Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Ban khen cho gương sáng liêm khiết

17/02/2025 06:31 GMT+7

Để nêu gương sáng quan lại liêm khiết, triều đình thời Lê sơ nào ban chữ "liêm tiết", nào dùng tiền dưỡng liêm… xem như ghi nhận đặc biệt cho những người giữ mình trong sạch.

Ban hai chữ "liêm tiết" cho thanh quan

Năm Giáp Dần (1434), để biết được quan lại liêm khiết hay tham ô, siêng năng hay lười biếng, vua Lê Thái Tông đã dùng biện pháp được Toàn thư ghi là "sai người đi hỏi ngầm khắp nước". Qua đó, triều đình bắt và xét hỏi tới 53 tham quan ô lại gồm Tuyên úy, Tổng quản, Tuần sát của các lộ, trấn, huyện. Vua cũng ban thưởng cho các quan siêng năng, mẫn cán, có tài và liêm khiết, hạng nhất được thưởng tước 1 tư và 5 quan tiền, hạng nhì được thưởng 1 tư. Đây là biện pháp mật tra qua các công sai, án sát để biết được việc hay dở của quan viên. Việc dò hỏi này có tham khảo dư luận xã hội trong nhân dân để biết được sự tốt, xấu của quan lại.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Ban khen cho gương sáng liêm khiết- Ảnh 1.

Sách Nam quốc vĩ nhân truyện (bản dịch, in 1968) ghi chép gương liêm Vũ Tụ

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Toàn thư thông tin thêm, sau này vua Lê Thánh Tông năm Đinh Hợi (1467) cũng sai Lục bộ, Lục tự, Lục khoa mỗi cơ quan chọn 2 viên để "sung việc đi thăm hỏi, điều tra nỗi đau khổ của dân và điều hay dở của chính sự". Các vua Lê đã dùng biện pháp thưởng chức tước để khuyến khích người liêm khiết, như năm Nhâm Thìn (1472), vua "ra sắc chỉ rằng những điển lại nào thanh liêm, cần mẫn thì được thăng bổ chức phó nhị".

Khi định công, ban thưởng những tấm gương ngay thẳng, trung thực, nhà Lê sơ có sự minh định giữa công và tội. Có công được khen, có tội trách phạt, xét xử nghiêm minh, như trường hợp Thái bảo Lê Lăng. Lê Lăng là công thần giúp Lê Thánh Tông lên ngôi, được vua phong Á thượng hầu lên Thái bảo, là đại thần trong triều. Nhờ giữ được sự thanh liêm nên vua "sai Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem bạc vàng đến thưởng cho Lê Lăng và dụ rằng: Ngươi nên thận trọng từ đầu đến cuối, phải thanh liêm công bằng". Nhưng sau này Lê Lăng ngầm mưu phản, phải chịu tội chết theo luật pháp.

Đối với quan lại nêu gương thanh liêm, kiệm ước, vua Lê có chính sách tưởng thưởng xứng đáng, và tiến sĩ Vũ Tụ (1476 - ?) là một trường hợp như thế. Nam quốc vĩ nhân truyện cho biết nhân cách của Vũ Tụ, "tính ông ngay thẳng, thanh liêm, không bao giờ ông ăn tiền của ai", trong khi gia cảnh của Vũ Tụ được Lịch triều hiến chương loại chí ghi, "trong nhà gạo không có để trữ một gánh một hộc mà vui vẻ tự nhiên. Nếp nhà thanh bạch, người thời bấy giờ rất kính mộ ông". Thậm chí vua Lê Thánh Tông sai người biếu lụa để thử lòng nhưng ông thẳng thừng từ chối. Ghi nhận đức liêm, vua ban cho họ Vũ hai chữ "liêm tiết" đính vào cổ áo, để khi vào chầu "biểu dương tính thanh liêm, cũng là làm gương cho những kẻ khác".

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Ban khen cho gương sáng liêm khiết- Ảnh 2.

Tiền Hồng Đức thông bảo thời vua Lê Thánh Tông

ẢNH: TƯ LIỆU

Qua những trường hợp bình xét, thăng thưởng bởi sự trong sạch, liêm khiết cho các quan viên của vua Lê, cho thấy triều đình không phân biệt vị trí của quan lại sang hèn, cao thấp, miễn sao giữ được phẩm chất tốt đẹp. Phẩm chất đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá là liêm khiết để có được sự khen thưởng xứng đáng nhằm khuyến khích họ.

Tiền dưỡng liêm

Nhà Lê sơ còn có hành động sâu sát để không bỏ sót những tấm gương sáng nào về nhân phẩm. Năm Mậu Ngọ (1498), vua Lê Hiến Tông sai sứ đi khắp bốn phương để truy xét nhiều đối tượng khác nhau như người nghèo, già yếu trong quân ngũ, người chịu thuế khóa, phục dịch, người bị oan khuất… để có hành động phù hợp. Đồng thời sai sứ tìm "khen thưởng người có công, biểu dương người tiết nghĩa, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài. Trong Kinh, ngoài trấn rất vui mừng", Việt sử cương mục tiết yếu ghi.

Nhà Lê sơ còn có biện pháp được xem như ưu đãi biệt lệ đối với người liêm khiết, đó là tiền quý bổng liêm khiết (tiền dưỡng liêm) để là vừa giúp đỡ về vật chất, vừa giúp họ nuôi giữ đức tính thanh liêm. Toàn thư ghi nhận, năm Mậu Ngọ (1498), vua "lấy Dương Trực Nguyên làm Lại khoa đô cấp sự trung, lại ưu đãi cho thêm tiền quý bổng liêm khiết". Loại tiền không phải ai cũng được hưởng này đã tỏ rõ tác dụng của nó. Dương Trực Nguyên đã "đàn hặc, trấn áp bọn cường hào, những kẻ có quyền thế cũng phải chùn tay". Đến năm Canh Thân (1500) bởi tính cương nghị, liêm khiết, được thăng làm Đô đình úy. Năm Nhâm Thân (1512), ông được làm Đô ngự sử, một vị trí cần người không bị lay chuyển bởi lợi lộc, quyền thế.

Cuối thời Lê sơ, dù trong đội ngũ quan lại hình thành nhiều nhóm lợi ích tranh chấp quyền lực với nhau, nhưng không vì thế mà những tấm gương liêm khiết vắng bóng. Thời vua Lê Tương Dực, Lại bộ tả thị lang Lương Đắc Bằng dù là trọng thần trong triều mà sống trong sạch, bần hàn. Nam hải dị nhân liệt truyện thông tin, sau khi Lương Đắc Bằng mất, con ông là Lương Hữu Khánh vì ăn khỏe, nhưng gia cảnh nghèo, đã phải tâm sự với mẹ: "Cha tôi khi xưa làm quan thanh liêm, đến nỗi con cháu không đủ cơm cháo mà ăn, vậy mẹ cho tôi đi nơi khác, tùy đường kiếm ăn, kẻo để phiền đến bụng mẹ". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.