Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc'

01/09/2023 07:42 GMT+7

"Nhiều người nghĩ rằng, âm thanh của một tác phẩm sẽ chỉ phụ thuộc việc nó được chơi ra sao: Nếu dàn nhạc chơi tốt, âm thanh sẽ hay, đẹp. Điều này chỉ đúng phần nào. Chỉ khi bạn có một phòng hòa nhạc có khả năng truyền tải âm thanh một cách trung thực và rõ ràng đồng thời với một dàn nhạc xuất sắc, không thì chưa chắc".

Leonard Bernstein - nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, tác giả, giảng viên âm nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Mỹ, "một trong những nhạc sĩ tài năng và thành công nhất trong lịch sử Mỹ theo tờ The New York Times, đã nói như thế, trong một bài giảng về âm học trên đài CBS, phát sóng lần đầu năm 1962.

"Nhạc trưởng" của nhà hát

Đó không phải những người cầm cây đũa chỉ huy dàn nhạc. Đó là một khái niệm khác trong nhà hát.

Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc' - Ảnh 1.

Nghệ sĩ vĩ cầm Caroline Campbell biểu diễn trong chương trình hòa nhạc Giao hưởng Tháng Tám tại Nhà hát Hồ Gươm

SG

Năm 1999, trong thời điểm diễn ra Olympic Sydney 2000, nhạc trưởng Dàn nhạc thính phòng Sydney Edo de Waart đã nói với kênh ABC của Úc rằng, hệ thống khuếch đại âm thanh phía sau sân khấu tại Nhà hát Opera Sydney cực kỳ tồi tệ, nguyên nhân phần lớn đến từ việc xử lý âm học (acoustic) còn bị xem nhẹ. Môi trường không được xử lý âm học của nhà hát đã khiến các sóng âm trực tiếp và sóng phản xạ liên tục tương tác cộng gộp hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Sự phản xạ âm thanh không được kiểm soát này tạo ra một môi trường hỗn độn, mà ở đó những thính giả cần tập trung nghe nhạc đã liên tục bị phân tâm. Nhà hát đã phải "trả giá" bằng 153 triệu USD, để thuê công ty âm thanh cải tiến lại phần âm học.

Từ "cái giá" của Nhà hát Opera Sydney, nhiều nhà hát trên thế giới ngày càng đề cao vai trò của âm học - thứ có thể tạo ra một môi trường nơi âm thanh được tối ưu hóa cho cả người biểu diễn và khán giả, giúp nâng cao trải nghiệm thính giác tổng thể.

Về cơ bản, khi nghe nhạc, khán giả sẽ nghe thấy 2 thứ âm thanh, một là âm thanh từ nhạc cụ đi thẳng tới tai, hai là âm thanh phát ra bị phản xạ bởi các mặt tường và trần đi đến tai sau khoảng thời gian rất ngắn, gọi là tiếng vang, nhưng thường bị nhầm lẫn là tiếng dội - thứ tối kỵ trong một phòng hòa nhạc. Càng nhiều tiếng vang thì âm nhạc càng trở nên sống động, lớn và dày hơn. Nhưng nếu có quá nhiều tiếng vang, âm thanh sẽ quá dày và trở nên hỗn độn. Nghiên cứu âm học đã tìm ra thời gian vang tối ưu là khoảng 2 giây.

Và để đạt được con số lý tưởng này, cần kiểm soát tốt được các bề mặt trong phòng nơi xảy ra hiện tượng hấp thụ, phản xạ như tường, trần, sàn… và tính toán được độ cao, độ sâu hay độ rộng của trần. Nói cách khác, đó chính là mối liên kết bền chặt của âm học và kiến trúc, để tạo nên một nhà hát chất lượng. Bởi vậy, việc thiết kế phòng hòa nhạc được ví như soạn một bản giao hưởng mà âm học đảm nhận vai trò của một "vị nhạc trưởng", giúp định hình dòng cảm xúc âm nhạc, đồng thời tạo nên trải nghiệm thính giác đầy mê hoặc cho khán thính giả.

Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc' - Ảnh 2.

Chương trình hòa nhạc quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm

SG

Acoustic trong các nhà hát ở Việt Nam đã "vang" đến đâu rồi?

