Cần thiết phải quản lý dịch hại…
Cuối tháng 12.2022, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức tọa đàm phòng chống sâu bệnh gây hại cho cây mắc ca.
Đây là lần đầu tiên, hội thảo quy tụ những chuyên gia bảo vệ thực vật, nhà khoa học đầu ngành tại các đơn vị: Viện Khoa học lâm nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp, cùng các chuyên gia về sâu bệnh… tham gia đóng góp ý kiến, "hiến kế" giải pháp để quản lý dịch hại trên cây trồng mắc ca.
Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thông tin từ năm 1992 cây mắc ca được đưa vào Việt Nam nhưng đến năm 1994, Viện Khoa học nông nghiệp mới bắt đầu thử nghiệm trồng đầu tiên.
"Sau gần 30 năm, cây mắc ca có những bước thăng trầm, nhưng đến giai đoạn này có thể khẳng định, cây trồng này chiếm được vị trí thuận lợi giúp bà con, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể vươn lên, làm giàu từ mắc ca", ông Hùng nói.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Nguyễn Lân Hùng cho biết, cây mắc ca đã được trồng tại 29 tỉnh, thành phố với diện tích trên 20.000 ha.
Năm 2022, báo cáo từ các địa phương, sản lượng hạt mắc ca đạt khoảng trên 10.000 tấn. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có sự giúp đỡ của các nhà khoa học đã chứng minh, khẳng định được mắc ca là cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mục tiêu của Bộ NN-PTNT là trồng 120.000 ha, đây là nhiệm vụ rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam đã có lô hàng hạt mắc ca đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Lê Ngọc Trường, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết qua ghi nhận ở 29 tỉnh, thành phố đang trồng mắc ca đã phát hiện nhiều loại sâu bệnh hại.
Cụ thể, ở thời kiến thiết cơ bản, cây mắc ca từ 1 - 4 năm, phát hiện bọ cánh cứng, bọ 4 chấm, bọ xít dài, rệp dại… ; cây mắc ca từ 5 tuổi trở lên, phát hiện mọt đục, bọ xít sài, rệp muội, ve sầu sừng, sâu đục quả… Biện pháp phòng trừ hiện nay chủ yếu là tham khảo các biện pháp hướng dẫn của Bộ NN-PTNT; sổ tay hướng dẫn trồng, chăm sóc và phòng bệnh cây mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ban hành.
Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng: "Ở Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu nào được công bố về sâu bệnh gây hại chính, đặc điểm sinh học của sâu bệnh trên cây mắc ca. Vì vậy, để đáp ứng phát triển diện tích trồng cây mắc ca cần tiến hành nghiên cứu từ thành phần loài, đặc điểm sinh học để phòng trừ là cần thiết, từ đó đưa ra giải pháp quản lý sâu bệnh hại trên cây mắc ca, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam".
...để hướng đến nền công nghiệp mắc ca
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng mắc ca.
Theo ông Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, trong số gần 5.000 loại thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam đăng ký, chỉ có 2 loại thuốc trừ bệnh, cỏ dại cho cây mắc ca. Sau gần 30 năm, các loài sâu bệnh trên cây mắc ca đã hình thành và tạo thành quần thể. khi chúng ta sản xuất lớn, quần thể này sẽ gây hại, vì thế cần đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng trừ.
"Bởi nay mai đây, chúng ta sẽ có nền công nghiệp mắc ca chứ không phải là sản phẩm mắc ca đơn thuần như hiện nay", ông Viễn nói. Ông Viễn đặc biệt tâm huyết với sản phẩm mật ong hoa mắc ca. Đây sẽ là chuỗi sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp mắc ca.
"Mật ong mắc ca nổi tiếng ở Hawaii (Mỹ) nhưng chỉ có 50% là hoa mắc ca, còn lại là nhiều loại hoa khác. Ở Việt Nam, chúng ta đã có mật ong mắc ca nhưng tỷ lệ chỉ 30%, chưa có dòng mật ong thuần khiết từ hoa mắc ca", ông Viễn gợi ý và bày tỏ: "Giống như đường phố ở TP.Valencia (Tây Ban Nha) có phố chỉ trồng toàn cam và nó đã trở thành biểu tượng. Tôi ao ước ở đường phố Tây Bắc hoặc Tây nguyên, sẽ có những con đường chỉ trồng toàn cây mắc ca để làm biểu tượng của ngành mắc ca Việt Nam".
Bình luận (0)