Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường

Nhà Lê sơ chống tham nhũng hữu hiệu

20/02/2025 06:00 GMT+7

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phối hợp khác nhau, nhà Lê sơ nhìn chung đã thực hiện tốt việc xử lý nạn tham nhũng.

Đội ngũ công bộc thực tài, thực đức

Những biện pháp diệt "sâu dân, mọt nước" thời Lê sơ góp phần đáng kể phát hiện, xử lý nhiều đối tượng tham nhũng. Trong nhiều vụ án, kẻ tham nhũng bị bãi chức tước, đuổi về làm dân như "Cảnh Xước ăn hối lộ 20 lạng bạc. Theo luật đáng phải tội chết. Nhà vua cho rằng Cảnh Xước hầu ở tòa Kinh Diên đã lâu, nên ruồng bỏ, bắt làm thứ dân", Cương mục chép; hoặc bị xử tử như Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm năm Ất Mão (1435) vì nhận hối lộ. Tính răn đe của nhà nước đối với quan lại nói chung và bọn tham quan, ô lại nói riêng nhờ thế thêm phần có hiệu lực.

Nhà Lê sơ chống tham nhũng hữu hiệu- Ảnh 1.

Giải tử tội ra pháp trường

NGUỒN: SÁCHConnaissance du Việt-nam

Những biện pháp có tính thực tiễn cao đã có tác dụng đáng kể, thải loại những quan lại có tư cách đạo đức kém, năng lực chuyên môn yếu. Năm Mậu Tuất (1478), qua khảo khóa quan viên thiếu năng lực như Nguyễn Trí Nghiêu, Đỗ Hữu Trực, Đỗ Công Thích kẻ bị đổi sang nơi ít việc, kẻ phải hưu trí sớm. Nhờ có sự giám sát, phản biện từ các quan Ngự sử đài, đã có 6 vụ tham nhũng trong hơn 30 vụ tham nhũng ghi lại trong sử sách được phát hiện bởi ty Phong hiến.

Thời Lê sơ, thi cử là con đường chính thống để chọn người làm quan. Trải qua 100 năm góp mặt trong lịch sử dân tộc, thời đại này có số lượng người đỗ tiến sĩ nhiều hơn bất cứ triều đại nào. Bước chân vào điện Kính Thiên từ nghiệp "lều chõng", những Nguyễn Trực, Thân Nhân Trung, Quách Hữu Nghiêm… đều khẳng định được tài năng, nhân cách.

Nhà nước còn thực hiện lệ tiến cử và lệ bảo cử là những biện pháp thức thời chọn người tài làm quan không qua thi cử, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đem tài năng giúp nước. Tiêu chí tiến cử, bảo cử chọn người có phẩm hạnh, đảm bảo qua tờ "bảo kết" của xã trưởng nơi bản quán, cùng tài năng đã được bảo đảm từ người đứng ra tiến cử, bảo cử, thêm quy định trách nhiệm liên đới về sau. Bởi thế, những người có tài năng, phẩm hạnh như trường hợp Dương Trực Nguyên (1468 - 1509) thời vua Lê Hiến Tông không ngừng được cất nhắc chức vụ từ bảo cử là một minh chứng sống động.

Hơn 30 vụ án tham nhũng được sử sách ghi lại ở 40 năm đầu thời Lê sơ nhà nước đa phần xử đúng người, đúng tội theo luật định của Quốc triều hình luật. Hiệu ứng từ những vụ xử án đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với vương triều, tạo điều kiện cho sự phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, tính cho đến hết thời vua Lê Thánh Tông, nhà Lê sơ được xem là phát triển cực thịnh.

Góp phần tạo dựng triều đại thịnh trị

Thưởng người có công, phạt kẻ có tội là lẽ thường. Nhà Lê sơ đã thực hiện chính sách nêu gương, khen thưởng, khuyến khích người liêm khiết, trong sạch và chính sách khen thưởng, khuyến khích cá nhân, tổ chức chống, vạch tội tham nhũng và răn đe, trừng phạt kẻ phạm tội tham nhũng. Mục đích là tôn vinh những gương thanh liêm trong đội ngũ quan lại, lấy họ làm hình mẫu để những quan viên khác trong triều, ngoài trấn noi theo thực hiện. Nhiều tấm gương liêm khiết, trong sạch được tôn vinh như Vũ Tụ, Ngô Tuấn Kiệt. Nhiều cá nhân được khen thưởng vì vạch tội tham ô, hối lộ, tiêu biểu như Bùi Cầm Hổ, Lê Cảnh Huy.

Nhà Lê sơ chống tham nhũng hữu hiệu- Ảnh 2.

Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, in 1972) ghi nhận hơn 30 trường hợp tham nhũng thời Lê sơ

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Nhà nước cũng rất quan tâm đãi ngộ đội ngũ quan lại bởi dân gian vẫn truyền câu "Có thực mới vực được đạo". Để đội ngũ quan lại yên tâm công tác, không vì kinh tế khó khăn mà nhận của đút, tha hóa biến chất bởi đồng tiền bất lương, nhà Lê sơ đã thực hiện chế độ đãi ngộ rất trọng hậu dành cho họ. Những chính sách đãi ngộ về bổng lộc, điền lộc, tuế lộc, tiền dưỡng liêm… đã tạo điều kiện cho đời sống quan viên được ổn định, chuyên tâm tới công việc chuyên môn, giữ đạo đức nơi công đường.

Dù nạn tham nhũng vẫn hiện diện nhưng không thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục… mà triều Lê sơ này đã đạt được. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà ca dao, nơi phản ánh một phần tình cảm, tư tưởng của nhân dân, đã có ngợi ca về thời Lê sơ: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,/Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn".

Trong những nguyên nhân giúp cho nhà Lê sơ tính đến hết thời vua Lê Túc Tông năm Giáp Tý (1504) có được sự thịnh trị hầu khắp mọi mặt, ngoài những cải cách về quan chế, hành chính thời Lê Thánh Tông, những chính sách quân điền trong nông nghiệp, sự tôn sùng Nho giáo trong tư tưởng… thì những biện pháp mang tính kết hợp trong phòng, chống và xử lý tham nhũng có hiệu quả, đóng vai trò to lớn ổn định quan trường và lòng dân để thời Lê sơ là triều đại thịnh trị. 

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước" - NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.