Ta hãy xem xét những tiêu chuẩn âm học nói trên ở hai nhà hát có thể coi là có cơ sở vật chất tốt nhất Việt Nam hiện nay, đó là Nhà hát Lớn Hà Nội và mới đây nhất là Nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hóa tâm huyết của Bộ Công an và TP.Hà Nội.

Thông thường, bố cục kiến trúc của các nhà hát được thiết kế có độ cong nhằm đảm bảo việc truyền và phân phối âm thanh tối ưu. Các yếu tố như tường và trần nhà đều được bố trí "chiến lược", để ngăn chặn sóng âm bị mắc kẹt, hoặc tập trung quá mức ở các khu vực cụ thể. Hai nhà hát mà chúng ta đang nói đến lại đang được thiết kế để phục vụ đa dạng các thể loại âm nhạc.

Chính vì thế, Nhà hát Lớn không phải là nơi dành cho nhạc giao hưởng. Mỗi lần có trình diễn nhạc hàn lâm, người ta phải làm một bức tường có 3 vách để quây dàn nhạc gọn lại, cho âm thanh hắt ra ngoài. Chưa kể nhà hát sử dụng chất liệu nhung the để bọc ghế, trải thảm, làm rèm cửa… nên âm thanh bị hút hết, không có độ khuếch tán.

Trước nay, chúng ta có một phòng hòa nhạc khá chuẩn âm học, đó chính là ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Nhưng nó quá bé nhỏ, so với nhu cầu của một thành phố giờ đã 8,4 triệu dân như Hà Nội.

Công trình mới Nhà hát Hồ Gươm thì sao? Đó cũng là một nhà hát được thiết kế đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, múa, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình...

Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc' - Ảnh 3.

Khán thính giả đang thưởng thức chương trình hòa nhạc Giao hưởng Tháng Tám

SG

Kể từ show diễn đầu tiên hôm 17.8 tới nay, liên tục các show nghệ thuật đã được "chạy thử nghiệm" ở nhà hát, như một cách để khán giả, nghệ sĩ, người thiết kế, người làm âm thanh "thẩm âm", hoàn thiện dần một hệ thống âm thanh nhà hát mà như tôi được biết là tối tân nhất hiện có trên thế giới.

Những nguyên tắc âm học trong kiến trúc nhà hát tráng lệ này, tôi chưa dám khẳng định rằng nó đạt tới đẳng cấp chuẩn quốc tế nhất hiện nay. Nhưng trang thiết bị âm thanh của nhà hát mà tôi được biết, là một trong những hệ thống tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới, được cung cấp bởi Meyer Sound - nhà cung cấp các thiết bị âm thanh cho các sân khấu Broadway và nhà hát trên toàn cầu.

Ông John Pellower - đại diện hãng Meyer Sound Laboratories (Mỹ) khẳng định rằng hệ thống loa Constellation, các micrô cảm biến xung quanh khán phòng và khu vực vỏ sân khấu, bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số tinh vi… có thể điều chỉnh được các đặc tính vang, thời gian vang lý tưởng tại một địa điểm và phân phối âm thanh đều khắp khán phòng, tạo ra trải nghiệm âm thanh tự nhiên ở mọi chỗ ngồi.

Tôi chưa tin lắm vào điều này, cho đến khi được dự chương trình hòa nhạc Giao hưởng Tháng Tám tại Nhà hát Hồ Gươm tối 18.8. Hệ thống âm thanh còn đang hoàn thiện, nhưng nó đã khiến người nghe gần đạt đến ngưỡng có thể… "chạm vào từng thanh âm".

Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc' - Ảnh 4.

Chương trình hòa nhạc đầu tiên tại Nhà hát Hồ Gươm thành công ngoài mong đợi

SG

Khi Caroline Campbell độc tấu, những thanh âm đầy mê hoặc, những quãng bỏ nhỏ và staccato cực kỳ cá tính và phóng khoáng của cô đã không chỉ phô diễn tài năng của nữ nghệ sĩ được coi là "bậc thầy" vĩ cầm. Những thanh âm đó còn phô diễn một thứ khác, đó chính là hệ thống âm thanh của nhà hát. Cho đến khi Caroline Campbell dừng đàn, khán giả vẫn còn thấy những thanh âm bay lơ lửng trong không gian, đẹp mỹ miều.

