Nhà hàng Hồi giáo ở TP.HCM tấp nập khách Malaysia, Indonesia: 'Món ăn phải đúng chuẩn'

21/08/2023 12:23 GMT+7

Nhà hàng của ông Musa Karim (quê ở Châu Đốc, An Giang) bán nhiều món ăn được chế biến phù hợp với người Hồi giáo. Khách nước ngoài đến ăn vì ngon còn nhiều người Việt đến vì muốn tìm hiểu.

Các món ăn đúng chuẩn theo Luật Hồi giáo 

Một ngày cuối tuần, tôi ghé khu tập trung nhiều người Hồi giáo ở TP.HCM trên đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1). Nơi này được gọi là "Saigon Halal street", thu hút du khách người Malaysia và các nước theo đạo Hồi đến thưởng thức ẩm thực và mua sắm.

Gần trưa, tôi ghé vào một nhà hàng Hồi giáo và trò chuyện với chủ quán, ông Musa Karim (44 tuổi). Khi tôi đến, đông khách người Malaysia, Indonesia và các nước khác… đang dùng bữa, ai nấy đều hào hứng thưởng thức các món tại quán. Nhân viên giao tiếp, nói chuyện với thực khách bằng tiếng của du khách vô cùng trôi chảy.

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 1.

Ông Musa Karim nhiệt tình tiếp đón khách đến quán

DƯƠNG LAN

Ông Musa Karim (quê ở Châu Đốc, An Giang) lên TP.HCM mở quán từ năm 2009, chuyên bán các món phục vụ người Hồi giáo. Tất cả nhân viên của quán là người theo đạo Hồi, các món ăn do họ tự tay chế biến.

Tất cả các quán phục vụ người Hồi giáo đều có tên Halal được Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM cấp. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là hợp pháp hoặc được phép dùng. Ngược lại, Haram có nghĩa là bất hợp pháp, không được phép hoặc bị cấm. Tất cả các sản phẩm, thực phẩm Halal đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được phép sử dụng, đảm bảo tuân theo quy định của Luật Hồi giáo.

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 2.

Quán có rất nhiều món đa dạng, chế biến theo cách của người đạo Hồi

DƯƠNG LAN

"Tôi thấy ở TP.HCM có nhiều quán ăn nhưng có ít quán phục vụ người Hồi giáo nên tôi quyết định mở, người ngoài không biết nhiều về Luật Hồi giáo nên sẽ không thể làm các món ăn đúng chuẩn. Nhiều món có cách chế biến khá giống với người Việt nhưng gia vị và nguyên liệu sẽ khác chút đỉnh", ông chia sẻ.

Cũng theo ông Musa Karim, người Hồi giáo không ăn động vật 4 chân có răng nanh, các loài bò sát… Đặc biệt, họ chỉ ăn đồ ăn do chính những người Hồi giáo chế biến vì nguyên liệu sống, trước khi giết mổ phải đọc kinh, đúng với các chuẩn mực thiêng liêng của đạo Hồi.

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 3.

Nhiều người đạo Hồi thường đến các quán ăn trên đường Nguyễn An Ninh dùng bữa

DƯƠNG LAN

Nhà hàng có thực đơn phong phú. Thực khách thường gọi các món chính như cơm dừa và mì xào cay (mee goreng mamk - món ăn phổ biến tại Malaysia). Mì được luộc vừa chín tới, xào cùng tỏi, hẹ tây, một số loại rau cải tươi, tôm, thịt bò hoặc thịt gà… 

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 4.

Các món ăn tại quán đều không có thịt heo

DƯƠNG LAN

"Các nguyên liệu chế biến tôi phải chọn những nơi có dấu mộc Halal. Các món thường có gia vị hơi cay, đậm đà hơn chút để phù hợp với khẩu vị của người Malaysia, Indonesia", ông chia sẻ.

Quán được nhiều người Hồi giáo ghé đến ủng hộ. Khách quen ghé quán thường xuyên, có những người nước ngoài khi đến Việt Nam công tác hoặc đi du lịch ngắn ngày cũng tranh thủ ghé quán.

"Đồ ăn ở đây rất ngon"

Nhà hàng mở bán từ 6 giờ 30 đến khoảng 23 giờ hằng ngày. Mỗi đoàn khách đến, ông và nhân viên tiếp đón nhiệt tình, tạo không khí gần gũi. Khách chủ yếu đến từ các nước ở Đông Nam Á và Trung Đông, người Việt thỉnh thoảng cũng ghé để khám phá, trải nghiệm các món ăn của người đạo Hồi.

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 5.

Rất nhiều người Malaysia, Indonesia... là khách quen của quán

DƯƠNG LAN

Cũng theo chủ quán, vào tháng Ramadan người Hồi giáo duy trì việc không ăn, không uống từ lúc bình minh đến khi mặt trời lặn. Tháng nhịn ăn không có lịch cố định, tính theo lịch riêng của người Hồi giáo. Vào tháng này, nhà hàng vẫn mở cửa bình thường nhưng không phục vụ khách đạo Hồi.

Ngày thứ 3 sau khi đến Việt Nam du lịch, ông Hj Yakfa (quốc tịch Singapore) ghé nhà hàng của ông Musa Karim ăn trưa. Ông cùng nhóm bạn trò chuyện vui vẻ và tấm tắc khen ngon khi thưởng thức các món ăn tại đây. "Tôi đến quán này ăn cũng 4 - 5 lần bất kể sáng, trưa, chiều, tối vì đồ ăn ở đây rất ngon, hợp với khẩu vị. Bạn bè ai cũng đồng quan điểm với tôi", ông nói.

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 6.

Ông Hj Yakfa (phải) đánh giá cao các món ăn tại quán

DƯƠNG LAN

Ông Mohamad Nil (quốc tịch Malaysia) chia sẻ: "Món ăn ở đây rất ngon dù cách chế biến, gia vị hơi khác so với các món truyền thống ở quê nhà chúng tôi. Nhân viên của quán rất nhiệt tình, họ nói chuyện rất dễ hiểu và chúng tôi có khoảng thời gian thưởng thức ẩm thực đáng quý".

Quán ăn người Hồi giáo ở TP.HCM: Khách Malaysia, Indonesia đến ăn nườm nượp vì ngon - Ảnh 7.

Ông Mohamad Nil (ngoài cùng bên trái) đi ăn cùng người quen

DƯƠNG LAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.