Nhà hát online ‘san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch’

22/08/2021 19:22 GMT+7

Nghệ sĩ diễn với khoảng trống khán giả mênh mông trong khán phòng, để lên hình trong chuỗi chương trình nghệ thuật nhà hát online vượt đại dịch.

 
Diễn với khoảng trống
Trong chương trình nhà hát online Cháy lên: san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch tối 1.8, NSƯT Xuân Bắc nói với nhạc sĩ Đỗ An (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam): “Đúng là tâm trạng chúng ta giống nhau, biểu diễn trước hàng vạn khán giả không sao nhưng mà trực tiếp online thế này lại lo lo”.
Nghệ sĩ lo thật, vì họ phải diễn không có khán giả trước mặt. Những hàng ghế trống nối tiếp nối tiếp đỏ ối trên màn hình truyền hình trực tiếp. Trong các tương tác, khán giả bình luận: “Diễn trước không khán giả mà cứ như trước cả ngàn người”.
Cháy lên: san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch là một trong chuỗi chương trình nhà hát online của Bộ VH-TT-DL, với sự tham gia của các nhà hát trực thuộc. Ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết chủ đề xuyên suốt “san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” thể hiện sự chung tay của nghệ sĩ từ tất cả các đơn vị nghệ thuật và các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Điều đó sẽ san sẻ động viên về mặt tinh thần đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như người dân để cùng nhau vượt đại dịch.

Trích đoạn Thị Màu lên chùa của Nhà hát chèo VN trong chương trình

Ảnh chụp màn hình

Ông Tuấn cũng cho biết, format của chương trình được xây dựng với tinh thần vui tươi, nội dung phong phú, hấp dẫn. Ê kip kịch bản sẽ lựa chọn các tiết mục sao cho chương trình nào cũng có sự lồng ghép giữa các tiết mục ca múa nhạc, nghệ thuật sân khấu truyền thống và nghệ thuật giao hưởng, vũ kịch và có phần Game Show tạo tương tác gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả.

Vắng sao, kịch bản lỏng, Xuân Bắc lãnh đội

Cháy lên: san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch đã có những câu chuyện cảm xúc cá nhân được chia sẻ. Chẳng hạn, NSƯT Đỗ An đã nghèn nghẹn khi nói về hình ảnh những cô bé cậu bé đi cách ly vì dịch. Trẻ em luôn là những người khó khăn nhất trong hoàn cảnh đó. Nhạc sĩ vì thế đã viết bài hát về các em có tên Chiến binh nhỏ. Ông An cũng tự biểu diễn bài hát này.
Được phát trên YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các fanpage đơn vị, nghệ sĩ, nhưng dường như “thỏi nam châm” chính là Facebook của NSƯT Xuân Bắc. Chẳng hạn, số thứ 2 của chuỗi chương trình với chủ đề Ở nhà cùng vui chỉ có hơn 200 lượt xem trên Youtube của Cục, nhưng lại có tới hơn 14.000 lượt like, hơn 10.000 bình luận, hơn 1.400 lượt chia sẻ trên trang của nam nghệ sĩ.
Trong suốt hai chương trình đã phát, có nhiều tương tác của khán giả, đặc biệt là phần trò chơi giải đố. Phong cách của game này có nhiều điểm tương đồng với game Đuổi hình bắt chữ mà NSƯT Xuân Bắc đã gắn bó hàng chục năm.

Phần trò chơi có nhiều tương tác của NSƯT Xuân Bắc

Ảnh chụp màn hình

Hiện tại, Bộ VH-TT-DL có trong tay hệ thống nhà hát có bề dày nghệ thuật, cũng là nơi công tác của nhiều nghệ sĩ giỏi. Tuy nhiên, cách xây dựng nội dung các chương trình chưa tận dụng hết được lợi thế này.
Thứ nhất, nội dung của các chương trình cũng chưa ăn nhập với chủ đề lựa chọn. Cháy lên là một cái tên chung chung, và các tác phẩm biểu diễn trong đó cũng không gắn chặt với chủ đề này.
Ở nhà cùng vui cũng vậy, không tìm thấy chuỗi câu chuyện ở nhà vui trong đó. Vì thế, nếu đổi tên các chương trình cho nhau cũng không ảnh hưởng gì tới nội dung chuyển tải. Những câu chuyện nghề, điều sẽ kết nối nghệ sĩ với công chúng cũng không được bật mí nhiều.
Thứ hai, những nghệ sĩ nổi tiếng, tác phẩm xuất sắc của các nhà hát cũng chưa xuất hiện nhiều trong chương trình nhà hát online này.
Chẳng hạn, ở chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ, những cái tên đã làm nên thương hiệu nhà hát đã “ẩn mình”. Nếu khán giả mong ngóng được gặp những Lê Khanh, Tú Oanh, Thu Quỳnh… thì họ đã không được như vậy. Tiểu phẩm được trình diễn cũng không nổi trội về nội dung, chỉ dừng ở mức chuyển tải thông điệp an toàn.

Phần biểu diễn của Liên đoàn Xiếc VN trong chuỗi chương trình nghệ thuật vượt đại dịch

Ảnh chụp màn hình

Chính vì thế, sự thu hút của chuỗi chương trình nhà hát online chống dịch gần như dồn cả cho NSƯT Xuân Bắc. Giám đốc Nhà hát kịch VN này vốn là gương mặt thân quen với khán giả, sáng sân khấu, thái độ sống tích cực.
Sự thu hút của nam nghệ sĩ vì thế rất dễ hiểu. Tuy nhiên, sức hút nếu chỉ từ mình Xuân Bắc thì liệu có ổn không. Liệu có thể liên kết thêm với các nhà hát ngoài Bộ VH-TT-DL, cũng như các nghệ sĩ tự do không, trong khi, ban tổ chức là Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng như Bộ VH-TT-DL là đơn vị quản lý nhà nước của toàn bộ hệ thống biểu diễn trong cả nước?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.