Khách giảm, quán ế
Khai trương trở lại vào ngày 24.4, ngay sau khi TP.HCM tuyên bố nới lỏng lệnh cách ly xã hội và cho phép các nhà hàng, quán ăn trở lại hoạt động bình thường tới nay chưa đầy nửa tháng nhưng chuỗi nhà hàng HD đang dự tính tiếp tục cắt giảm nhân sự vì không có khách. Theo ông chủ chuỗi nhà hàng này, cuối năm 2019, doanh thu của hầu hết các nhà hàng đều giảm đáng kể khi Nghị định 100 xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính thức có hiệu lực. Ra tết, dịch Covid-19 ập đến, chuỗi nhà hàng phải tạm đóng cửa, khiến hơn 90% nhân viên phải tạm ngừng việc, tạm ngừng giao thương với 100% nhà cung cấp...
Trà sữa "thần thánh" cũng ếChủ một chuỗi cửa hàng trà sữa cho biết từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chị đã phải tạm ngưng kinh doanh 3 cửa hàng vì dịch Covid-19. Mới đây, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, chị đã khai trương trở lại 1 cửa hàng nhưng gần như không có khách. “Trà sữa không phải thực phẩm thiết yếu nên cũng ít người có nhu cầu. Từ ngày khai trương đến nay việc bán buôn ế ẩm, có ngày không bán được gì”, chị nói.
|
Chủ một hệ thống quán nướng nổi tiếng tại TP.HCM than, không chỉ giảm số lượng khách, chất lượng bill (hóa đơn - PV) cũng giảm trầm trọng, chỉ bằng 50% so với trước đây. “Đặc thù là quán ăn nên khách chủ yếu của hệ thống là gia đình, nhóm bạn bè, dân văn phòng. Chúng tôi cũng không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 vì vào đây chủ yếu là ăn, không ai rượu bia. Nhưng từ khi mở lại, khách vắng đã đành, khách đến ăn cũng tiết kiệm hơn. Nếu trước 4 khách hóa đơn khoảng 1 - 1,2 triệu đồng thì giờ đây chỉ còn 40 - 50%. Họ chọn những món rẻ hơn, ăn ít hơn”, vị này nói.
Không chỉ nhà hàng, quán nhậu bình dân, vỉa hè cũng thê thảm không kém. Anh H., chủ quán nhậu bên bờ kè đoạn đường Trường Sa (Q.3), kể để đảm bảo quy định, anh chỉ dám dọn ra hơn 10 bàn, phục vụ số lượng khách bằng một nửa so với ngày thường nhưng được vài ngày thì khách cũng thưa dần. “Mấy khách quen ghiền quán, cách ly lâu chịu không được, ào đến mấy ngày đầu, rồi lại thôi. Chắc mọi người vẫn còn ngại dịch”, anh H. thở dài.
Thu nhập giảm, chi tiêu giảm
Dịch Covid-19 đi qua, thói quen của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Không chỉ vẫn mang tâm lý ngại ra đường, tụ tập đông người, túi tiền bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch bệnh hoành hành cũng là nguyên nhân chính khiến người dân chưa thể thoải mái vui chơi, ăn nhậu trở lại như trước.
Phụ trách mảng đối ngoại của một công ty bất động sản, ông Hiếu Lê cho biết mọi cuộc vui đều phải tính toán, nếu không thật sự cần thiết cho công việc đều bị cắt bỏ. Trong các bữa tiệc, gọi phòng nào, món nào, dịch vụ nào... cũng phải cân nhắc sao cho hợp lý, không thể “vung tay quá trán” như trước. “Đây là thời điểm khó khăn. Doanh thu công ty sụt giảm, thậm chí không có thu nhập nhưng chi phí hằng ngày vẫn phải trang trải. Bản thân tôi lương cũng bị cắt giảm đến 60%, chi tiêu giờ phải lôi tiền tích lũy từ trước ra nên phải thay đổi thói quen để thích nghi với khó khăn hiện tại cũng như sắp tới”, ông Hiếu Lê chia sẻ.
Chủ một nhà hàng ở Q.Phú Nhuận cho biết trước đây, những phòng VIP lúc nào cũng được đặt kín bởi lượng khách quen ổn định, thì bây giờ, cũng chính đối tượng khách này lại thường xuyên yêu cầu ngồi bên ngoài hoặc nếu có vào phòng cũng chọn phòng thường để đỡ tốn thêm chi phí VIP. “Cách gọi đồ ăn cũng khác hẳn. Các món hải sản, đồ ăn đắt tiền ít được chọn, khách đến chỉ gọi mấy món bình dân để lai rai. Rượu đắt tiền nên gần như không bán được, tiêu thụ chủ yếu là bia nhưng số lượng cũng giảm đáng kể”, ông này chia sẻ thêm.
Bình luận (0)