốc là những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này. Điều này khiến các hãng như Great Wall Motor và Zhejiang Geely Holding Group giới thiệu nhiều thương hiệu cao cấp của các mẫu xe lớn hơn với công nghệ đời mới nhất.
Xe lớn hơn, hào nhoáng hơn thường được chọn vì 56% người tiêu dùng Đại lục cho biết động lực mua các sản phẩm cao cấp là để thể hiện sự thành đạt của họ, theo khảo sát thị trường của hãng Nielsen. Xu hướng thể hiện của người Trung Quốc cao hơn mức trung bình 52%, 24% và 21% lần lượt ở châu Á - Thái Bình Dương, Úc và Nhật Bản.
Sữa chua được ưa chuộng gần bằng sữa
|
Những người tiêu dùng giàu có, chú trọng sức khỏe Trung Quốc đã và đang tăng chi cho các sản phẩm được tiếp thị là cải thiện cuộc sống. 50% người tiêu dùng cho hay họ chi thêm tiền cho việc mua sắm thức ăn, quần áo, giải trí, du lịch và ăn tối ở ngoài.
Nhu cầu sữa chua đi lên nhờ lợi ích về mặt sức khỏe đã được biết đến của loại sản phẩm này, theo hãng tư vấn OC&C Strategy Consultant. Xu hướng trên cũng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Đại lục đẩy mạnh thâu tóm, sáp nhập các hãng sản xuất sản phẩm cao cấp. Một chuyên gia nhận định nếu làn sóng cơ bản đầu tiên là sữa, làn sóng thứ nhì là sữa chua thì phô mai thường sẽ là sản phẩm “hot” kế tiếp.
Nước đóng chai bán chạy hơn nước ngọt
|
Tỷ lệ béo phì gia tăng nâng cao nhận thức của người dân về các loại thức uống có đường. Người tiêu dùng Đại lục đặc biệt thích các loại sản phẩm được sản xuất đặc biệt cho con em họ, theo báo cáo của hãng Mintel Group. Điều này sẽ làm tổn thương các hãng nước giải khát truyền thống như Coca-Cola, PepsiCo trong dài hạn. Chủ tịch Coca-Cola James Quincey cho hay hãng đang định vị bản thân thông qua nhiều thương hiệu khác nhau để bán nước đóng chai cao cấp đến khách hàng Trung Quốc.
Người mua bạch tửu chuộng loại đắt hơn
|
Xu hướng nâng cấp lựa chọn thể hiện trong nhu cầu rượu baijiu hay bạch tửu, loại rượu trắng thường có mùi hoa quả. Những người mua rượu tầm trung đang ngày càng chuộng các sản phẩm đắt hơn khoảng 400 nhân dân tệ, tương đương 44 USD/chai, theo hãng JD Finance. Các nhãn hiệu baijiu bán chạy như Kweichow Moutai, Wuliangye Yibin và Shuijingfang có thể có giá đến 800 nhân dân tệ mỗi chai.
Thị trường bia cũng chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Doanh số các thương hiệu cao cấp tăng 340% trong bốn năm qua trong khi sản phẩm bia bình dân của các hãng như Tsingtao Brewery và China Resources Beer Holding lại đi xuống.
Máy điều hòa cao cấp hút khách
|
Hầu hết trong nhà của người thành thị Trung Quốc đều có các thiết bị cơ bản như máy lạnh, lò vi sóng. Người tiêu dùng hiện mua thêm các thiết bị được xem là “xịn”, chẳng hạn như máy pha cà phê espresso. Khi lựa chọn máy điều hòa, họ ưa dùng loại phát ra ít tiếng ồn hơn và được điều khiển thông qua ứng dụng trên điện thoại. Xu hướng trên là một phần nguyên nhân khiến hãng Haier Group thâu tóm mảng kinh doanh thiết bị của General Electric với giá 5,4 tỉ USD hồi năm ngoái. Các nhà sản xuất đồ gia dụng Đại lục đang tập trung vào việc thực hiện chiến lược chú trọng giá cao thay vì doanh số lớn.
Bình luận (0)