Trong số những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất có hơn 40 nhà khoa học Việt Nam, chủ yếu là các giáo sư gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, có 10 người đang làm việc ở các đại học Việt Nam trong đó có Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thời Trung.
Nhóm Metrics của John Ioannidis (Đại học Stanford) đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus thống kê từ 24.702 tạp chí và 6.123 kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế uy tín (giai đoạn 1960 - 2017) của gần 7 triệu tác giả và lọc ra danh sách này.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thời Trung (43 tuổi), Viện trưởng Viện Khoa học tính toán (Trường đại học Tôn Đức Thắng), là một trong số 100.000 nhà khoa học nói trên. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi đến với con số hơn 6.400 chỉ số trích dẫn, ông từng thi rớt lớp 10 nhiều năm trước đó.
Thiếu 0,25 điểm vào lớp 10
Sinh ra ở Ninh Thuận nhưng Nguyễn Thời Trung cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống, học tập từ nhỏ. Từ một học sinh giỏi Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, ông thi rớt lớp 10 công lập Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM). Dù được cộng tới 3 điểm ưu tiên nhưng cậu học trò này vẫn thiếu 0,25 điểm và phải học hệ B. Cú sốc này đến từ nguyên nhân khi ông đang học bậc THCS thì ba qua đời để lại mẹ một mình nuôi 3 anh em ăn học. Để phụ giúp mẹ, ông một buổi đến trường, một buổi ra chợ Tân Bình phụ mẹ bán quần áo rồi lơ là việc học.
“Mình từng nghĩ cố gắng học hết lớp 12 rồi tập trung việc buôn bán ở chợ. Nhưng đến hè lớp 11, từ một cuốn sách đọc được mình chợt nhận ra cần phải định hướng lại tương lai và sự nghiệp với ý nghĩ: mình phải vào được đại học để làm chủ cuộc đời và trở thành một công dân hữu ích cho xã hội”, ông kể lại.
Với sự nỗ lực, trong vòng 1 năm, ông đã trúng tuyển 4 trường đại học và cao đẳng. Cuối cùng, ông quyết định học cùng lúc 2 trường: Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM (ngành toán - tin) và Trường đại học Bách khoa TP.HCM (ngành kỹ thuật xây dựng). Sau những tháng ngày vật lộn với việc học đại học, ông tốt nghiệp tốp đầu và được cả hai trường đề nghị giữ lại làm giảng viên.
Đến năm 2003, ông bảo vệ thành công lần lượt luận văn thạc sĩ khoa học máy tính tại Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, luận văn thạc sĩ châu Âu ngành cơ học công trình của Trường đại học Liege (Vương quốc Bỉ, liên kết với Trường đại học Bách khoa TP.HCM). Tiếp đó, Đại học Quốc gia Singapore trao bằng tiến sĩ cơ học cho ông vào năm 2010, với giải thưởng luận văn tiến sĩ xuất sắc nhất (Best PhD thesis Award).
Nhưng thú vị ở chỗ, dù sở hữu 2 bằng đại học, 2 bằng thạc sĩ và tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, ông vẫn quyết định học thêm một bằng đại học ở lĩnh vực rất mới để mở mang nhận thức của bản thân - ngành triết học với bằng tốt nghiệp loại giỏi tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2015.
Hơn 6.400 chỉ số trích dẫn
Nguyễn Thời Trung trở thành giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM từ năm 2001. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông tham gia nhóm nghiên cứu cơ học tính toán tại Trường đại học Tôn Đức Thắng. Hiện ông đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Khoa học tính toán của trường.
Là chuyên gia về cơ học tính toán, ông có nhiều đóng góp quan trọng và cách tân trong chuyên ngành này. Những đóng góp về phương pháp số, phân tích kết cấu, tối ưu hóa, chẩn đoán hư hỏng kết cấu và tính toán thông minh tạo được ảnh hưởng trong giới chuyên ngành. Tính đến nay, ông đã công bố 160 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín được liệt kê trong cơ sở dữ liệu ISI của Mỹ. Trong số này có hơn 50% công bố trong vai trò là tác giả chính.
Theo cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thời Trung có hơn 6.400 trích dẫn khoa học, chỉ số H-index là 44 (tức có 44 bài được trích dẫn từ 44 lần trở lên).
Phó giáo sư - tiến sĩ Trung hiện có tên trong ban biên tập của 3 tạp chí khoa học quốc tế. Ông còn được mời tham gia giảng dạy chương trình sau đại học tại Đại học Old Dominion (Virginia, Mỹ).
Ông cho rằng thời gian tới, những dự án lớn của Việt Nam đòi hỏi việc ứng dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật tính toán sẽ vô cùng cần thiết như: thành phố thông minh, chống ô nhiễm không khí và nguồn nước, kẹt xe... “Chúng tôi mong muốn sẽ góp phần cho nhiệm vụ này bằng những thành tựu nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng hiệu quả, cũng như việc đào tạo ra nhiều chuyên gia giỏi ngành khoa học tính toán”, ông chia sẻ.
10 nhà khoa học ở Việt Nam có tên trong top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn nhiều nhất- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Bách (Trường đại học Y Hà Nội)
- Giáo sư - tiến sĩ Phan Thanh Sơn Nam (Trường đại học Bách khoa TP.HCM)
- Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thời Trung (Trường đại học Tôn Đức Thắng)
- Tiến sĩ Thái Hoàng Chiến (Trường đại học Tôn Đức Thắng)
- Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Giáo sư - tiến sĩ Phạm Việt Hùng (Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Trường đại học Phenikaa)
- Tiến sĩ Phạm Việt Thành (Trường đại học Phenikaa)
- Tiến sĩ Trần Đình Phong (Trường đại học Việt - Pháp)
|
Bình luận (0)