Nhà khoa học Jeff Dean: 'Sai lầm khi nghĩ ứng dụng AI cần rất nhiều tiền'

20/08/2024 15:46 GMT+7

Giám đốc Google AI Jeff Dean cho rằng Việt Nam có thể áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào lĩnh vực giáo dục mà không cần tốn quá nhiều nguồn lực tài chính nếu chọn đúng hướng tiếp cận.

Chia sẻ tại sự kiện “Building AI Future for Vietnam” (Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam) do Đại học Fulbright và Google tổ chức hôm 19.8, tại TP.HCM, Jeff Dean, Phó chủ tịch kiêm Chief Scientist - nhà khoa học đứng đầu Google DeepMind và Google Research, mang đến nhiều góc nhìn mới trong việc tiếp cận và ứng dụng AI vào thực tế Việt Nam.

Theo nhà lãnh đạo Google, nghĩ đến AI, nhiều người thường cho rằng đây là lĩnh vực tốn kém, cần nhiều tài nguyên về máy tính để đào tạo AI. Tuy nhiên tôi cho rằng suy nghĩ này không hoàn toàn đúng. “Ngay tại Google, chúng tôi đang thực hiện các dự án ở quy mô nhỏ. Nhiều ý tưởng đang được chạy trên các mô hình máy tính chỉ trong vài giờ, không phải tất cả đều cần một phòng thí nghiệm quy mô lớn”, Jeff Dean chia sẻ.

Ông cho rằng hiện tại có rất nhiều mô hình mã nguồn mở để các trường, nhà nghiên cứu và cả sinh viên có thể khám phá AI, thử nghiệm những điều thú vị mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền bạc để đầu tư phần cứng một cách rầm rộ. Với bối cảnh Việt Nam hiện tại, giáo dục có thể là một trong những lĩnh vực thay đổi mạnh mẽ nhất nếu áp dụng AI vào đào đạo.

Nhà khoa học Jeff Dean: 'Sai lầm khi nghĩ ứng dụng AI cần rất nhiều tiền'- Ảnh 1.

Jeff Dean, nhà khoa học trưởng của Google chia sẻ tại sự kiện “Building AI Future for Vietnam”

CTV

Lãnh đạo Google AI nhận định, GenAI không chỉ tác động đến cách truyền tải và tiếp thu kiến thức, quan trọng hơn nó đang thay đổi căn cơ cách mọi người giải quyết vấn đề. Ông nói: “Thế giới thay đổi mỗi ngày nhưng giáo dục vẫn được đóng khung trong tâm trí nhiều người là một giáo sư đứng trên bục giảng, đọc giáo trình. Bên dưới các sinh viên chăm chú ghi lại thông tin. Nhưng với sự trợ giúp của AI, việc truyền tải và tiếp thu kiến thức sẽ phong phú, đa dạng hơn”. Ông nhận định đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà là bài toán chung của cộng đồng. Vẫn còn nhiều việc phải làm để giáo dục có thể thực sự tận dụng được các tiến bộ AI đem lại.

“Tôi tin rằng lực lượng lao động trong tương lai sẽ nhanh chóng chia làm hai nhóm. Một là những người biết cách hệ thống hóa và dùng AI để giải quyết vấn đề. Nhóm còn lại là những người không sẵn sàng để đón nhận những thay đổi trong tương lai”, Jeff Dean chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Scott Fritzen, Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam, chia sẻ câu chuyện thực tế khi đưa AI vào giáo dục. Phản ứng đầu tiên khi giảng viên thấy sự hiện diện của AI trong giáo dục là: “Nguy thật, AI có thể ‘tiếp tay’ cho sinh viên làm bài tập về nhà mà tôi không phát hiện được”. Khi đó, có hai luồng ý kiến, một số người từ chối hoặc tiếp cận một cách cẩn trọng, tạo ra các quy tắc để hạn chế tối đa sinh viên có thể lạm dụng công nghệ này. Nhóm thứ hai phản ứng tích cực hợp, họ hào hứng tìm hiểu xem có thể làm được gì với AI để thay đổi cách thức truyền tải kiến thức.

Nhà khoa học Jeff Dean: 'Sai lầm khi nghĩ ứng dụng AI cần rất nhiều tiền'- Ảnh 2.

Jeff Dean, Phó chủ tịch kiêm Chief Scientist chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên tại Đại học Fulbright

CTV

Tiến sĩ Scott Fritzen cho rằng AI đang định hình lại thế giới theo những cách chưa từng có, các trường Đại học không chỉ tìm cách tiếp cận mà còn phải dạy sinh viên dùng công nghệ một cách có trách nhiệm.

Khi được hỏi về cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực AI khi lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh, Jeff Dean thẳng thắn chia sẻ: “Các bạn không thể theo kịp tất cả, tôi cũng không thể. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị được kiến thức nền tảng, hiểu rõ các kỹ thuật để dù bất kỳ thay đổi nào diễn ra thì cũng sẵn sàng để nắm bắt”.

Ông cho rằng hiện tại sinh viên có nhiều lợi thế khi có thể tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, được cập nhật liên tục trên internet. Sau khi hiểu rõ được các kỹ thuật cơ bản, các kỹ sư trẻ nên tập trung vào lĩnh vực AI họ thật sự hứng thú như robot hay chăm sóc sức khỏe. Từ đó tiếp tục cập nhật những tiến bộ mỗi ngày và luôn tự hỏi mình tương lai công nghệ này sẽ phát triển ra sao, nó sẽ giải quyết bài toán gì trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.