Năng lực đo bằng sự ái mộ của dân
Năm Mậu Thân (1428), biện pháp khảo khóa được thực hiện khi vua Lê Thái Tổ "chỉ dụ cho các đại thần xét các quan làm việc trong ngoài", Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận. Đến thời Lê Thánh Tông hoàn thiện quy chế khi năm Mậu Thân (1488), vua ban hành lệ khảo khóa quan lại. Theo Cương mục, "làm việc quan được 3 năm thì sơ khảo; 6 năm, tái khảo; 9 năm, thông khảo". Thời gian một kỳ 3 năm vừa đủ để đánh giá năng lực, phẩm chất quan lại, không quá dài, không quá ngắn, duy trì thành lệ, có tác dụng là "cách thức khuyên răn thúc đẩy cũng đã chu đáo lắm. Bấy giờ các quan đều làm việc giỏi, gọi là đời thịnh trị, đó chẳng phải là hiệu quả của sự thưởng phạt nghiêm minh sao?", Phan Huy Chú nhận xét.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Định kỳ xét năng lực quan chức- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Định kỳ xét năng lực quan chức- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/15/11a-17396210530081707914569.jpg)
Sách Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch, in năm 1992) đánh giá cao lệ khảo khóa thời Lê sơ
ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA
Quy định phân hạng khảo khóa được ghi rõ trong Lê triều hội điển: "Quan nào cẩn thận siêng năng, yêu thương hạ dân, dấy lợi trừ hại, xử kiện công bằng thì được là bậc Thượng. Quan nào thương yêu hạ dân, thuế khóa không nhiễu, việc công đầy đủ, được là bậc Trung. Quan nào tầm thường bất tài, a dua xu phụ, tham ô nhũng lạm, hình ngục bê trễ, là bậc Hạ".
Một điểm đáng lưu ý là trong tiêu chí khảo khóa quan lại, khi xét hiệu quả công việc có tính đến việc quan tâm chăm sóc đời sống nhân dân hay không, được dân tình ái mộ hay không, như Việt Nam văn minh sử ghi: "Sự khảo khóa có tiêu chuẩn rõ ràng, về hiệu năng phục vụ và đo đạc bằng lòng ái mộ của dân". Vậy là dư luận của dân chúng, cộng đồng là một thước đo tiêu chuẩn trong khảo khóa quan lại. Nhà nước cũng lưu ý trong chiếu vua Lê Thánh Tông năm Ất Mão (1495), "quan viên nào bị ốm tới 3 tháng thì không được dự khảo khóa".
Quan viên khảo khóa đạt bậc Thượng được thăng chức, thưởng tư. Làm quan nơi xa, vùng biên viễn hay lam chướng thì chuyển về trấn nhậm nơi gần. Lại được thưởng tiền mang tính để ghi nhận thành tích mà theo Lịch triều là "bậc nhất thì được tước một tư, tiền 5 quan". Quan viên không xứng chức bị xếp vào bậc Hạ, sẽ bị giáng chức, chuyển sang nơi ít việc, cho tạm nghỉ việc, thậm chí thải hồi, bắt hưu trí sớm. Trường hợp viên quan nào sau khi khảo khóa, nếu phát hiện là kẻ tham nhũng thì bãi chức, bắt sung quân ở Quảng Nam xa xôi.
Đào Cử thông khảo xứng chức
Nhà nước có những ràng buộc để ngăn chặn nạn chạy chọt trong khảo khóa, định rõ trách nhiệm của cá nhân (các trưởng quan), tổ chức (tam ty: Đô ty, Thừa ty, Hiến ty; Lại bộ) đứng ra khảo khóa. Sắc chỉ năm Canh Tuất (1490): "Kẻ nào dám chạy vạy cầu cạnh thì trị tội theo luật để ngăn chặn thói cầu may của kẻ sĩ". Vua Lê Hiến Tông năm Kỷ Mùi (1499) răn đe: "Quan khảo hạch dám có tư tình xét bậy, Lại bộ khảo xét không minh, Lại khoa xét bác không sáng suốt, đều phải giao sang Hình bộ theo luật trị tội".
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Định kỳ xét năng lực quan chức- Ảnh 2. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Định kỳ xét năng lực quan chức- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/15/11b-17396210530451789708193.jpg)
Vua Lê Thái Tổ mở đầu thực hiện lệ khảo khóa quan lại
ẢNH: LÊ DỊU
Trong thực tế qua khảo khóa, nhiều quan viên yếu kém đã bị thải hồi. Toàn thư ghi nhận năm Mậu Tuất (1478): "Tham nghị Lạng Sơn Trần Duy Hinh, Tri phủ Trường Khánh Ninh Tháp Nhung, Tri phủ Phú Bình Phạm Tháo… và những tên đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc, đáng phải cho nghỉ […] nếu có kẻ nào mỏi mệt hèn kém như bọn Nguyễn Trí Nghiêu, Đỗ Hữu Trực, Đỗ Công Thích… cùng những tên đê tiện bỉ ổi, không có tài cán, không làm nổi việc, đáng cho về nghỉ".
Triều đình qua khảo khóa chọn được những viên quan có đủ phẩm chất, năng lực làm việc để thăng chức, tuyển bổ lên vị trí cao xứng đáng cho phù hợp. Đào Cử khi đương chức không ngừng tu tâm dưỡng tính, hết lòng với chức phận được giao. Năm Mậu Thân (1488) qua thông khảo (9 năm) "Đào Cử được thăng Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Tu Thận thiếu doãn. Vì Đào Cử giữ chức ở nha môn có nhiều việc, đủ 3 kỳ khảo khóa đều xứng chức, không phạm lỗi, cho nên được thăng". Đời vua Lê Hiến Tông, Vũ Phục Long, Phạm Như Dụ và Vũ Thế Hảo khi được khảo khóa có nhiều thành tích, lại liêm khiết, trong sạch, được triều đình biểu dương năm Mậu Ngọ (1498).
Lệ khảo khóa tạo động lực để quan lại làm tốt chức trách được giao. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm, ý thức của kẻ sĩ để có được những kỳ sơ khảo, thông khảo đạt kết quả tốt: "thành ra khi làm việc, các quan lại phải khuôn mình trong kỷ luật, phải để hết tâm trí vào công việc và phải luôn luôn giữ gìn liêm khiết không thể ngang nhiên tham nhũng trước tai mắt dân chúng được, vì chính dân chúng sẽ tố giác", Việt Nam văn minh sử kết luận.
Nhận xét về phép khảo khóa thời Lê sơ, Phan Huy Chú khẳng định tác dụng to lớn của lệ này là: "Phép khảo khóa của nhà Lê rất là tinh mật, từ khi khai quốc thì rất rõ ở đời Hồng Đức […] Người thanh liêm chăm chỉ tất được khen thưởng, người hèn kém thì tức truất bỏ". (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân,
mọt nước" - NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Bình luận (0)