Ba giọng ca opera danh tiếng là Oliver Johnston (Anh), Corinne Winters (Mỹ), Đào Tố Loan (Việt Nam) cũng đã lần lượt đưa khán giả đến với những cung bậc thăng hoa nhất. Ấn tượng nhất là Corinne Winters, cô hát mà như không hát. Những tiếng ngân như đến từ không trung, bay theo hệ thống âm thanh tới tai người nghe, một cách tự nhiên như hơi thở, như tiếng nước chảy, tiếng chim hót trong một không gian thiên đường. Đào Tố Loan đoạn đầu có vẻ bị là là mặt đất, nhưng sau đó, cô trình diễn với một nội lực thật sự xứng tầm, mà theo tôi, nó cũng không hề kém cạnh mấy so với đàn anh chị.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO) thì không cần nói thêm. Tôi vốn vẫn cho rằng đây là dàn nhạc giao hưởng tốt nhất mà Việt Nam hiện có. Dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài năng Olivier Ochanine, chương trình hòa nhạc Giao hưởng Tháng tám đã diễn ra rất đặc sắc ở cả 3 thể loại, đặc biệt là opera. Tôi không bỏ một buổi diễn nào của SSO kể từ khi thành lập và tôi cũng có thể nói, tất cả các chương trình của SSO đều rất hấp dẫn. Lần này, hệ thống âm thanh thậm chí đã nâng sự hấp dẫn ấy lên một tầm cấp khác, mà nói như Roman Vorobyov - nghệ sĩ violin Belarus của dàn nhạc SSO thì: "Hệ thống âm thanh tuyệt đỉnh. Bạn không cần lo lắng gì về âm thanh, chỉ cần chơi và phiêu như bạn muốn. Những nốt nhạc trở nên sáng rõ hơn. Hệ thống âm thanh 3D tạo ra một cảm giác kỳ diệu".

Nếu ví dàn nhạc như một đội bóng thì sân vận động, bãi cỏ đạt chuẩn góp phần rất lớn vào thành công của trận đá bóng. Cũng như vậy với một buổi hòa nhạc, kiến trúc nhà hát sang trọng và hệ thống âm thanh tốt góp phần rất lớn vào thành công của đêm diễn. Nhà hát Hồ Gươm đã làm được điều đó, sau gần một thế kỷ Hà Nội chỉ có một thánh đường duy nhất là Nhà hát Lớn - vốn đẹp vô song về kiến trúc, nhưng không phải để hòa nhạc giao hưởng.

Nhà hát Hồ Gươm - góc nhìn từ 'âm học kiến trúc' - Ảnh 5.

Kiến trúc bên ngoài Nhà hát Hồ Gươm

SG

Người ta hay nói rằng, nghệ thuật hàn lâm kén khán giả. Tôi thì cho rằng, có lẽ chất lượng dàn nhạc của chúng ta vẫn còn thấp so với thế giới, nhà hát chuẩn thì cũng chưa có. Những chương trình của các dàn nhạc đã biểu diễn ở Hà Nội như Philadelphia, Tokyo, dàn nhạc Berlin, hay các chương trình độc tấu của Đặng Thái Sơn… luôn đông kín khách, tìm mua vé với giá cao cũng không phải là dễ. Vì vậy, hãy hỏi chính mình là: Ta biểu diễn đã ra gì chưa? Có còn lem nhem không? trước khi hỏi: Vì sao khán giả quay lưng với ta? Vàng 9999 ở đâu và lúc nào cũng có giá.

Thế nên, dù tôi không muốn ca ngợi ông Bộ trưởng Tô Lâm, nhưng có lẽ thẳng thắn mà nói, ông đã dám nghĩ cho nền văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, khi quyết định cho xây dựng Nhà hát Hồ Gươm. Bộ Công an đã làm được một kỳ tích văn hóa mà chưa bộ nào làm được: Xây được một nhà hát đẹp giữa thủ đô, mở ra một trang mới về nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Cùng với Nhà hát Lớn, đây sẽ là "thánh đường nghệ thuật" mới, một "di sản nghệ thuật kiến trúc" và cả "nghệ thuật âm học" cho đời sau. Và với những gì hiện đại như hiện nay, nghệ sĩ chúng ta cũng sẽ có cơ hội trưởng thành hơn, như Đào Tố Loan của đêm nhạc Giao hưởng Tháng Tám, khi đứng cạnh hai đàn anh chị là hai nghệ sĩ opera danh tiếng toàn cầu Oliver Johnston và Corinne Winters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.