Hà còn là người trực tiếp phụ trách Phòng Thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu bằng phương pháp nhiễu xạ tia X, bao gồm cả nhiễu xạ tia X dạng bột và đơn tinh thể.
Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Cần Thơ năm 2011, ngay sau đó, Hà được chọn đặc cách vào học chương trình đào tạo tiến sĩ trên cơ sở hợp tác giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH California (Mỹ).
tin liên quan
9X được học bổng 7 tỉ của Harvard: 'Một tấm gương sáng chói'Không chỉ ngưỡng mộ lòng ham học, ý chí phấn đấu của Diệu Liên, độc giả còn gửi lời động viên ba mẹ em, những người lao động nghèo tiền của nhưng giàu nhân cách, quyết chí nuôi con ăn học thành tài.
Nguyễn Lạc Hà từng được mời sang thực tập tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ), một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực vật liệu khung hữu cơ, kim loại, lĩnh vực đang rất cần đưa vào ứng dụng trong môi trường thực tế ở VN. Hà cũng được mời tham gia nhiều khóa đào tạo do các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực phân tích cấu trúc vật liệu đến từ các ĐH như: California (Mỹ), Samara (Nga), Milan (Ý) hướng dẫn.
Trong hai năm 2015 - 2016, Hà đã có 5 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành hóa học uy tín của Mỹ và Anh. Trong đó có công trình nghiên cứu “Một vật liệu khung hữu cơ kim loại titan, kết hợp hóa học vật liệu khung hữu cơ kim loại và vật liệu khung hữu cơ cộng hóa trị” đăng trên tạp chí Journal of the American Chemical Society (JACS), một trong các tạp chí chuyên ngành hóa học uy tín nhất nước Mỹ.
Theo nhận xét của tiến sĩ Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử - INOMAR (ĐH Quốc gia TP.HCM), công trình này có ý tưởng hoàn toàn mới, bởi Hà đã thiết kế thành công một vật liệu khung hữu cơ kim loại mới dựa trên tâm titan đặt tên là MOF-901.
Mối quan tâm lớn nhất của Hà suốt 5 năm qua là thiết kế, chế tạo những vật liệu khung hữu cơ - kim loại cấu trúc tinh thể mới, phục vụ nhu cầu trong các ngành công nghiệp, thu hồi các khí độc từ hỗn hợp, khí thải tạo ra từ hiệu ứng nhà kính.
Hà cho biết trên thực tế cũng có rất nhiều quy trình công nghiệp liên quan đến việc hấp thụ, thu giữ, lưu trữ khí thiên nhiên methane bằng vật liệu xốp như: carbon hoạt tính, zeolite. Tuy nhiên, ứng dụng của các loại vật liệu này bị hạn chế do tỷ trọng tương đối liên quan đến nén khí cao, lỗ xốp và diện tích bề mặt thấp. Điểm yếu của các loại vật liệu này là rất khó thay đổi kích thước, hình dạng của lỗ xốp nên việc tối ưu hóa tính ứng dụng là không cao. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phát triển một loại vật liệu hấp phụ methane thỏa mãn đồng thời các tiêu chí: có khả năng tái sử dụng nhiều lần, mức tiêu thụ năng lượng thấp và thân thiện môi trường.
Giải pháp lưu trữ khí methane mà Hà nghiên cứu là thiết kế, chế tạo khung hữu cơ kim loại, có diện tích bề mặt lớn từ việc kết hợp các tâm kim loại mở của đồng, kẽm hoặc sắt với các cầu nối hữu cơ liên hợp nhằm tăng mật độ tương tác của khung sườn vật liệu MOF với các phân tử khí methane dẫn đến khả năng làm tăng dung lượng hấp phụ methane”.
Cuối tháng 10.2016, Hà được Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) trao suất học bổng dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc nhất của ĐH Quốc gia TP.HCM, vì có những nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc tế…
Hà mong muốn: “Mình ước mơ được làm việc với các nhà khoa học giỏi quốc tế, để học hỏi và tích lũy kiến thức khoa học, góp phần cải thiện thứ hạng nghiên cứu khoa học của VN so với khu vực và thế giới”.
Bình luận (0)